12/06/2014 10:57 GMT+7

Ba trong một

DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
DƯƠNG THÀNH TRUYỀN

TT - Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy là cái tựa sách thuộc vào loại... “dài nhất thế giới” của Lê Văn Nghĩa.

Nhà ảo thuật và thằng học tròCậu học trò trộm sách

Rk8SLsuv.jpgPhóng to
Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: T.T.D.

Đó là cuốn sách tác giả ba trong một (nhà văn, nhà báo, nhà trào phúng) - đặt cho một tác phẩm ba trong một (là truyện dài, mà như là kịch, lại giống như phim), dành cho đối tượng độc giả... cũng ba trong một (thiếu nhi, người lớn và cả... người già).

Ngộ thiệt, mà cũng hay thiệt!

Năm ấy. Là năm 1966.

Sài Gòn. Là nơi, vào cái thời vẫn còn phân biệt Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn.

Xóm nhỏ. Là cái xóm, mang tên Ba - ra - dô, nằm ở gần Ủy ban quận Sáu bây giờ. Xóm nghèo, mà là nghèo có căn. Nghĩa là... căn nào cũng nghèo. Nếu có nhà nào khấm khá lên thì sớm muộn gì cũng... dọn đi khỏi xóm! Nhà nào nhà nấy khỏi cần đóng cửa. Vì lẽ, có vô được nhà, cũng không... lấy được gì! Xóm có một chị bị chết tên Mari phông - tên vì đi làm cho sở Mỹ, có một ông chuyên mở sòng bạc tại nhà lấy tiền xâu, có mấy anh trốn quân dịch sống dựa vô má vô vợ...

Tụi con nít. Là đám con nhà nghèo, những thằng Minh, hai anh em thằng Ti con Hoa, hai anh em thằng Chim con Cưỡng, thằng Út đẹt... Chúng ở cùng một xóm và đi học chung một trường. Chúng ăn bánh mì do nhà thờ phát, uống sữa của Mỹ viện trợ, bữa cơm thường là rau chấm kho quẹt, chan nước lèo tiệm hủ tiếu, chan nước trà nhai chuối sứ, thậm chí lấy cơm cháy cuộn làm đồ ăn... Chúng thường làm thêm một buổi phụ giúp gia đình kiếm tiền: đứa đổ bánh bèo ở nhà, đứa đi bán thịt ngoài chợ, đứa chạy ra bến vác gạo, lên cầu đẩy xe... Chúng tạt lon, đánh đáo, đá banh, nhảy dây, chơi trận giả làm quân Quang Trung đánh cho Tôn Sĩ Nghị ị ra trong quần... Chúng biết làm máy chiếu phim bằng bóng đèn, máy dây nói bằng lon sữa bò theo sách giáo khoa...

Tất cả đan xen, nối tiếp thành những câu chuyện đậm đặc sắc màu trẻ con. Kéo dài đến... hơn 300 trang sách. Và có nước mắt, lúc tức cười, lúc xúc động!

Một vở kịch nhiều “đại sự”

Vậy còn chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài làm gì, ở đâu?

Chính ba nhân vật này, đã “cặp” với ba đứa nhỏ xóm nhỏ, làm nên... một vở kịch ly kỳ, gay cấn, hấp dẫn từ đầu cho tới... hồi thứ 43 mới hết!

Cặp đầu tiên, sâu đậm như tình cha con, giữa chú chiếu bóng với thằng “đầu đảng” xóm Ba - ra - dô, ưa đọc sách, rành cải lương, biết nói tuồng, giỏi lý sự, mơ làm đạo diễn phim... Cặp thứ hai, là một cặp thầy trò, giữa nhà ảo thuật và một thằng nhỏ thường trốn học đi coi biểu diễn ảo thuật ngoài lề đường, mê ảo thuật nên quyết chí theo thầy học nghề... Còn cặp thứ ba: một tay đánh bài đã biến một đứa nhỏ thành tay sai, chầu rìa, đệ tử nơi sòng bạc...

Nhưng vở kịch sẽ không thành kịch, nếu không có thêm một “cặp” nữa: một cô giáo và một thằng bạn - con nhà giàu, nhà ở chỗ khác! Nhờ một cô một trò này, chuyện ở xóm Ba - ra - dô mới nối với đám bạn học lớp Nhứt 2, với trường tiểu học Bình Tây, mà thành... “đại sự”!

Kịch tính là khi có đứa bị cô giáo thẩm vấn ngay tại lớp với tang chứng vật chứng là lá bùa trù ẻo cô giáo... Kịch tính là khi có đứa dắt cả bọn vào nhà một đứa khác để bắt tại trận kẻ “bợ đít nhà giàu”, “tham tiền bỏ ngãi”, “tham phú phụ bần”... Kịch tính là khi có đứa bị cảnh sát bắt về bót, và một chiến dịch “giải cứu” bắt đầu...

Một bộ phim tài liệu có hạng

Nhưng sao lại là phim tài liệu? Vì sách này đặc tả - vừa chi tiết vừa cụ thể, vô số những thứ mà đời nay đã không còn thấy ở đất Sài Gòn. Như cảnh tượng một gánh cao đơn hoàn tán bán thuốc kèm diễn xiếc và ảo thuật trên hè phố. Như không khí cái tiệm nước người Hoa có “phổ ky” chạy bàn, có thể “dẩm chà” mà cũng có thể “thiếm sực” “phảnh mìn”. Như mùi vị của rạp hát bóng vừa mới lên đời nhưng vẫn không thoát khỏi đám khán giả bình dân, coi cọp, la hét, đập ghế, thậm chí... đái bậy lúc coi phim!

Bạn sẽ nhớ lại hoặc sẽ biết thêm về cái cách con nít Sài Gòn chơi banh bàn, coi chiếu bóng thùng, đánh bài “ăn” bao thuốc lá... Cách chúng học hành, thi cử, mơ ước về tương lai như thế nào. Cả cái cách người lớn dạy dỗ chúng, từ giở nón lúc gặp đám tang, ăn cơm không được bỏ mứa, đừng thằng này con kia với người khác...

Đặc biệt, những trang sách này còn góp một bộ “sưu tập” lời ăn tiếng nói của Sài Gòn năm ấy, rất đáng đồng tiền bát gạo cho những ai vốn say mê tìm hiểu chuyện chữ nghĩa nằm ngoài... từ điển!

Có lẽ vì vậy, tác giả, ngoài cái tựa đề đã quá dài, còn cố tình thêm cho được một cái phụ đề cũng dài không ít: Truyện dài dành cho thiếu nhi, nhưng người lớn đọc hổng sao, người già đọc cũng khoái!

DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên