TTO - Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM một ngày tháng 11. Gần mùa thi, các sinh viên đang tất bật ôn bài. Trên hành lang lớp học, một chàng trai khiếm thị nhỏ nhắn đang sải bước.

Đến đầu một góc cầu thang, bất ngờ anh va phải một sinh viên đang ngồi ngay lối đi. Anh rối rít xin lỗi rồi khẽ hỏi: "Bạn là sinh viên khoa nào?".

"Em học khoa du lịch ạ. Anh muốn đi đâu để em dẫn anh đi?".

Chàng trai ấy bật cười: "Lâu lắm mới có sinh viên trong trường này gọi tôi là anh!", rồi anh lại vui vẻ bước đi. Một nam sinh bước đến nói nhỏ với cô bạn còn đang "mắt tròn, mắt dẹt": "Là thầy đó". 

Ánh sáng đặc biệt của người thầy dạy nhạc - Ảnh 1.

Người mà nam sinh nhắc là thầy Vũ Công Hào, giáo viên trợ giảng khoa Sư phạm âm nhạc, cũng là thầy giáo khiếm thị duy nhất tại Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc, chàng sinh viên Vũ Công Hào đã được giữ lại sau khi tốt nghiệp năm 2013.

Giờ dạy, thầy không dùng máy chiếu cũng không slide bài giảng, chỉ ngồi sau cây piano, dùng tiếng đàn và giọng nói truyền cảm để truyền đạt kiến thức.

Phía dưới, sinh viên lắng nghe chăm chú. Thỉnh thoảng cả lớp lại cười rộ lên bởi một câu nói hóm hỉnh nào đấy của thầy.

Ngoài giờ dạy, thầy dành nhiều thời gian để trau dồi kiến thức bằng nhiều cách như theo dõi gameshow truyền hình về ca hát để học hỏi chuyên môn thanh nhạc của các giám khảo, cách phối khí của các ban nhạc; xem phim và phân tích nhạc phim; tìm hiểu về lịch sử của các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng...

Ánh sáng đặc biệt của người thầy dạy nhạc - Ảnh 3.

Thầy còn đọc thêm nhiều sách báo các lĩnh vực khác… Tất cả những kiến thức trên được thầy ứng dụng vào bài giảng một cách linh hoạt, tạo sự hứng thú đặc biệt cho sinh viên.

"Vào tiết của thầy, chúng tôi không những học kiến thức chuyên môn mà còn được học rất nhiều thứ khác. Tôi thích nhất là những kiến thức về sức khỏe mà thầy truyền đạt. Bởi với những người học nhạc, giọng hát rất quan trọng. Sức khỏe không tốt thì không thể hát tốt được", Lê Thị Ánh Nguyệt - sinh viên năm nhất khoa Sư phạm Âm nhạc, cho hay.

"Lúc mới học với tôi, có thể có sinh viên chưa tin tưởng vào khả năng của tôi. Nhưng tôi không buồn vì tôi biết do các em chưa được tiếp xúc nhiều với người khiếm thị nên chưa hiểu. Tôi xác định rất rõ, cách tốt nhất để trò hiểu thầy chỉ có thể là thầy phải làm thật tốt công việc của mình", thầy Hào tâm sự.

Mùa thi, lịch dạy kín mít, buổi trưa chỉ kịp ăn vội đĩa cơm để kịp giờ lên lớp... vậy mà thầy vẫn chuẩn bị kỹ lưỡng cho tiết học hay buổi tập nhạc của mình. Trước buổi tập, thầy in sẵn các bản nhạc, đặt ở vị trí của các nhạc công...

"Có nhiều phần mềm giúp người khiếm thị, nhờ vậy tôi vẫn có thể dùng máy tính, smartphone để giải quyết những khó khăn trong giảng dạy", thầy cho biết.

Ánh sáng đặc biệt của người thầy dạy nhạc - Ảnh 4.

Không thể vẽ khuôn nhạc và nốt nhạc lên giấy hay lên bảng, thầy Hào dùng phần mềm soạn nhạc để thay thế.

Khi âm nhạc cất lên, thầy chỉ ngồi một chỗ nhưng có thể phân tích cặn kẽ từ giọng hát của sinh viên đến từng loại nhạc cụ đang được sử dụng cho bản phối. Giữa hỗn hợp các âm thanh, thầy vẫn có thể gọi tên chính xác từng nhạc cụ sai ở điểm nào, cần chỉnh sửa ra sao.

"Thấy người khiếm thị có thể làm được nhiều nghề khác nhau như MC truyền hình, kỹ sư công nghệ thông tin... mọi người thường gán cho chúng tôi cái mác phi thường, nhưng thật ra chúng tôi cũng chỉ là người bình thường. Thành quả lao động của chúng tôi cũng như bao người khác. Có chăng sự khác biệt duy nhất là phương tiện và cách thức làm nên thành quả đó", thầy tâm tình.

Ánh sáng đặc biệt của người thầy dạy nhạc - Ảnh 5.

Thầy Hào kể những năm đầu dạy thầy gặp rất nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là sinh viên chưa hiểu thầy. Thậm chí việc thầy có thể đi lại bình thường trong trường cũng là điều lạ lẫm với các em.

"Nếu nhà bạn bị cúp điện, tôi tin bạn vẫn có thể nhớ đồ vật gì để ở đâu và bằng quán tính bạn có thể đi lại tự tin bên trong nơi quen thuộc ấy. Tôi cũng vậy, sân trường này đã quá quen thuộc với tôi rồi. Nhưng do chưa tiếp xúc nhiều nên các em sinh viên chưa hiểu, từ đó giữa thầy và trò mới có một khoảng cách", thầy giải thích.

Để kéo gần khoảng cách đó, trong mỗi giờ lên lớp, bên cạnh kiến thức chuyên môn, bao giờ trong giáo án của thầy cũng sẽ có một phần nhỏ để giải thích cho sinh viên nghe về việc làm thế nào thầy có thể dùng điện thoại thông minh, truy cập Internet và mạng xã hội, làm thế nào thầy có thể soạn giáo án trên máy tính một cách nhanh chóng...

Những kiến thức này không chỉ giúp thầy trò hiểu nhau hơn mà còn tạo sự sinh động cho lớp học, giúp sinh viên luôn có một niềm thích thú đặc biệt mỗi khi tới tiết thầy.

Rồi ngoài giờ dạy thay vì nghỉ ngơi, thầy lại cùng sinh viên đến căngtin hay lê la hành lang nói chuyện rôm rả như những người bạn. Dần dần học trò ngày càng hiểu thầy, yêu mến thầy nhiều hơn.

Cứ hễ có tiết thầy, các em lại "giành" hết việc lặt vặt, từ chia nhau mở cửa lớp, bật đèn, quạt, dọn dẹp nhạc cụ, giúp thầy đi lấy các món đồ cần thiết trên khoa... Vào mỗi tiết dạy, trên bàn thầy lại có sẵn một ly cà phê hoặc một chai nước suối do em sinh viên nào đó để sẵn. Tan học các em lại chia nhau chở thầy về.

"Dù có những khó khăn riêng, thầy Hào luôn tự chủ trong công việc. Thầy luôn hỗ trợ sinh viên hết mình trong mọi vấn đề từ việc chọn bài, phối nhạc và hướng dẫn các em nhiều kiến thức khác. Riêng với đồng nghiệp trong khoa, thầy rất vui vẻ, sẵn sàng hỗ trợ khi cần"

Thầy Vũ Công Minh - một đồng nghiệp của thầy Hào

Ngoài giờ dạy, bất kỳ ở đâu, cứ chốc chốc lại có một em sinh viên chạy đến bắt tay, quàng cổ thầy vừa thân mật vừa nể trọng... Sinh viên không thôi kể về thầy, khóa trước kể cho khóa sau. Rồi rủ nhau tìm đến học với thầy. Hết học ở trường, các em lại xin học thêm với thầy ở nhà. Do đó dù là thứ bảy hay chủ nhật thầy cũng đều rất bận rộn.

Nhìn hình ảnh sinh viên vây quanh thầy Vũ Công Hào, tôi chợt nhận ra dù mắt không nhìn được ánh sáng, nhưng bằng nhiều cách, thầy đã tự tạo ra một thứ ánh sáng đặc biệt cho riêng mình...



LÊ TRANG
HOÀNG ĐÔNG
TƯỜNG VY
BẢO SUZU
18/11/2018




Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0