Ít nơi nào như VN khi mà bất kỳ thời điểm nào trong ngày cũng thấy người ngồi trong quán nhậu, và đặc biệt kín đặc vào các buổi trưa, buổi chiều. Trong số đó có không ít người là cán bộ, công chức, viên chức. Ðủ lý do được nêu ra nhưng uống rượu bia với bất kỳ lý do gì mà làm đình trệ tiến độ công việc, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp thì đó là điều không thể chấp nhận được đối với bộ máy chính quyền, nhất là tại những cơ quan trực tiếp giải quyết công việc hằng ngày của người dân.
Sự ra đời của các văn bản cấm cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia trong giờ hành chính, trong các bữa ăn trưa, sau các cuộc hội họp... tại nhiều địa phương, nhiều bộ, ngành, mới nhất là Bộ Tư pháp, chính là xuất phát từ việc "không có lửa làm sao có khói". Phải "đối phó" với rượu bia có lẽ là chuyện cực chẳng đã của các cơ quan công quyền.
Thực tế đáng buồn đó đã tồn tại từ nhiều năm nay, không đủ để "vơ đũa cả nắm" nhưng cũng đã gây rất nhiều bức xúc trong xã hội. Vì lẽ đó, từ năm 2008, trong chỉ thị về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã cảnh báo tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc như làm việc riêng, đi muộn, về sớm, chơi game, đánh bài, uống rượu bia trong giờ làm việc ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức.
Như thế, đổ hết lên đầu rượu bia "tội" làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng công việc của bộ máy chính quyền thì quả là oan. Có hàng loạt nguyên nhân đang làm cản trở sự vận hành của bộ máy chính quyền. Song dù chấn chỉnh nhưng đầu năm nay vẫn có thành viên Chính phủ phải thốt lên rằng có tới 30% công chức làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào - một tỉ lệ được cho là không có cũng được.
Ðã có rất nhiều kết quả điều tra, khảo sát về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền được công bố. Ðã có rất nhiều quy định được ban hành. Tất nhiên, có quy định, có chế tài nghiêm thì tình trạng cán bộ, công chức uống rượu bia, tình trạng đi muộn, về sớm, đánh bài, chơi game... trong giờ hành chính sẽ giảm. Nhưng không thể lấy những con số đó làm thành tích đưa vào các bản báo cáo. Dù không uống rượu, không chơi game trong giờ hành chính nhưng các vị công bộc còn nhũng nhiễu, còn vòi tiền để "bôi trơn" thì sẽ còn đó nhiều bức xúc.
Hiệu quả hoạt động của một cơ quan, một bộ máy công quyền không phải chỉ được đánh giá bằng việc giảm số cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia trong các bữa ăn hay tỉ lệ người đi làm đúng giờ cao. Thước đo quan trọng nhất sẽ phải là chất lượng công việc.
KHIẾT HƯNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận