Trần Ngọc Bảo tranh thủ hỏi bài thầy giáo sau buổi học - Ảnh: P.NGUYỄN
Bảo cho biết học trường nghề sẽ tiện sắp xếp thời gian đi làm thêm phụ giúp gia đình. Hoàn cảnh nhà Bảo khá đặc biệt: Bảo không biết mặt cha. Mẹ làm thợ may tại nhà, thu nhập 3 triệu đồng/tháng, đang điều trị bệnh ung thư.
Chọn trường nghề để sớm giúp mẹ
Mẹ con Bảo sống cùng hai cậu và ông ngoại trong ngôi nhà nhỏ tại ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn (TP.HCM). Ngoài giờ học, Bảo dành thời gian ở nhà cắt chỉ phụ mẹ.
Cậu còn lập cho mình kế hoạch tự học ở nhà, trên lớp tập trung lắng nghe bài giảng và hỏi han bạn bè, thầy cô để giải quyết mọi thắc mắc của mình ngay tại trường. Học không tốt môn tiếng Anh, tuần nào Bảo cũng đi bộ qua nhà bạn học nhóm, bất kể nắng mưa.
Cuối năm lớp 9, Bảo đạt học lực giỏi. Đó cũng là thời điểm Bảo phải đưa ra quyết định khó khăn nhất của tuổi 15: chọn trường phổ thông hay trường nghề.
"Hồi đó, em hoang mang lắm. Ngày nào em cũng dành hơn 15 phút để suy nghĩ về việc chọn trường. Mẹ hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ em. Mẹ nói nếu em muốn học trường phổ thông, mẹ sẽ cố gắng hết sức để lo cho em", Bảo kể.
"Nhưng sức khỏe của mẹ không tốt, em cũng định đi làm thêm để giúp đỡ mẹ, nên em đã chọn trường nghề. Học trường phổ thông, nếu vừa học vừa làm, em sẽ khó làm tốt được cả hai.
Đích đến sau 12 năm học của em vẫn là học đại học ngành công nghệ thông tin. Em chỉ chọn một con đường khác, phù hợp với hoàn cảnh của em hơn để đến cái đích đó mà thôi", Bảo chia sẻ.
Cố gắng mỗi ngày để được đi học
Bảo quyết định theo học ngành công nghệ thông tin của Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Q.12 (TP.HCM). Từ năm lớp 10, cậu đã đi làm thêm tại các quán ăn sau giờ học.
Bảo thường tranh thủ hoàn thành bài tập trên lớp. Trước khi đi làm, cậu sẽ dành 2 giờ để ôn lại bài cũ và chuẩn bị bài mới cho ngày hôm sau.
"Em phải kết thúc việc học trước khi đi làm, vì công việc phục vụ của em không có thời gian để thở nữa!", Bảo tâm sự.
Hiện tại, với Bảo sức khỏe của mẹ là quan trọng nhất. Điều này càng thôi thúc cậu học tốt.
"Em đang tập trung học các môn có thể thi THPT quốc gia và môn chuyên ngành. Em cần phải nỗ lực hơn nữa chứ không thể để hoàn cảnh làm mình gục ngã. Có như vậy em mới lo được cho mẹ", Bảo nói.
Bảo dùng những giờ giải lao hoặc sau buổi học để lên phòng thầy chủ nhiệm xài ké laptop. Ngoài ra, hôm nào từ quán ăn về sớm, Bảo còn xin phụ trông coi tiệm net gần nhà, để những khi rảnh việc, cậu có thể tranh thủ lên mạng tìm hiểu, trau dồi kiến thức liên quan đến ngành học của mình.
"Bảo có khiếu với công nghệ thông tin, lại rất siêng năng, chăm chỉ. Em hay tìm tòi những kiến thức mới trên mạng rồi trao đổi lại với tôi. Ngoài ra, Bảo cũng thường xuyên giúp đỡ, kèm cặp các bạn yếu chuyên ngành trong lớp", thầy Trà Văn Đồng, khoa công nghệ thông tin Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Q.12, giáo viên chủ nhiệm của Bảo, chia sẻ.
Tấm bằng đại học không đảm bảo điều gì
Phạm Anh Tuấn phụ trách sửa chữa máy tính, khắc phục sự cố mạng tại khoa CNTT Trường trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - Ảnh: T.HÂN
Khi đang là học sinh lớp 9 Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM), Phạm Anh Tuấn (sinh năm 2000, học viên Trường trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương) ngỡ ngàng khi người anh họ tốt nghiệp đại học về kinh tế cuối cùng không xin được việc làm đúng chuyên ngành, phải đứng bán quần áo thuê - công việc Tuấn từng trải qua để có tiền chạy học phí.
"Tôi thấy tấm bằng đại học không đảm bảo bất kỳ điều gì, nên thay vì tốn ba năm THPT, bốn năm đại học, tôi quyết định sẽ chọn học nghề", Tuấn chia sẻ.
"Tôi thích và thấy bản thân có năng lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nên chọn ngành quản trị mạng để theo đuổi trong ba năm. Môi trường học nghề rất khác, thực hành nhiều hơn, không cần ghi chép nhiều lý thuyết như thời phổ thông, học phí cũng chấp nhận được. Nếu đúng tiến độ, hè năm 2018 tôi sẽ ra trường, hi vọng chọn được công việc đúng chuyên ngành, lương khá".
Cả nhà Tuấn có năm người sống trọ trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, Q.5, TP.HCM. Mười mấy năm lăn lộn cùng gánh hủ tiếu gia đình, Tuấn tự lập chuyện học hành, làm thêm từ nhỏ.
Hai năm đầu tại trường nghề, Tuấn tranh thủ sau giờ học, từ 18h-23h làm giao hàng tự do, thu nhập vô chừng, nhưng đủ trang trải cho đời sống giảng đường.
Từ tháng 5-2017, Tuấn được thầy giao làm kỹ thuật viên cho trường, phụ trách sửa máy tính, khắc phục sự cố mạng Internet. Công việc đúng chuyên ngành được đào tạo, giúp Tuấn vừa học vừa làm với mức lương khá.
Con đường tương lai với Tuấn vẫn còn chưa thành hình, khi cha mẹ vừa chia tay, gánh hủ tiếu sẽ neo người, em trai Tuấn vẫn còn là cậu học sinh mỗi ngày đến lớp. Tuấn còn nhiều nhiệm vụ cho gia đình phải chu toàn ở tuổi 18, nhưng với cái nghề trong tay, hiện tại em đang lạc quan hơn là lo lắng.
Học bổng Nhất nghệ tinh đến với 106 học viên vùng Đông Nam Bộ
Tối nay nay 4-1, 106 học viên, sinh viên từ 12 trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM sẽ nhận học bổng Nhất nghệ tinh trong buổi lễ diễn ra tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.
Mỗi suất học bổng trị giá 4 triệu đồng, tổng kinh phí dành cho đợt trao lần này là 424 triệu đồng. Chương trình do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự tài trợ của giải golf gây quỹ Tiếp sức đến trường và Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại Đức.
Vinh danh nỗ lực vượt khó của các bạn trẻ, học bổng Nhất nghệ tinh cổ vũ tinh thần tiến thân, lập nghiệp bằng con đường học nghề, góp phần giải quyết vấn nạn "thừa thầy, thiếu thợ" trong thị trường lao động hiện tại và tương lai.
Các học viên, sinh viên nhận học bổng đợt này đều có kết quả học tập khá giỏi, gia cảnh khó khăn. Một số trường hợp mồ côi hoặc phụ huynh mất khả năng lao động, phải bươn chải mưu sinh và nhận trợ cấp từ địa phương, nhưng vẫn đeo đuổi con đường đến trường, lập nghiệp.Tường Hân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận