17/11/2017 12:00 GMT+7

Công cụ giúp biết trước thành phố nào có thể bị nhấn chìm

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - NASA vừa cung cấp một công cụ trực tuyến giúp mọi người đều có thể biết được những thành phố nào có nguy cơ bị nhấn chìm khi nước biển dâng.

Công cụ giúp biết trước thành phố nào có thể bị nhấn chìm - Ảnh 1.

Băng tan khiến mực nước biển dâng dọa nhấn chìm nhiều thành phố - Ảnh: REUTERS

Theo trang tin BGR, Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) vừa cung cấp một công cụ trực tuyến giúp mọi người có được hình dung rõ ràng hơn về nguy cơ biến mất của các thành phố, khu vực ven biển do biến đổi khí hậu.

Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (Jet Propulsion Laboratory) của NASA là đơn vị xây dựng công cụ trực tuyến này. Họ phát triển nó dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ liên quan tới độ dày của các tảng băng trên toàn cầu, tốc độ tan chảy của chúng và vị trí địa lý của những tảng băng đó liên quan tới những thành phố ven biển.

Công cụ cảnh báo này giúp mọi người biết chính xác những thành phố nào đang đối mặt với nguy cơ bị đại dương "nuốt gọn" và những tảng băng cụ thể nào sẽ gây ra thảm kịch đó.

Chỉ cần bấm chuột vào bất cứ khu vực nào trong số gần 300 thành phố ven biển trên thế giới, trang web sẽ hiện lên thông tin liên quan đến nguy cơ mà thành phố đối mặt.

Chẳng hạn khi bấm vào thành phố Miami, người ta sẽ thấy tình trạng tan băng ở Greenland, Alaska và Nam Cực là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng nước biển dâng ở vùng biển gần thành phố này.

Một thông tin khoa học đặc biệt thú vị trong công cụ mới của NASA là nó tiết lộ trên thực tế, hậu quả của tình trạng tan băng ở gần một thành phố lại không nguy hiểm so với tình trạng tan băng ở nơi xa hơn, tất cả những điều này tùy thuộc vào trọng lực (lực hấp dẫn).

Do đó, khi một lục địa lớn tan chảy một khối lượng băng đáng kể, nó sẽ khiến trọng lực giảm đi, theo đó mực nước biển tại đó trên thực tế không tăng mà lại giảm, nhưng sẽ tăng ở những nơi khác.

Đây là thực tế đang diễn ra tại Iceland, sau khi ở Greenland xảy ra tình trạng tan băng số lượng lớn, mực nước biển của Iceland là khu vực gần Greenland đã không tăng, nhưng cùng lúc đó, mực nước biển ở những nơi khác trên thế giới, trong đó có Mỹ, lại dâng lên.

Thông tin khoa học về công cụ cảnh báo tình trạng nước biển dâng đã được công bố trên tạp chí Science Advances.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên