18/11/2018 14:46 GMT+7

Rơi nước mắt với tâm sự của cô giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - "Nhìn các con mặt mũi khôi ngô nhưng không nghe được, không nói được, tôi đã bật khóc và tự nhủ với lòng rằng mình sẽ gắn bó và mang hết tâm huyết của mình để cống hiến cho học sinh khuyết tật nơi đây".

Rơi nước mắt với tâm sự của cô giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản - Ảnh 1.

Cô giáo Lâm Thị Minh Châu đã rơi nước mắt khi kể lại ngày đi làm đầu tiên của mình ở trường khuyết tật - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là lời tâm sự của cô giáo Lâm Thị Minh Châu, giáo viên Trường Hy Vọng, quận 8 tại lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản sáng 18-11 tại Nhà hát thành phố.

"Tốt nghiệp trường sư phạm, tôi cứ nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên giảng dạy ở trường mầm non theo đúng chuyên ngành đã học. Khi được phân công về giảng dạy ở trường khuyết tật, tôi cũng băn khoăn lắm.

Ngày đầu tiên đạp xe đến trường nhận nhiệm vụ, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy các học sinh ở trường khuyết tật: bé nào nhìn cũng sáng sủa, rất dễ thương. Tôi quay trở ra nhìn bảng tên trường và xác định: mình đã đến đúng địa chỉ.

Khi vào trong trường, nhìn các con mặt mũi khôi ngô nhưng không nghe được, không nói được, tôi đã bật khóc và tự nhủ với lòng rằng mình sẽ gắn bó và mang hết tâm huyết của mình để cống hiến cho học sinh nơi đây", cô Châu nghẹn ngào kể lại.

Từ đó đến nay đã gần 20 năm, cô Châu nỗ lực đi học thêm để lấy bằng cử nhân giáo dục đặc biệt, nỗ lực trong từng tiết dạy để các học sinh "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", bởi theo cô: "Các con vui thì mình cũng vui".

Năm nay Sở GD-ĐT TP.HCM trao giải thưởng Võ Trường Toản cho 50 nhà giáo xuất sắc, trong đó có 39 giáo viên và 11 cán bộ quản l‎y giáo dục.

Đặc biệt đây là năm đầu tiên giải thưởng Võ Trường Toản được trao cho một cán bộ hiện đang làm việc tại Sở GD-ĐT TP, đó là ông Phạm Ngọc Tiến - phó trưởng Phòng giáo dục trung học của Sở (những năm trước giải thưởng chỉ trao cho giáo viên trực tiếp đứng lớp và hiệu trưởng một số trường).

Ông Tiến có thâm niên 22 năm làm giáo viên bộ môn vật lý‎ và 15 năm làm công tác quản lý giáo dục. Ông là người đóng vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học và giáo dục toàn diện của bậc học phổ thông trên địa bàn TP.HCM.

Bên cạnh đó, ông còn tham gia trực tiếp vào việc soạn thảo giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu luyện tập bộ môn... theo tinh thần đổi mới.

Được biết, giải thưởng Võ Trường Toản được tổ chức từ năm 1998 đến nay nhằm tôn vinh những cống hiến thầm lặng của các nhà giáo cho sự nghiệp trồng người.

Qua 21 lần trao giải, đã có 626 nhà giáo tiêu biểu, đại diện gần 80.000 giáo viên của TP.HCM được trao tặng giải thưởng.

Rơi nước mắt với tâm sự của cô giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản - Ảnh 2.

Ông Phạm Ngọc Tiến nhận giải thưởng Võ Trường Toản - Ảnh: NHƯ HÙNG

Rơi nước mắt với tâm sự của cô giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản - Ảnh 3.

Các nhà giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ánh sáng đặc biệt của người thầy dạy nhạc Ánh sáng đặc biệt của người thầy dạy nhạc

TTO - Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM một ngày tháng 11. Gần mùa thi, sinh viên đang tất bật ôn bài. Trên hành lang, một chàng trai khiếm thị nhỏ nhắn đang sải bước.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên