01/01/2016 06:40 GMT+7

Rehahn - người giới thiệu 
Việt Nam qua ảnh chân dung

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TT - Gần hai năm qua, Rehahn dành nhiều thời gian rong ruổi khắp các vùng dân tộc ít người ở Việt Nam để chụp cho được những nét văn hóa mà theo anh “đang mai một đi rất nhanh”.

 

Tôi bị cuốn hút bởi con người, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, những người sống ở những nơi rất xa, trên núi, trong những ngôi làng nhỏ

Nhiếp ảnh gia REHAHN

Rehahn là nhiếp ảnh gia đến từ Pháp và hiện đang sống ở Hội An. Tác phẩm của Rehahn từng được xuất bản trên các tạp chí danh tiếng như National Geographic, Vogue Italia... Cuối năm 2014, Rehahn được trang boredpanda.com bình chọn là 1 trong 10 nhiếp ảnh gia chụp ảnh chân dung đẹp nhất thế giới.

2 năm, 30.000 tấm ảnh

Người đàn ông thường tự miêu tả về mình bằng tiếng Việt rằng “là người Phốp, sống ở Quảng Nôm và biết đi xe độp” này có thể dành hàng giờ để thao thao bất tuyệt những hiểu biết, những khám phá về người dân tộc thiểu số ở Việt Nam mà anh theo đuổi suốt bao năm nay. Mới 36 tuổi, anh có đủ kiến thức để có thể kể vanh vách tên các dân tộc ít người như Lô Lô, Bố Y, Tà Ôi, Cơ Tu, Pà Thẻn, Dao Mán, Phù Lá, Sán Chí...

Rehahn tự hào khoe mình đã gặp gỡ nhiều người thuộc hơn 40 dân tộc ở Việt Nam và nói được một ít tiếng dân tộc. Đối với anh, một đất nước với hơn 50 dân tộc khác nhau cùng sinh sống là điều vô cùng hay ho. “Bạn nghĩ đi, chỉ ở Đồng Văn thôi là đã có đến 14 dân tộc sinh sống rồi, không phải quá tuyệt sao?” - Rehahn hào hứng chia sẻ.

Trong vòng hai năm qua, Rehahn đã chu du khắp 35 tỉnh thành, chụp khoảng 30.000 bức ảnh, trong đó có gần 25.000 ảnh chân dung người dân thiểu số ở Việt Nam trong trang phục truyền thống. Anh cho biết hồi tháng 9-2015, có lúc anh chụp được 9.000 tấm ảnh chỉ trong 12 ngày.

Thành quả của những tháng ngày rong ruổi ấy vừa được Rehahn tập hợp lại trong tập sách ảnh Vietnam - Mosaic of Contrast II quy tụ gần 160 bức. Đây là tập sách ảnh thứ hai Rehahn cho ra mắt với chủ đề Vietnam - Mosaic of Contrast (tạm dịch: Việt Nam - Những mảnh ghép đối lập). Anh cho biết tập 1 cuốn sách ra mắt hồi đầu năm ngoái được chụp dưới con mắt của một Rehahn “du khách” lúc mới chân ướt chân ráo đến Việt Nam, còn tập 2 là một Rehahn “Việt Nam” hơn, với nhiều tình cảm và cảm xúc mà anh dành cho đất nước và con người nơi đây.

“Tôi sống ở đây đã 4 năm rồi, có cảm giác như mình được sinh ra lần thứ hai ở đây. Việt Nam cho tôi cuộc sống mà tôi có thể làm được những điều mình thích, và điều mà tôi có thể làm tốt nhất cho Việt Nam là chụp những bức ảnh này để lưu giữ lại văn hóa, lịch sử, cũng như cho du khách thấy được Việt Nam có rất nhiều điều để khám phá, không phải vì những vụ lừa taxi, những lần bị chặt chém mà chúng ta không quay trở lại đây nữa” - Rehahn giải thích.

Anh cho biết quyển sách thứ hai là những ngày anh cùng chiếc xe máy của mình ngược xuôi lên các vùng bản cao hơn, sâu hơn, vắng người hơn, nhằm tìm kiếm cho bằng được các dân tộc thiểu số sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Người dân tộc Phù Lá - Ảnh: REHAHN

Cô bán đồ truyền thống mặc quần jean

Trong những tác phẩm chụp người dân tộc, Rehahn rất để tâm đến trang phục dân tộc của mỗi vùng miền. Anh cho biết càng ngày càng ít người thiểu số mặc trang phục truyền thống của dân tộc họ, thậm chí họ còn chẳng giữ trang phục đó trong nhà.

“Năm ngoái tôi đến gặp dân tộc người Co ở Quảng Ngãi, tôi đi hết vài ngôi làng và chẳng ai có lấy một bộ trang phục truyền thống, thậm chí họ còn không có để bán - Rehahn kể lại - Tôi hỏi họ cũng không có cho các dịp lễ hội hay sao, và họ trả lời là không. Tôi thật sự sốc”.

“Sau cùng tôi cũng tìm được một phụ nữ có một bộ và xin chụp hình, tôi được biết là người ta giờ không quan tâm đến trang phục truyền thống nữa - Rehahn chia sẻ - Điều đó có nghĩa tương lai có khả năng bạn sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy bộ trang phục ấy, hoặc tôi sẽ không bao giờ được thấy lại lần thứ hai”.

Theo Rehahn, sự quan tâm đến truyền thống của người dân tộc đang mai một đi rất nhanh, đó chính là điều anh lo sợ và cũng là nguyên nhân lớn thôi thúc Rehahn tìm và chụp nhằm “lưu giữ” lại những nét văn hóa mà anh sợ mai sau không còn thấy nữa.

“Vài năm trước, tôi đến Mai Châu và thấy người Thái trắng vẫn mặc trang phục truyền thống của họ, nhưng bây giờ thì cả Mai Châu tôi chẳng thấy ai mặc nữa - anh chàng khắc khoải - Tôi đi vào chợ, thấy họ bán loại trang phục đó nhưng người bán hàng thì đang mặc quần jean, thật chẳng có ý nghĩa gì cả”.

“Lần khác tôi đến làng của người Pu Péo, cả làng chỉ còn duy nhất một phụ nữ 73 tuổi có thể dệt được trang phục truyền thống - Rehahn xót xa - Có nghĩa là nếu người này không còn, không ai có thể làm ra trang phục của người Pu Péo ở đó nữa, trong khi chỉ có khoảng 1.000 người Pu Péo ở Việt Nam”.

Trong vòng hai năm tới, có thể người M’Nông, người Dao vẫn còn mặc truyền thống, Rehahn cho biết, “nhưng tôi nghĩ người Nùng, người Thái, Bố Y, Pà Thẻn, Ba Na, Ê Đê, Cơ Tu... họ đã bắt đầu không còn mặc nữa rồi”.

Hiện Rehahn đang thu thập trang phục truyền thống của các dân tộc ít người ở Việt Nam để chuẩn bị cho Hội chợ quốc tế Caen ở thành phố Caen, cũng là quê hương anh ở Pháp, sẽ diễn ra vào tháng 9-2016.

Rehahn cho biết sau khi nói chuyện với anh, ban tổ chức đã quyết định mời anh đến để giới thiệu về Việt Nam thông qua các bức ảnh. Đồng thời, Rehahn dự kiến sẽ mang 25 bộ trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam đến và trưng bày ở đó, nhằm quảng bá nét văn hóa từ quê hương thứ hai của anh trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra.

Bỏ cuộc vì trắc trở

Rehahn kể có những lúc anh đã phải bỏ cuộc vì một số dân tộc sống ở những nơi địa hình quá trắc trở, như lần đi tìm người Cờ Lao ở Hoàng Su Phì. Có những chuyến hành trình mà Rehahn quay trở về khách sạn lúc 2g sáng, có khi lại vác đầy bùn đất trên người đến nỗi phải đền tiền khăn tắm cho khách sạn. Rồi không thiếu những lần xe bị sụp hố, mắc mưa... nhưng nỗi đam mê được chụp ảnh những người dân tộc thiểu số dưới nếp nhà của họ, ăn vận trang phục truyền thống, làm những công việc hằng ngày cứ thôi thúc anh.

Rehahn chụp ảnh cùng một “người mẫu” của mình Ảnh: NVCC
Người dân tộc Dao Đỏ
NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên