05/02/2015 11:56 GMT+7

​Rượu bia, cuộc sống và luật pháp

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Việc Singapore ban hành đạo luật cấm mua bán và uống rượu bia nơi công cộng từ 22g30-7g đặt ra vấn đề về thái độ đối với tình trạng lạm dụng rượu bia.

Kể từ 2010 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong top các nước có tăng trưởng tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới. Ảnh tư liệu.

 Trong khi dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia ở Việt Nam đang gây tranh luận với quy định cấm bán rượu bia từ 22g-6g hằng ngày, bên cạnh chúng ta - Singapore đã ban hành một đạo luật tương tự cấm mua bán và uống rượu bia nơi công cộng từ 22g30-7g.

Câu chuyện ở Singapore đặt ra vấn đề về thái độ đối với tình trạng lạm dụng rượu bia, về việc cân đối giữa nhu cầu của một bộ phận người dân với đảm bảo cuộc sống trật tự, lành mạnh cho đa số. Luật pháp nên nghiêng về ưu tiên nào?

Không thể nói rằng an toàn giao thông, trật tự và văn minh xã hội ở Singapore kém hơn ta, cũng không thể nói người Singapore uống rượu bia nhiều hơn người Việt Nam, vậy mà họ đã dứt khoát lựa chọn thái độ gần như nói không với nhậu nhẹt lúc nửa đêm về sáng.

Sở dĩ dùng chữ “gần như” vì Singapore không cấm hoàn toàn mà có một số quy định linh hoạt, sự linh hoạt này có thể là kinh nghiệm tốt cho các nhà lập pháp Việt Nam.

Càng không thể đoan chắc Singapore không cân nhắc việc cấm bia bọt sẽ ảnh hưởng đến du lịch. Số lượng khách du lịch nước ngoài đến Singapore hằng năm lên trên 14 triệu lượt người (Việt Nam chỉ bằng một nửa).

Nói như vậy để thấy khi đưa ra lệnh cấm như trên, chắc chắn chính quyền đảo quốc sư tử đã đặt lên bàn cân cái được, cái mất.

Theo kết quả khảo sát của Đơn vị thông tin phản hồi REACH của Chính phủ Singapore, hơn 80% người dân ủng hộ đạo luật mới. Kết quả này chứng minh người dân cũng như Chính phủ Singapore đã nhìn thấy cái được nhiều hơn.

Nhắc đến Singapore hôm nay, du khách quốc tế hình dung ngay đến một đảo quốc thật sự xanh, sạch, đẹp với những công dân có ý thức chấp hành pháp luật rất tốt.

Đâu dễ có được điều đó nếu trong suốt thập kỷ 1980, 1990 chính quyền Singapore không quyết liệt và kiên trì công việc mà người Việt Nam ta hay gọi là “đưa pháp luật vào cuộc sống”, trong đó có cuộc chiến chống khói thuốc lá và bã kẹo cao su nơi công cộng.

Phép thử cho một xã hội văn minh đôi khi không phải điều gì quá vĩ mô, nó đến từ cách cộng đồng chấp thuận và tuân theo những quy tắc sinh hoạt nơi công cộng có thể bất tiện cho thiểu số nhưng được đa số ủng hộ.

Trong hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu chia sẻ lệnh cấm liên quan đến kẹo cao su từng khiến Singapore bị nhạo báng rất nhiều ở nước ngoài, nhưng thời gian đã chứng minh tầm nhìn của nhà lãnh đạo này là đúng trong việc chăm chút cho quốc đảo của mình từ những việc tưởng chừng như nhỏ nhất.

Xét về quy mô dân số và đòi hỏi trong xây dựng văn minh đô thị, nhiều thành phố lớn của Việt Nam hiện nay có nét tương đồng Singapore.  Chính vì vậy mà cách Singapore đã làm với thuốc lá và kẹo cao su trước đây, cũng như bia rượu hiện nay là kinh nghiệm đáng nghiên cứu, tham khảo.

Với một quốc gia đứng đầu khu vực về tiêu thụ bia và số vụ tai nạn giao thông hằng năm liên quan đến rượu bia cũng không ít, chúng ta suy nghĩ gì về lệnh cấm này của nước láng giềng?

Có thể sẽ có ý kiến chưa đồng thuận hoặc cho rằng “Singapore khác, Việt Nam khác”. Đúng là hai nước khác nhau, nhưng các chuẩn mực văn minh đô thị lẽ nào cũng khác và ta không muốn đi đến các chuẩn mực đó?

BÙI THỊ AN (đại biểu Quốc hội)

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên