Những phát minh mới được giới thiệu tại CEATEC 2017 - Video: ĐỒNG LỘC tổng hợp
Hội chợ công nghệ CEATEC (Combined Exhibition of Advanced Technologies) là triển lãm về công nghệ thông tin và điện tử tiêu dùng lớn nhất của Nhật Bản và cả châu Á.
Hàng năm, cộng đồng công nghệ khắp nơi trên thế giới lại náo nức đón chờ ngày khai mạc của sự kiện đã được 18 "tuổi" này.
Năm 2017, CEATEC được tổ chức tại quận Chiba, thủ đô Tokyo, giới thiệu những phát minh sáng chế mới nhất của Nhật và các nước.
Kỹ thuật bảo mật mới: nhận dạng bằng dấu tai
Ứng dụng nhận dạng sinh trắc tai Ảnh: YouTube
Phương thức bảo mật bằng quét dấu vân tay giờ không còn an toàn nữa, các nhà nghiên cứu ở đại học Michigan đã chứng minh rằng cách này có thể bị các tin tặc qua mặt dễ dàng chỉ bằng dùng một cái máy in phun bình thường.
Do đó, hãng công nghệ Descartes Biometrics (Mỹ) đã nghiên cứu phát triển một hệ thống nhận dạng mới rất độc đáo: nhận dạng bằng tai. Người dùng sẽ áp tai lên màn hình cảm ứng của một chiếc điện thoại thông minh có cài sẵn ứng dụng ERGO.
Ứng dụng sẽ nhận dạng cấu trúc và hình dáng tai, kế đó phát âm thanh và thu tiếng dội phản hồi để phân tích xem có đúng là chủ nhân thiết bị hay không.
Do cấu trúc và hình dáng lỗ tai mang đặc trưng rất riêng của mỗi người, không ai giống ai, nên không thể làm giả hay nhái được như dấu vân tay.
ERGo tận dụng các bộ cảm biến sẵn có trong phần cứng của điện thoại nên người dùng không cần phải gắn thêm bất kỳ linh kiện phụ trợ nào khác.
Siêu thị thông minh
Siêu thị thông minh - thẻ giá Usockets - Ảnh: CNN
Các cửa hàng trực tuyến trên mạng giờ không còn là điều mới với ngươi tiêu dùng, còn siêu thị thì sao?
Panasonic giới thiệu một hệ thống gọi là Usockets, là những thẻ ghi giá hàng hóa thông minh, các thẻ này sẽ chuyển dữ liệu vào hệ thống máy tính điều phối hoạt động siêu thị, giúp nhà quản lý điều hành kinh doanh theo diễn biến thực tế mà không phải đợi đến cuối ngày mới có thể biết kết quả.
Nếu một gian hàng nào đó có quá ít khách đến viếng và mua sắm, hệ thống điều hành sẽ điều chỉnh giảm giá bán ở gian hàng đó để thu hút thêm khách mua.
Hãng cũng đang phát triển một công nghệ mới gọi là LinkRay giúp khách hàng dùng điện thoại thông minh quét thẻ giá trên hàng hóa. Sau đó họ có thể truy cập các video giới thiệu cũng như thông tin chi tiết về mặt hàng đó trước khi quyết định mua sắm.
Hệ thống giám sát bảo vệ an toàn cho người lái xe ô tô
Hệ thống giám và cảnh báo bảo vệ người lái xe của Aisin - Ảnh: YouTube
Hãng Aisin (Nhật) chế tạo một hệ thống giám sát và cảnh báo cho người lái ô tô với các bộ cảm biến gắn ở ghế lái theo dõi nhịp tim, nhịp hô hấp của người lái, kèm theo hệ thống camera quan sát khuôn mặt.
Nhờ đó, khi có sự bất thường trong nhịp tim và hô hấp của người lái cho thấy sức khỏe của họ có vấn đề, xe sẽ phát cảnh báo bằng giọng nói và sẽ tự động gọi cấp cứu. Hệ thống camera sẽ phát hiện và cảnh báo khi người lái ngủ gật, lơ đễnh mất tập trung hay đang mải mê nhìn vào màn hình điện thoại.
Máy quét đo lường lượng dưỡng chất trong thức ăn
Máy đo lường dưỡng chất CaloRieco - Ảnh: Panasonic
Hãng Panasonic giới thiệu CaloRieco, một thiết bị quét hồng ngoại để đo lường lượng dinh dưỡng chứa trong các thực phẩm mà một người sắp tiêu thụ.
Bằng cách đặt đĩa thức ăn vào chiếc máy này, người dùng có thể biết được tổng lượng calo và 3 thành phần chính như protein, mỡ và carbohydrate trong các món mình sắp ăn.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường phải áp dụng chế độ ăn kiêng hay những ai muốn kiểm soát chặt chẽ lượng calorie nạp vào của mỗi bữa ăn để giữ cân, đây là một sáng chế rất hữu ích.
Panasonic dự kiến sẽ cải tiến để thiết bị này có thể đưa ra khuyến cáo về thực đơn theo yêu cầu dinh dưỡng riêng của từng khách hàng.
Robot vận chuyển hàng có trí thông minh nhân tạo
Robot vận chuyển nội bộ của Omron - Ảnh: CNN
Hãng Omron (Nhật) giới thiệu các robot vận chuyển cơ động có trí thông minh nhân tạo. Chúng biết lập bản đồ để di chuyển trong nội vi các hãng xưỡng. Người điều khiển chỉ cần ấn định điểm đến, chúng sẽ tự dọ đường đi đến đó mà không cần thêm sự hướng dẫn nào nữa.
Nhờ các cảm biến laser gắn khắp người, chúng có thể phát hiện bất kỳ vật thể lạ nào xuất hiện đột ngột trên lộ trình của chúng, ví dụ như một công nhân tình cờ xuất hiện trên đường chúng đang di chuyển. Chúng di chuyển với vận tốc 1,8 mét/giây và có thể chở một trọng lượng đến 130kg.
Loại robot này không chỉ để dùng trong nhà máy, hiện ở Sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) đã xuất hiện loại robot biết phục vụ các thức giải khát cho hành khách.
Robot bảo mẫu
Robot bảo mẫu Cocotto - Ảnh: CNN
Việc chăm sóc trẻ luôn là nỗi bận tâm lớn của nhiều bậc cha mẹ, do vậy, Panasonic cũng đưa ra giới thiệu tại CEATEC một mẫu robot hình dạng quả bóng tên Cocotto.
Nó có thể nhắc trẻ đến giờ đi ngủ, biết tải về những bài hát thiếu nhi từ internet để hát ru trẻ và giúp trẻ trong học tập.
Trợ thủ trang điểm cho phụ nữ
Trợ thủ trang điểm của Panasonic - Ảnh: CNN
Người ta thường nói trang điểm là bộ mặt thứ hai của người phụ nữ. Nữ giới đôi khi mất rất nhiều thời gian để thử nhiều kiểu trang điểm nhằm chọn cho mình kiểu cách phù hợp nhất. Giờ đây, với sáng chế Trợ thủ trang điểm của Panasonic, việc ấy không còn là vấn đề lớn nữa.
Đó là một phần mềm đồ họa kết hợp video già lập, sử dụng các đoạn phim quay theo thời gian thực. Người dùng có thể thử nghiệm đủ kiểu trang điểm và mẫu tóc trên chính khuôn mặt của họ đã được thu vào video.
Panasonic nhắm đến đối tượng là tiệm trang điểm, chụp ảnh cưới và cửa hàng mỹ phẩm cũng như các hãng sản xuất mỹ phẩm.
Hội chợ CEATEC năm nay không có mặt của những tên tuổi lớn như Sony, Samsung hay LG, mà gần một nửa số doanh nghiệp tham gia là "tân binh" trong làng công nghệ.
Điều này cho thấy đây không còn là sân chơi độc quyền của những thương hiệu lớn mà đã trở thành diễn đàn chung của các hãng công nghệ khắp nơi thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận