27/10/2017 08:18 GMT+7

Rúng động 'con đường tơ lụa' của Khaisilk

NGỌC AN - CHÍ TUỆ
NGỌC AN - CHÍ TUỆ

TTO - Vụ khăn lụa Khaisilk - một thương hiệu tồn tại suốt hơn 30 năm qua - gắn mác “made in China” là cú sốc lớn cho niềm tin vào thương hiệu Việt của người tiêu dùng.

Kiểm tra, làm rõ thông tin khách hàng phản ánh tại cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai

Trong ngày 26-10, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin phản ảnh của khách hàng về sản phẩm khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk bán khăn vừa có mác "made in Vietnam", vừa có mác "made in China".

"Trường hợp nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý và báo cáo bộ trưởng trước ngày 28-10" - văn phòng Bộ Công thương yêu cầu.

Thu giữ 52 mẫu sản phẩm

Trưa 26-10, đội 14 Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phòng cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội và lực lượng chức năng đã đi kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí đã đăng tại cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai.

Tại buổi kiểm tra cửa hàng Khaisilk, ông Hoàng Khải - chủ thương hiệu này - không có mặt tại đây. Ông Trần Hùng - cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) - nhận định sự việc khăn lụa Khaisilk dán mác Trung Quốc là sự kiện rúng động bởi Khaisilk là một thương hiệu lớn, có uy tín rất nhiều năm nay.

Ông Hùng cho biết lực lượng chức năng đã lập biên bản, thu giữ 52 mẫu sản phẩm gồm: khăn, quần áo, caravat... để kiểm tra dấu hiệu vi phạm, giả nguồn gốc xuất xứ.

Ông Hùng cho rằng như ông Khải đã trả lời truyền thông, là thừa nhận về hàng "made in China". Đồng thời, sẵn sàng bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, những ai bị thiệt hại thì Khaisilk sẽ bồi hoàn (đổi trả hàng).

Nhưng theo ông Hùng, cái mất lớn nhất ở đây không phải là vật chất mà là thương hiệu, gắn liền với hình ảnh quốc gia. Hầu hết các đoàn mua quà lễ tết, khánh tiết, các đoàn ngoại giao đều chọn mua sản phẩm, trong đó có lụa tơ tằm Khaisilk...

Rúng động con đường tơ lụa của Khaisilk - Ảnh 2.

Bên trong cửa hàng Khaisilk ở Hàng Gai, Hà Nội - Ảnh: CHÍ TUỆ

Hiện kết quả kiểm định vẫn đang bị vướng và dường như có sự can thiệp nào đó nên chúng tôi chưa lấy được kết quả

Ông Đặng Như Quỳnh

Khaisilk trả lời lòng vòng

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau buổi kiểm tra liên ngành của các cơ quan chức năng, ông Đặng Như Quỳnh - là người thân của khách hàng đã mua 60 sản phẩm khăn lụa tại cửa hàng ở 113 Hàng Gai của Khaisilk - cho biết ngay sau khi phát hiện mẫu khăn lụa có hai nhãn mác "made in China" và "Khaisilk made in Vietnam", đã gửi mẫu đi kiểm định tại Viện Kiểm định dệt may để kiểm tra nguồn gốc sợi nguyên liệu.

Tuy nhiên, cho biết đến thời điểm 17h ngày 26-10 (ngày hẹn trả kết quả kiểm định) nhưng đơn vị kiểm định vẫn chưa trả kết quả. "Hiện kết quả kiểm định vẫn đang bị vướng và dường như có sự can thiệp nào đó nên chúng tôi chưa lấy được kết quả" - ông Quỳnh thông tin.

Được biết ngay sau đó Tập đoàn Khaisilk đã có văn bản phản hồi. Nhưng ông Quỳnh cho rằng những phản hồi được đưa ra chưa thỏa đáng, "khá lòng vòng" khi chủ thương hiệu Khaisilk cho rằng việc để "lọt" một chiếc khăn có hai nhãn mác là do đã "lấy nhầm" một chiếc khăn của dây chuyền đang sản xuất cho lô hàng ở Hong Kong (Trung Quốc) và đối tác yêu cầu gắn hai nhãn mác.

Rúng động con đường tơ lụa của Khaisilk - Ảnh 4.

Chiếc khăn lụa vừa có mác "made in Vietnam" vừa có mác "made in China" - Ảnh: ĐẶNG NHƯ QUỲNH

Ngay sau đó, khi trả lời trên báo chí ngày 26-10, ông chủ của Tập đoàn Khaisilk là Hoàng Khải cũng khẳng định một phần sản phẩm được bán ra thị trường có nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc và trong khoảng 30 năm trở lại đây đều đã bán những sản phẩm này.

Tối 26-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện tập đoàn này cũng xác nhận việc chủ tịch tập đoàn Khaisilk là ông Hoàng Khải thừa nhận đang kinh doanh sản phẩm khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc là đúng sự thật và tỷ lệ này đang chiếm khoảng 50%. 

Đến hết ngày 26-10, theo ông Quỳnh, Tập đoàn Khaisilk chưa có bất kỳ động thái nào xin lỗi hay cho biết sẽ bồi thường cho khách hàng mua 60 chiếc khăn.

"Họ chỉ thông báo sản phẩm đó không đúng và xin thu hồi. Nhà cung cấp cũng đưa ra hai lựa chọn là thu hồi toàn bộ hoặc đổi sản phẩm bị lỗi, nhưng thực ra trong 60 chiếc khăn được mua, ngoài 1 chiếc có 2 nhãn mác thì 59 chiếc khăn còn lại vẫn còn một phần của nhãn mác, có dấu hiệu của việc cắt tap, thậm chí có tap vẫn còn nguyên chữ A" - ông Quỳnh nói.

Xử lý ở mức nào, ra sao?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng - cho rằng theo quy định tại nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa thì xuất xứ hàng hóa là một trong các nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa.

Với sự việc trên, ông Mạnh Hùng nói: "Rõ ràng việc ghi như vậy là không chính xác, làm sai lệch nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng".

Ông Trần Hùng, phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường phát biểu về vụ việc Khaisilk - Thực hiện: CHÍ TUỆ

Còn theo ông Phạm Ngọc Hùng - phó chủ tịch Quỹ chống hàng giả Việt Nam, qua phát biểu của ông Hoàng Khải, việc nhập hàng từ Trung Quốc là từ những năm 1990. 

Do đó, ông đề nghị công ty này cần phải làm rõ số lượng hàng được nhập về từ Trung Quốc, bắt đầu từ thời điểm những năm 1990 là bao nhiêu, số lượng khăn được thay đổi nhãn mác, giả thương hiệu là thế nào? Đồng thời cần làm rõ lượng hàng hóa được Tập đoàn Khaisilk nhập về là theo đường chính ngạch, có hóa đơn chứng từ rõ ràng hay không? Và liệu trong số đó có hàng nhập lậu, trốn thuế?

"Cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra vụ việc, làm rõ các thông tin liên quan tới việc nhập hàng Trung Quốc. Bởi đây là sản phẩm thương hiệu Việt, mang tính quốc gia và quốc tế, nếu không xử lý nghiêm minh thì sẽ đánh mất niềm tin vào thương hiệu Việt, hàng Việt Nam và không đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Trong trường hợp đủ cấu thành tội làm giả với số lượng lớn thì đề nghị khởi tố theo Luật hình sự" - ông Hùng đề nghị.

Rúng động con đường tơ lụa của Khaisilk - Ảnh 6.

Đồ họa: N.KH.

"Đầu dê, thịt chó" rất phổ biến

Ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM (Agtek), cho biết việc sản phẩm dệt may được mua "nguyên đai nguyên kiện" từ Trung Quốc, sau đó về tới VN được "phù phép" thành "made in Vietnam" rất phổ biến.

"Rất nhiều lần chúng tôi đã có văn bản kiến nghị gửi cơ quan chức năng về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa, tránh để trường hợp hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc tuồn vào VN, nhưng sau đó lại được gắn mác xuất xứ của VN, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước rất lớn do không thể cạnh tranh lại" - ông Hồng bức xúc nói.

T.V.N.

NGỌC AN - CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên