10/02/2025 12:00 GMT+7

Ra giêng anh cưới em - Kỳ 3: Chàng rể 'xúc đất như múc cháo'

Kết hôn năm 1996, sau gần 30 năm, chị Trần Thị Ánh (54 tuổi) vẫn nhớ rõ cảnh anh Nguyễn Thanh Lương (63 tuổi) vụng về "xúc đất như múc cháo" vun gốc dừa Bến Tre trong những ngày đầu làm rể.

Ra giêng anh cưới em - Kỳ 3: Chàng rể 'xúc đất như múc cháo' - Ảnh 1.

Dù đám cưới nghèo, chú rể vẫn “chơi sang” thuê quay phim cưới để làm kỷ niệm suốt đời của vợ chồng - Ảnh: NVCC

Về chung nhà bằng một đám cưới nhỏ vào năm 1996, đến nay xấp xỉ 30 năm nhưng chị Trần Thị Ánh (54 tuổi) vẫn nhớ như in hình ảnh anh Nguyễn Thanh Lương (63 tuổi) vụng về "xúc đất như múc cháo" vun vào từng gốc dừa Bến Tre trong những ngày đầu bị thử thách làm rể.

Thử thách làm rể

Thời đó ba mẹ chị Ánh nổi tiếng trong xóm giềng bởi cách nuôi dạy con đứa nào cũng nên thân nên người, con cái đều có gia đình đầm ấm, hạnh phúc nên mấy cô bác nào sắp cưới dâu mà tới giai đoạn sắm vải cho dâu may áo dài cưới đều mang khúc vải đó qua nhờ ba mẹ chị "mở hàng" cắt một nhát lấy hên.

Cùng quê miền Tây (Bến Tre), trước khi quyết định về chung nhà thì anh Lương và chị Ánh đã có gần ba năm quen nhau. Vào thập niên 1990, các gia đình miền Tây vẫn giữ nhiều nếp xưa trong những thủ tục lễ lạt, cưới hỏi.

"Theo phong tục của ông bà mình thời đó thì nhà trai phải cử một người là trưởng tộc đại diện để qua nhà gái trình ra mắt, nói lời xin phép nhà gái cho đôi trẻ được nên vợ nên chồng, thời đó văn chương ông bà mình lai láng, hay dữ lắm", chị Ánh cười kể.

Tình yêu chín muồi trong thời khó, sính lễ nhà trai ngày đám hỏi chỉ vỏn vẹn một chỉ vàng là đôi bông tai nhưng do đã biết hết tâm tình của con gái và cũng đã trót thương chàng rể hiền lành, chất phác nên ba mẹ chị Ánh cũng rất thuận lòng.

Theo phong tục địa phương, sau đám hỏi thì chàng rể mới phải bắt đầu trải qua các thử thách khi "đi làm rể" như gánh nước, bửa củi, làm vườn, trồng cây... để thể hiện sức dài vai rộng chứng minh cho ba mẹ vợ tương lai khả năng gánh vác gia đình, chăm sóc vợ con sau này.

Nhắc tới đây chị Ánh bỗng bật cười, nhớ lại: "Ngày xưa anh Lương ở Sài Gòn, lâu lâu về nhà tôi làm rể. Ở quê tôi có cái mương, lâu lâu mình phải móc bùn dưới mương thảy lên vun vô gốc dừa. Ảnh đâu có biết làm, ảnh lấy cái gàu thiếc cũ múc bùn mà như múc cháo vậy đó".

Lúc bấy giờ ba mẹ chị Ánh đã có đến năm chàng rể nhưng chàng rể lần này vụng về hơn hẳn, phần vì là rể mới, phần trước giờ anh Lương chỉ quen học hành, công việc bàn giấy nên không có kinh nghiệm làm vườn, bón cây. Nhưng điều này lại không làm nhà gái "chê" anh mà ngược lại còn thương, còn quý anh bởi sự chịu khó.

"Ba mẹ vợ kêu gì làm nấy hà, thấy thương lắm nhưng cứ mỗi lần anh Lương về làm rể là bị mấy anh em cột chèo chọc ghẹo. Có lần mấy anh em đang múc đất vun gốc dừa dưới mương, ông rể thứ năm thấy nhỏ em họ xóm trong chạy xe đạp ngang qua, ổng mới làm bộ quăng cục đất nhỏ ra đường rồi la lên nói thằng Lương nó thảy á.

Nghe cái tên người nào lạ lạ, con nhỏ em tôi nó tò mò nhiều hơn giận, nó quăng luôn xe đạp chạy vào nhà tôi hỏi ông Lương là ông nào sao lần đầu nó mới nghe tên...", chị Ánh vừa cười vừa kể lại.

Ra giêng anh cưới em - Kỳ 3: Chàng rể 'xúc đất như múc cháo' - Ảnh 2.

Chị Trần Thị Ánh và anh Nguyễn Thanh Lương trong lễ thành hôn ở quê Bến Tre năm 1996 - Ảnh: NVCC

Cưới muộn, mọi thứ vợ chồng đều tự lo

Cũng như nhiều đám cưới miền Tây khác, đám cưới anh Lương và chị Ánh cũng có lá dừa xanh và dây đủng đỉnh làm cổng hoa, chiếc cổng cưới được đích thân mấy anh chị em trong nhà cùng nhau thiết kế, đi kiếm vật dụng rồi dựng lên, kỳ công và mang lại rất nhiều cảm xúc.

Dù là cặp đôi học cao, có trình độ nhất nhì trong huyện nhưng đám cưới của anh Lương và chị Ánh không rình rang sính lễ. Chị kể thuở hàn vi quen nhau mà làm được cái đám cưới đàng hoàng là mừng lắm rồi.

"Lúc đó anh Lương 35 tuổi, tôi 27 tuổi đều đã đi làm, kiếm tiền rồi nên cũng không muốn là gánh nặng gia đình. Ngày cưới ba mẹ chồng cho tôi thêm sợi dây chuyền vàng 2 chỉ, đẹp lắm. Rồi phải hơn chục năm sau, con cái đề huề ảnh mới mua cặp nhẫn cưới để bù đắp cho tôi", chị Ánh rưng rưng nhớ lại.

Dù thời đó còn nghèo, tiền bạc tổ chức đám cưới chị Ánh và anh Lương phải cân đo đong đếm vì sợ không thiếu trước sẽ hụt sau. Tuy nhiên anh Lương vẫn chơi "sang", lên tận thị xã Bến Tre thuê thợ giỏi nhứt quay phim cho đám cưới mình.

"Mẹ tôi không đòi hỏi gì nhiều nhưng mẹ muốn quay phim lại đám cưới. Hồi đó anh Lương lên tận thị xã Bến Tre để mướn thợ quay bộ phim, tốn 1 chỉ rưỡi vàng, lo quay phim mệt rồi đâu còn tiền chụp hình, quay cũng mấy tiếng lận.

Lúc quay, anh Lương dặn thợ tập trung quay những người lớn tuổi nhiều để sau này mấy nguời đó mất mình còn lưu niệm lại, bà con mình không á, nên đám cưới của tôi quay người thân nhiều hơn cô dâu chú rể", chị Ánh tâm sự.

Thời đó bạn bè thân quen của cô dâu, chú rể đều sinh sống và làm việc ở TP.HCM nên khi rước dâu là rước thẳng lên nhà hàng Kỳ Đồng (quận 3, TP.HCM) để đãi khách.

Đường đi ngày xưa còn cách trở, từ Mỏ Cày Bắc, Bến Tre lên TP.HCM phải qua hai con phà là Rạch Miễu và Hàm Luông nhưng bà con thân thuộc nhà gái và nhà trai đều rất vui vẻ và nôn nao lên đường đưa dâu.

Chị Ánh tươi cười kể tiếp: "Ở xóm tôi, tôi là người thứ hai lấy chồng ở quê nhưng được rước dâu đi Sài Gòn nên bà con háo hức lắm, tôi thuê cái xe 29 chỗ, đậu tuốt ngoài lộ phải đi bộ ra 2 cây số mà bà con đi hơn số lượng đó, vui lắm.

Tôi đi xe đò không được mà sao bữa đám cưới tỉnh bơ hà, không bị ói gì hết á. Ngày lấy chồng, tôi cũng hông có khóc, chắc tại hai đứa tôi cùng quê, quen nhau cũng ba năm rồi, đãi ăn ở nhà hàng trên Sài Gòn xong thì vợ chồng tôi lại cùng ba mẹ, bà con về lại Bến Tre".

Gia đình luật sư vui vẻ

Hơn 30 năm kể từ khi gặp nhau nên nghĩa vợ chồng và đã có với nhau ba mặt con nhưng tình cảm của anh Lương và chị Ánh vẫn sắt son như thuở ban đầu. Chị Ánh tâm sự anh Lương là người chồng, người cha tốt, lúc nào cũng hết mực chăm lo cho gia đình.

"Con gái lớn nhất của tôi giờ đã trở thành đồng nghiệp của ba mẹ. Gia đình toàn thợ cãi nhưng lại chưa từng cãi nhau, ngược lại còn có thể san sẻ niềm vui, hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn hoặc rắc rối trong nghề nghiệp", chị Ánh nói.

Ngoài ra đôi vợ chồng luật sư còn có cùng sở thích đờn ca tài tử, thời gian rảnh anh chị thường đến sân khấu để hát hò, giao lưu văn nghệ để giải trí và cũng là để ôn lại kỷ niệm và hâm nóng tình cảm.

"Hồi sáu năm trước, vợ chồng tôi có giao kèo nếu con gái lớn giống ai thì người đó đóng tiền học phí, nếu giống Lương thì Lương đóng, giống Ánh thì Ánh đóng. Và đương nhiên tôi khen các con giống ba.

Vậy là sáu năm nay anh Lương đóng tiền, tôi không tốn một cắc. Nhưng sao vừa rồi nó tốt nghiệp, chính thức trở thành luật sư, là đồng nghiệp của ba mẹ thì tôi lại thấy nó... giống tôi hơn", chị Ánh hóm hỉnh nói.

Chú rể sợ đen thui bên nàng vợ trắng như bông bưởi

Chị Ánh khúc khích nhớ lại hồi đó chồng chị dặn không được trang điểm đậm, cũng không được đánh phấn trắng quá vì ảnh vốn dĩ có nước da ngăm đen, sợ trong ngày trọng đại mình bị "lu mờ" bởi nhan sắc của nàng vợ bình thường đã trắng như bông bưởi.

**************

Trong ký ức của mẹ, đám cưới là giấc mơ mà bà đã từng từ bỏ. Mẹ kể rằng ngày đến với ba không có váy cưới, không có hoa tươi cũng chẳng có một tấm hình cưới để lưu giữ ký ức.

>> Kỳ tới: Đám cưới ba mẹ tôi không nhẫn cũng không hoa

Ra giêng anh cưới em - Kỳ 3: Chàng rể 'xúc đất như múc cháo' - Ảnh 3.Ra giêng anh cưới em - Kỳ 1: Đám cưới đơn sơ ở Hà thành của nhạc sĩ tập kết

'Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/ Mùa thu đi cùng lá/ Mùa thu ra biển cả/Theo dòng nước mênh mang…/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên