23/08/2022 08:15 GMT+7

Rà soát để bỏ quy định trình sổ hộ khẩu

THÂN HOÀNG thực hiện
THÂN HOÀNG thực hiện

TTO - Sổ hộ khẩu sẽ hết giá trị sau ngày 31-12-2022, làm sao để người dân không vướng khó khi làm thủ tục có liên quan nơi cư trú? Tài khoản định danh điện tử sẽ thay thế căn cước công dân, vậy tại sao lại phải làm song song cả hai?

Rà soát để bỏ quy định trình sổ hộ khẩu - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục hộ tịch liên quan hộ khẩu tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trung tướng Tô Văn Huệ, cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), khẳng định cơ quan công an chỉ thu hồi sổ hộ khẩu đối với những trường hợp có sự thay đổi về thông tin cư trú chứ không có chủ trương thu hồi đồng loạt.

Đã thu hồi hơn 1,5 triệu sổ hộ khẩu

* Xin ông cho biết rõ hơn trường hợp nào thì mới thu sổ hộ khẩu giấy? Việc thu sổ hộ khẩu này dựa trên căn cứ quy định nào?

- Trung tướng Tô Văn Huệ: Từ khi Luật cư trú có hiệu lực (1-7-2021), Bộ Công an không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Khi công dân làm các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, cơ quan công an thu hồi các sổ này đồng thời thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. 

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn được sử dụng và có giá trị xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.

Việc thu hồi này là theo quy định của luật đã được Quốc hội thông qua. Khi đã thực hiện điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư thì đương nhiên sổ hộ khẩu có giữ lại thì thông tin trong sổ cũng không còn giá trị nữa (vì không còn chính xác). Nếu trả lại, người dân vẫn dùng sổ hộ khẩu đi giao dịch sẽ sinh ra những thông tin sai lệch.

Từ 1-7-2021 đến nay cơ quan công an đã thu hồi 1.547.863 sổ hộ khẩu có sự thay đổi về thông tin khi giải quyết các thủ tục đăng ký cư trú cho người dân.

* Một số nơi yêu cầu người dân đến nộp sổ hộ khẩu ngay cả khi họ không có thay đổi thông tin gì về cư trú, việc làm này có đúng không?

- Khi thông tin trong sổ hộ khẩu có sự thay đổi, điều chỉnh và được cập nhật trong CSDLQG về dân cư thì sẽ dẫn đến sự không thống nhất giữa sổ và CSDLQG. Do vậy cần thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi có sự thay đổi về thông tin cư trú. 

Công dân cần chứng minh cư trú thì có thể yêu cầu cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú. Việc cấp giấy này có thể thực hiện ở đâu cũng được chứ không nhất thiết về nơi cư trú của công dân.

Tại phiên họp thứ 14 UBTV Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, đã khẳng định Bộ Công an không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu. Nơi nào thu hồi khi không có sự thay đổi gì thì là thực hiện không đúng, Bộ Công an không có chỉ đạo việc này.

Thời gian tới Bộ Công an sẽ có biện pháp rà soát, kiểm tra việc thực hiện quy định thu hồi sổ hộ khẩu, xử lý những trường hợp thu hồi không đúng quy định gây phiền hà cho người dân.

Khẩn trương kết nối dữ liệu

* Sau khi sổ hộ khẩu bị thu hồi, nhiều người gặp khó khăn khi làm các thủ tục liên quan đến đất đai, xin học cho con, điện nước. Ngay cả thủ tục ly hôn thì các cơ quan chức năng cũng đều yêu cầu phải có sổ hộ khẩu. Xin ông cho biết trường hợp này người dân cần làm gì?

- Theo quy định của Luật căn cước công dân, Luật cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành thì căn cước công dân gắn chip, thông báo số định danh cá nhân và giấy xác nhận thông tin về cư trú là các loại giấy tờ đảm bảo tính pháp lý chứng minh thông tin về cư trú của công dân thay thế sổ hộ khẩu. 

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo công an các địa phương khẩn trương cấp thông báo số định danh cá nhân, căn cước công dân gắn chip kết hợp cấp định danh điện tử cho 100% người dân toàn quốc.

CSDLQG về dân cư đã đi vào hoạt động từ 1-7-2021, thông tin công dân Việt Nam và ngay từ thời điểm đấy đã có thể kết nối với các bộ ngành khác. Người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính sẽ sử dụng thông tin trong CSDL đó, kể cả những người còn sổ hộ khẩu cũng có thể không cần dùng đến.

Những đơn vị đã kết nối với CSDLQG về dân cư đương nhiên không cần yêu cầu người dân xuất trình thêm gì cả mà chỉ cần vào đây để lấy thông tin.

Đến 1-1-2023, để tiện lợi nhất cho người dân, các bộ ngành, địa phương phải khẩn trương hoàn thành CSDL ngành và kết nối với CSDLQG về dân cư. Khi đó, mọi giao dịch hành chính chỉ cần thẻ căn cước công dân, mã số định danh cá nhân, hệ thống đã có các thông tin về cư trú. 

Đối với các nơi chưa kết nối, người dân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip có QR code. Các trường hợp chưa được cấp căn cước công dân, chúng tôi đã giao các địa phương thông báo mã định danh cá nhân kèm theo QR code in trên thông báo để người dân có thể sử dụng.

Trách nhiệm của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính cho người dân phải xây dựng CSDL ngành và kết nối CSDLQG về dân cư. Các cơ quan này cũng phải rà soát các thủ tục hành chính để bỏ tất cả các quy định về xuất trình sổ hộ khẩu vì từ 1-1-2023 sẽ bỏ hẳn sổ hộ khẩu giấy.

Vì sao phải cần có định danh điện tử và căn cước công dân?

* Nhiều ý kiến đề nghị không nhất thiết phải thu hồi sổ hộ khẩu kể cả khi người dân thay đổi thông tin về cư trú vì đến 31-12 sổ hộ khẩu đương nhiên hết giá trị. Ông cho biết quan điểm về đề nghị này?

- Như tôi đã nói, việc thu hồi sổ hộ khẩu có sự thay đổi về thông tin là thực hiện theo luật và để đảm bảo tính thống nhất, chính xác giữa CSDLQG về dân cư với CSDL ngành. Sau ngày 31-12, những quyển sổ mà người dân còn giữ chúng tôi cũng không thu. Người dân có thể giữ sổ lại làm kỷ niệm.

* Tài khoản định danh điện tử sẽ thay thế căn cước công dân, vậy tại sao lại phải làm song song cả hai cái này? Có phương án thực hiện như thế nào để tránh lãng phí?

- Theo quy định tại dự thảo nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, tài khoản định danh điện tử cấp độ 2 có giá trị như thẻ căn cước công dân. 

Tuy nhiên định danh điện tử phục vụ cho người dân giao dịch trên môi trường điện tử, còn thẻ căn cước công dân phục vụ cho những giao dịch bình thường khác. Không phải lúc nào công dân cũng dùng giao dịch trên mạng nên vẫn phải song song hai loại hình.

Có thể hiểu định danh điện tử là bước phát triển cao hơn phục vụ người dân. Như cách làm một số nước thì định danh điện tử có thể mở một kho dữ liệu của riêng công dân để cập nhật lưu trữ thông tin.

Bộ Công an đang chỉ đạo với những người chưa làm căn cước công dân gắn chip, khi họ đi làm, cơ quan chức năng sẽ đồng thời mở luôn định danh điện tử, người dân không bị tốn kém hay mất thời gian.

Dữ liệu dân cư đã sẵn sàng

Từ 1-7-2021, CSDLQG về dân cư đã sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành.

Tính đến nay, CSDLQG về dân cư đã kết nối với 12 bộ ngành gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TN&MT, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng.

14 địa phương đã kết nối là: Hà Nội, Yên Bái, Lai Châu, Ninh Bình, Lào Cai, Cao Bằng, Nghệ An, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Hà Tĩnh.

4 doanh nghiệp nhà nước đã kết nối là: EVN, VNPT, Mobifone và Viettel.

Đăng ký dịch vụ điện không cần sổ hộ khẩu

NPH_1956 4(Read-Only)

Người dân làm các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu tại Công an quận 3, TP.HCM - Ảnh: N.PHƯỢNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Quốc Hoan, phó trưởng Ban kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết từ năm 2019, EVN đã triển khai cung cấp hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện theo phương thức điện tử. Năm 2021 có 99,66% số hợp đồng mới ký điện tử này.

Ngành điện là ngành đầu tiên hoàn thành kết nối 100% dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, ngành điện sẽ xác thực trên hệ thống CSDLQG về dân cư.

Tuy vậy, ông Hoan cũng cho rằng có vướng mắc hiện nay là theo quy định của nghị định 137 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật điện lực, yêu cầu quy định về điều kiện ký hợp đồng mua bán điện phải có các giấy tờ như sổ hộ khẩu...

Để đảm bảo tính pháp lý khi khai thác có hiệu quả CSDLQG về dân cư trong dịch vụ ngành điện, đại diện EVN đề nghị sớm sửa đổi quy định liên quan để cho phép sử dụng thông tin trong CSDLQG thay thế cho hộ khẩu, tạm trú.

NGỌC AN

Người dân TP.HCM kiến nghị không thu sổ hộ khẩu, công an hứa tiếp thu Người dân TP.HCM kiến nghị không thu sổ hộ khẩu, công an hứa tiếp thu

TTO - Tại Hội nghị đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính năm 2022 sáng 17-8, người dân đề nghị không thu hồi sổ hộ khẩu vì sổ sẽ hết giá trị từ 1-1-2023. Công an TP.HCM hứa sẽ kiến nghị với Bộ Công an.

THÂN HOÀNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên