Ra mắt hàng loạt sách biển đảoĐức tặng Trung Quốc bản đồ không có Hoàng Sa - Trường Sa
Phóng to |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu các bản đồ tại triển lãm - Ảnh: L.Điền |
Nhiều người vẫn biết nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu vốn sở hữu được bộ sưu tập bản đồ rất ấn tượng bởi nội dung liên quan đến chủ quyền biên giới và biển đảo. Với tập sách này, lần đầu tiên “gia tài” bản đồ của ông liên quan đến chủ quyền biển đảo và Hoàng Sa - Trường Sa được trình bày, khảo cứu, chú thích, phân tích tường tận.
Theo tác giả, chính PGS.TS Phan Thanh Bình - giám đốc Ðại học Quốc gia TP.HCM - đã đề nghị ông thực hiện quyển sách có nội dung nói về chủ quyền Việt Nam trên biển Ðông và Hoàng Sa - Trường Sa với những giải thích và chú thích cần thiết, như một sự chuẩn bị cho việc hình thành một tài liệu tham khảo giáo khoa.
"Tôi có chứng cứ thể hiện ít nhất là cách đây 500 năm người Việt Nam đã làm chủ ở Hoàng Sa - Trường Sa" Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu |
Và tập sách đã ra đời với ý định mang tính giáo dục như vậy. Ðây là công trình hệ thống theo thời gian những chứng liệu và bản đồ của Việt Nam và nước ngoài, có cả Trung Quốc, mà tác giả sưu tập được trong thời gian hơn nửa thế kỷ nay, xuyên suốt từ thời hậu Lê đến thời chúa Nguyễn và Tây Sơn, triều Nguyễn, thời Pháp thuộc, từ năm 1945-1975 và từ năm 1975 đến nay.
Trong đó, ngoài bản đồ đời Hồng Ðức (1490) của Việt Nam, bản đồ phương Tây đáng kể nhất là của nhà thám hiểm và vẽ bản đồ người Bồ Ðào Nha Diogo Ribeiro (? - 1533) - có thể xem là người đầu tiên vẽ quần đảo Pracel (tức gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa) trong tương quan với bờ biển Ðại Việt và Chiêm Thành. Ðây chính là một trong những chứng cứ sớm nhất của giới chuyên môn từ phương Tây thể hiện quần đảo Pracel gắn với biển và bờ biển Việt Nam, trong các bản đồ công bố vào năm 1525, 1527, 1529.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu ghi nhận: “Sau các bản đồ 1525 - 1527 - 1529 của Diogo Ribeiro, quần đảo Paracel mới được phổ biến trên các bản đồ xưa với cách ghi hình thái rất khác nhau. Về địa danh chỉ đất nước ta cũng dần dần thống nhất và thay đổi”.
Ðặc biệt, sách này nhấn mạnh: “Các bản đồ cổ phương Tây và các bản đồ Trung Hoa trước thế kỷ 20 không bao giờ gọi biển Ðông là biển Trung Hoa (Mer de Chine)! Nếu lấy Ðại Nam nhất thống toàn đồ (1838) làm căn bản, sẽ thấy hầu hết bản đồ thế giới đều vẽ quần đảo Pracel hay Paracel (gồm cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa) đúng với hình dáng và vị trí của Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa do Quốc sử quán triều Minh Mạng công bố. Hơn nữa, giám mục Taberd đã ghi rõ trong An Nam đại quốc họa đồ (1838) ở địa điểm thích đáng: Paracel seu Cát Vàng (Paracel hay Cát Vàng). Taberd đã ghi địa danh Nôm Cát Vàng thay cho chữ Hán Hoàng Sa. Như vậy, chủ quyền của Việt Nam trên biển Ðông và Hoàng Sa - Trường Sa đã được thế giới khẳng định qua các bản đồ suốt từ 500 năm qua”.
Ðặc biệt, tập sách này có in đầy đủ 11 bản đồ cổ phương Tây về Việt Nam do Bảo tàng Quốc gia Kyushu (Nhật Bản) lưu trữ được, trong đó đều thể hiện khối đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.
Tổng cộng có gần 200 tấm bản đồ được in, sách dày 368 trang khổ lớn (22,5 x 30,5cm).
Triển lãm 94 bản đồ Bên cạnh lễ ra mắt sách Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa, tác giả Nguyễn Đình Đầu và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM phối hợp thực hiện triển lãm 94 bức bản đồ tư liệu, là phiên bản phóng lớn từ các bản đồ trong tập sách trên. Công chúng quan tâm có thể đến tìm hiểu trực tiếp bản sao những tấm bản đồ quan trọng trong đợt triển lãm này: từ bản đồ đời Hồng Đức năm 1490 trích trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, đến bản đồ của Alexandre de Rhodes năm 1650 vẽ vương quốc An Nam, các bản đồ phương Tây, cả bức của Diogo Ribeiro năm 1525. Triển lãm mở cửa từ ngày 3 đến 8-6. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận