![Ra giêng anh cưới em - Kỳ 1: Đám cưới đơn sơ ở Hà thành của nhạc sĩ tập kết - Ảnh 1. Ra giêng anh cưới em - Kỳ 1: Đám cưới đơn sơ ở Hà thành của nhạc sĩ tập kết - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/8/dam-cuoi-1738987778390645358738.jpg)
Tình già của vợ chồng nhạc sĩ Trương Quang Lục luôn yêu thương, chăm sóc nhau - Ảnh: YẾN TRINH
Bài Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh được cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc như chính loạt bài về các lễ cưới đầy hoài niệm này. Những mối tình được đơm hoa kết trái bằng lễ cưới một thời nghèo khó, đơn sơ nhưng ấm nồng mãi yêu thương.
Buổi sáng đầu năm nắng dìu dịu, nhạc sĩ Trương Quang Lục (92 tuổi) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Vân (90 tuổi) lần giở cuốn album nhuốm màu thời gian cùng những tấm ảnh đen trắng chụp vợ chồng với vẻ tươi nhuần mà ông rất quý.
Thời gian trôi, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu nhưng người nhạc sĩ với những ca khúc Vàm Cỏ Đông, Trái đất này là của chúng mình… vẫn nhớ rõ hôn lễ đầm ấm, đơn sơ cách đây 65 năm.
Tiệc trà xe duyên
Năm 1954, chàng trai quê Quảng Ngãi sau hai năm khoác áo thanh niên xung phong những năm chống Pháp thì tập kết ra Bắc. Khi đó ông 21 tuổi, trở thành sinh viên Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
"Vợ tôi học chung lớp có 20 nữ sinh, còn lại là các bạn nam. Thấy cô ấy hiền lành, thẳng thắn, chăm học, tôi đem lòng cảm mến", ông bồi hồi nhớ lại.
Ngày ấy vợ ông xinh xắn, dịu dàng với nụ cười tươi thắm. Còn ông đã có sáng tác phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Tình yêu giữa cô gái Hà thành và chàng trai miền Trung nảy nở khi cùng các bạn thực tập ở Hải Phòng. Ông kể: "Ngày làm việc, đêm chúng tôi cùng nhau đi uống nước, thăm thú cảnh quan".
Trở về Hà Nội, những cuộc hò hẹn tuổi đôi mươi trong trẻo cứ thế nối dài. Cuối tuần chàng đạp xe đợi cách nhà nàng một đoạn chờ nàng e ấp đi bộ ra. Họ đưa nhau đi uống nước chè, dạo công viên, tối tiễn nhau về ghé ăn tô phở ấm bụng giữa trời giá rét.
![Ra giêng anh cưới em - Kỳ 1: Đám cưới đơn sơ ở Hà thành của nhạc sĩ tập kết - Ảnh 2. Ra giêng anh cưới em - Kỳ 1: Đám cưới đơn sơ ở Hà thành của nhạc sĩ tập kết - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/8/anh-1-17390012774221869805385.jpg)
Những tấm ảnh thời trẻ của hai vợ chồng được nhạc sĩ Trương Quang Lục trân trọng giữ gìn - Ảnh: YẾN TRINH
Ông cười kể có những lần đứng đợi, gặp anh trai người yêu đi về nhưng hai bên gia đình đã biết chuyện yêu nhau nên người anh rất ủng hộ.
Rồi mối tình đầu đơm hoa kết trái bằng lễ hỏi. Gọi là lễ hỏi, thật ra người lớn hai bên gặp nhau, phía nhà ông đưa lễ cơi trầu cùng xấp vải. Lên lớp, bạn bè chọc ghẹo, có mấy cô bạn sau này gặp lại còn bảo xưa anh chàng Lục quê mùa đem lòng yêu cô gái kinh kỳ.
Hồi ấy bạn học hay chọc tên ông Lục, bà là Vân, là Lục Vân Tiên. Để kỷ niệm, vợ chồng ông đặt con gái tên Tiên để ghép thành… Lục Vân Tiên.
Ra trường, họ lên Phú Thọ làm việc với vai trò kỹ sư hóa chất. Gập cuốn album lại, ông kể tiếp: "Sau đó anh cả tôi khi ấy làm việc tại Hà Nội, gửi thư báo đã định ngày lành tháng tốt, dặn sắp xếp tuần sau về tổ chức đám cưới. Nhận thư mà tôi lâng lâng niềm vui".
Đời người chỉ có một lần. Lễ cưới diễn ra lúc 19h một ngày tháng 8-1960 tại khách sạn ở trung tâm thành phố nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Tiệc bố trí ở sảnh tầng trệt, không có sân khấu. Những chiếc bàn xếp nối nhau dành cho khách, phía trên là bàn cao để hai họ và cô dâu chú rể làm lễ.
![Ra giêng anh cưới em - Kỳ 1: Đám cưới đơn sơ ở Hà thành của nhạc sĩ tập kết - Ảnh 3. Ra giêng anh cưới em - Kỳ 1: Đám cưới đơn sơ ở Hà thành của nhạc sĩ tập kết - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/8/anh-2-1739001277425213111397.jpg)
Nhạc sĩ Trương Quang Lục vẫn còn giữ tấm ảnh năm 1959 chụp vợ chồng ông (hàng ngồi, trái) cùng các bạn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh: YẾN TRINH
"Tiệc cưới ngày đó đơn sơn lắm vì điều kiện kinh tế và hoàn cảnh đất nước chiến tranh. Chúng tôi không đãi tiệc mặn mà là kẹo bánh, nước trà… do gia đình hai bên tự đem đến. Tôi mặc sơ mi, khoác áo vest, cô ấy mặc áo dài, trang điểm nhẹ. Còn quan khách mặc chỉn chu hơn ngày thường", ông hồi tưởng.
Lễ cưới không có thủ tục trao nhẫn. Ảnh đám cưới cũng không có bởi thời đó việc gia đình có chiếc máy ảnh là điều khá xa xỉ. Nhắc điều này, ông bà tiếc nuối nhưng biết làm sao được. Trước đó, sau đám hỏi bạn bè rủ đến hiệu ảnh và cố tình để hai vợ chồng ngồi kế nhau. Những tấm ảnh hiếm ấy ông bà vẫn giữ tận bây giờ.
Và cũng do điều kiện chiến tranh, lại xa xôi cách trở nên phía gia đình ông có hai người anh, chị gái và em trai dự, mẹ ở quê không ra được. Trong khoảng 60 khách mời có những người bạn âm nhạc đến chung vui.
Trong đó có nhạc sĩ Trương Đình Quang (quê Hội An) và bà Nguyễn Thị Lụa ở Đoàn văn công Liên khu 5. Người đệm đàn, người hát, không có micro nhưng những giai điệu vui tươi khiến ông bà nhớ mãi.
Điểm đặc biệt, khách dự cưới ngày đó không mừng bằng tiền mà bằng quà thiết thực như phích nước, chậu rửa mặt, thau nhựa… mua từ cửa hàng mậu dịch. Gia đình nhà gái trao cho con sợi dây chuyền và một số nữ trang làm vốn.
Cô dâu chú rể sau khi được MC giới thiệu thì nói lời cảm ơn cha mẹ họ hàng, quan khách, không có tiết mục cầm ly đi chào bàn như thời hiện đại. Tiệc vỏn vẹn chừng hai tiếng nhưng là giao ước thiêng liêng đậm nét truyền thống thời bấy giờ.
![Ra giêng anh cưới em - Kỳ 1: Đám cưới đơn sơ ở Hà thành của nhạc sĩ tập kết - Ảnh 4.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/8/dam-cuoi-ngay-xua-17389884589351072297732.jpg)
Nhạc sĩ Trương Quang Lục và vợ - bà Nguyễn Thị Vân ngày còn trẻ - Ảnh: NVCC
"Chỉ còn anh và em, cùng tình yêu ở lại"
Sau đám cưới, người họ hàng cho mượn căn phòng tươm tất để vợ chồng trẻ có tuần trăng mật ngọt ngào. Rồi họ tiếp tục công tác ở Phú Thọ, có những thời điểm bà Vân về Hà Nội học thêm, tạm xa nhau nhưng tình cảm luôn nồng thắm. Họ lần lượt có ba người con. Cuộc sống thời chiến thiếu thốn nhưng vợ chồng con cái đầm ấm, dạt dào yêu thương.
Do yêu cầu đơn vị, năm 1977 vợ chồng ông chuyển vào TP.HCM. Ông làm giám đốc Nhà máy hóa chất Thủ Đức rồi làm việc tại báo Sài Gòn Giải Phóng.
"Năm tháng đó cuộc sống không phải bằng phẳng hoàn toàn. Có những lúc ý kiến khác nhau, tranh luận những vấn đề gia đình, con cái nhưng nghĩ rằng dẫu sao mình vẫn sống với nhau đến bạc đầu, là duyên nợ từ hồi còn đi học nên chúng tôi tìm cách có ý kiến chung chứ không giận lâu", ông trải lòng.
Trong việc nuôi dạy con cái, ông bà tâm niệm điều quan trọng nhất là làm gương cho con, làm thế nào con thấy vui và tự hào về ba mẹ. "Điều vui nhất là các con đều thành đạt, gia đình êm ấm. Đó là cách dạy con gián tiếp, bản thân mình phải chính trực, tuổi cao vẫn sống có ích. Con trai đầu tôi về hưu rồi nhưng vẫn làm việc".
Thi thoảng ngày Tết hoặc sinh nhật con cháu, ông bà kết hợp tổ chức kỷ niệm ngày cưới. Con cháu quây quần liên hoan nhẹ. Tết, ông vẫn giữ thói quen lì xì con cháu, tặng quà sinh nhật.
Vợ ông thường nấu những món ngon. Bà nói: "Ban đầu chồng tôi thích ăn kiểu miền Trung, tôi quen khẩu vị Bắc. Dần dần cũng quen và kết hợp, dung hòa nhau. Vợ chồng biết tận dụng những cái hay của hai bên".
Riêng với vợ, ông quan niệm chính sự quan tâm, chăm chút thường ngày là món quà thiết thực, nhất là những khi ốm đau.
"Tôi rất quan tâm sức khỏe của bà, hằng ngày đo huyết áp, nhịp tim... cho bà đâu ra đó rồi tôi mới yên tâm làm việc. Giờ tôi ít khi đi đâu xa, dù một số tỉnh mời đi liên quan công tác văn nghệ. Trước đây, vợ chồng cùng đi nhưng giờ sợ bà đi xa sẽ mệt", ông bộc bạch.
Nhìn hạnh phúc viên mãn của vợ chồng người nhạc sĩ và tấm ảnh đại gia đình treo giữa gian nhà, bất giác chúng tôi nhớ đến lời hát "Tuổi theo mùa đi mãi. Chỉ còn anh và em, cùng tình yêu ở lại" của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, một người bạn âm nhạc của ông.
Đám cưới phải rước dâu bằng xuồng, gặp ngay nước ròng, cả đoàn đưa dâu xắn quần qua đầu gối, hì hục đẩy cô dâu ngồi trên xuồng vào bờ cho chú rể rước về dinh.
Tình già có nhau
Vợ chồng nhạc sĩ Trương Quang Lục chăm nhau từng ly từng tí, sống với nhau hầu như chưa khi nào to tiếng. Ông vẫn giữ quyển nhật ký ngày xưa của vợ, thi thoảng vợ chồng lại ngồi đọc, ôn kỷ niệm xưa.
"Vợ rất thích và ủng hộ tôi trong sự nghiệp sáng tác, từ những ngày tôi còn sinh viên tham gia văn nghệ ở trường. Chúng tôi nghĩ rằng một ca khúc phổ biến ngoài quần chúng còn quý giá hơn so với việc mình nhận được bao nhiêu tiền từ bài hát", ông chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận