07/12/2024 09:18 GMT+7

Quy về một thang điểm chung trong tuyển sinh: Bộ GD-ĐT nói gì?

Một trong những điểm mới của dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT quy định điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp phải được quy đổi về một thang điểm chung.

Quy về một thang điểm chung trong tuyển sinh: Bộ GD-ĐT nói gì? - Ảnh 1.

Một tiết học toán của học sinh lớp 12A4 Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo nhiều chuyên gia giáo dục nhận định đây là một phương án khá gượng ép và bất khả thi, bởi khó có căn cứ khoa học để quy đổi về một thang điểm giữa các phương thức, không đủ dữ liệu, không phù hợp thực tế.

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - cho biết bản chất của tuyển sinh là phải đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh và giữa các trường, đảm bảo tuyển sinh là dựa trên sự cạnh tranh theo nguyên tắc công bằng.

Các thí sinh khi tham gia xét tuyển ở các phương thức xét tuyển khác nhau, muốn đảm bảo sự công bằng thì phải căn cứ vào các tiêu chí nhất định, kết quả xét tuyển của các phương thức đó phải đối sánh được và so sánh được các thí sinh với nhau.

"Bên cạnh đó, tại sao điểm chuẩn trúng tuyển vào cùng một ngành/chương trình đào tạo lại khác nhau giữa các phương thức xét tuyển, giữa các tổ hợp xét tuyển? Phải đối sánh được mới đảm bảo công bằng cho thí sinh, đảm bảo các trường chọn được thí sinh tốt nhất, phù hợp nhất, trừ trường hợp các trường quy định thí sinh vượt qua một ngưỡng cụ thể là có thể đỗ vào học", bà Thủy nói.

Theo bà Thủy, để tuyển sinh đầu vào thì dù bằng phương thức nào cũng đều cần đánh giá được năng lực, kiến thức đầu vào, khả năng theo học của thí sinh. Do vậy kết quả của các phương thức xét tuyển cũng phải quy đổi được, đối sánh được với nhau.

Về việc có những thí sinh vẫn chưa hiểu chính xác thế nào là "xét tuyển sớm", theo bà Thủy, đợt xét tuyển sớm khác với phương thức xét tuyển. Bà Thủy khẳng định không có phương thức xét tuyển sớm và đây là điểm các thí sinh và nhiều phụ huynh bị hiểu nhầm.

Theo đó xét tuyển sớm là sớm về mặt thời gian, sớm hơn đợt xét tuyển chung về việc công bố trúng tuyển, dành cho các thí sinh có năng lực vượt trội có điểm trúng tuyển phải cao hơn so với đợt xét tuyển chung và cũng phải đưa vào hệ thống xử lý nguyện vọng chung cùng đợt xét tuyển chung.

Còn các phương thức như xét học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, điểm chứng chỉ quốc tế... đều có thể sử dụng cho cả đợt xét tuyển sớm và đợt xét tuyển chung. Riêng xét tuyển sớm thì do thời gian sớm nên chưa thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

"Các thí sinh đang tập trung ôn tập cho phương thức xét tuyển nào cũng đều có thể sử dụng cho xét tuyển sớm và xét tuyển chung, các em yên tâm và tự tin, hãy cứ tiếp tục nỗ lực hết sức, học tập/ôn tập thật tốt để có kết quả cao nhất", bà Thủy nhắc nhở thí sinh.

Quy về một thang điểm chung trong tuyển sinh: Bộ GD-ĐT nói gì? - Ảnh 2.Dự thảo quy chế tuyển sinh: Một thang điểm chung khó khả thi!

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên