Thông tin này khiến nhiều thí sinh lo lắng.
"Bất ngờ và bất an"
Trương Khả Hân là học sinh lớp 12B5 Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP Long Xuyên (An Giang). Khả Hân có nguyện vọng xét tuyển vào ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Cần Thơ.
"Trước đây em khá tự tin đậu nguyện vọng 1 bằng các phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên khi đọc dự thảo quy chế tuyển sinh mới của Bộ GD-ĐT, em rất bất ngờ và bất an", Hân cho biết.
Theo Hân nghĩ, Bộ GD-ĐT dự kiến các cơ sở giáo dục đại học không được dành quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho xét tuyển sớm. Nghĩa là tối đa chỉ có 20% trong tổng số thí sinh xét tuyển đại học năm nay "trúng tuyển sớm" trước thi tốt nghiệp THPT.
Điều này rất khác những năm gần đây, khi nhiều thí sinh chưa thi tốt nghiệp đã biết sẽ "đậu đại học". Dù "đậu đại học" sớm làm nhiều em không mặn mà với kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng lại giúp các em thi tốt nghiệp với tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái.
Trước những thay đổi như vậy, nhiều học sinh lớp 12 không còn giữ được sự nhẹ nhàng, thoải mái. Trước đây Hân chỉ ôn tập theo sự hướng dẫn của thầy cô, giờ bắt đầu đi học thêm. Hân đang học thêm toán, ngữ văn, tiếng Anh. Thời gian đầu tư vào các môn tốt nghiệp THPT tăng lên.
Ngoài ra để thêm cơ hội trúng tuyển Hân còn tự ôn thêm các lớp V-SAT. Hân so sánh mới năm trước, xu hướng xét tuyển bằng học bạ là phương án được ưu tiên lựa chọn nhưng giờ kết quả khó đoán hơn.
Bởi năm nay chỉ có một số ít các bạn biết được mình có đậu đại học hay không trước khi thi tốt nghiệp. Do đó Hân tạm gác lại các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ trong trường để vùi đầu vào học.
Học thêm vào cuối tuần
Huỳnh Trần Minh Tâm - học sinh lớp 12A14 Trường THPT Trần Phú (TP.HCM) - mong muốn vào ngành thiết kế đồ họa Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Gần đây Tâm cũng phải đôn đáo học thêm nhiều nơi.
Cụ thể mỗi buổi tối Tâm đều học thêm toán, lý và tiếng Anh. Ngoài ra Tâm còn học môn trang trí màu được hơn một năm nay để chuẩn bị cho bài thi năng khiếu.
Sắp tới đây để tăng thêm cơ hội trúng tuyển đại học, Tâm sẽ học thêm một lớp ôn thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM vào ngày chủ nhật. Trước đó, thứ bảy và chủ nhật Tâm thường chuẩn bị bài cho tuần tiếp theo.
Đặc biệt chủ nhật, Tâm thường dành để luyện vẽ tự do. Giờ thì không thể thong thả như vậy. Nghe thông tin siết chỉ tiêu xét tuyển sớm, Tâm không khỏi lo lắng khi kỳ thi năm nay sẽ cạnh tranh khốc liệt. Cơ hội trúng tuyển vào ngành mơ ước trở nên "chông gai" hơn.
Tâm kể hiện đang tận dụng thời gian tối đa cho việc học và cũng gặp không ít áp lực. Với những bài tập được giao trong tuần, Tâm tranh thủ giờ nghỉ trưa để hoàn thành, còn buổi tối phải tham gia các lớp học thêm. Tâm đành phải tạm gác lại những giờ vẽ tự do yêu thích của mình để… học.
Sắp xếp lại toàn bộ thời gian biểu
Nguyễn Quốc Anh là học sinh lớp 12 chuyên văn Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang). Quốc Anh có nguyện vọng vào ngành sư phạm ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Quốc Anh cũng là thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn ngữ văn sẽ dự thi vào cuối tháng 12 này.
Trước nay Quốc Anh dành phần lớn thời gian trong ngày để ôn thi học sinh giỏi nên bạn đặt mục tiêu vào đại học bằng phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
Tuy nhiên trường hợp trường đại học chỉ có 20% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, Quốc Anh cảm thấy nếu "all-in" (cược tất cả - PV) vào hai phương thức kia sẽ không chắc chắn. Quốc Anh trở lại ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thêm thi đánh giá năng lực dù vẫn chưa kết thúc đợt thi học sinh giỏi quốc gia.
Quốc Anh đã ngồi lại sắp xếp toàn bộ thời gian biểu, dành hầu hết cả tuần cho chuyện học. Sáng và chiều từ thứ hai đến thứ bảy, Quốc Anh học đội tuyển ở trường.
Mỗi tối thứ hai đến chủ nhật, bạn xách cặp học thêm, chia đều cho các môn ngữ văn, lịch sử và địa lý. Sắp tới Quốc Anh sẽ phải tìm nơi học thêm môn toán.
Hiện tại mỗi tháng Quốc Anh chi gần 1,5 triệu đồng cho học thêm. Nhưng điều làm bạn trăn trở nhất không phải là học phí mà là phải cân bằng giữa ôn thi học sinh giỏi và các kỳ thi quan trọng khác trong năm lớp 12.
"Do không có thời gian nên ở trường và học thêm mình tập trung cao độ để học các môn thi THPT. Khi về nhà, mỗi tối mình dành toàn thời gian để ôn thi đội tuyển", Quốc Anh kể.
Các trường luôn ưu tiên quyền lợi của thí sinh
ThS Cù Xuân Tiến - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - thông cảm với một số lo lắng của nhiều học sinh.
Tuy nhiên ông khuyên các bạn trước hết nên giữ bình tĩnh và chờ đợi quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT.
Hiện tại quy chế vẫn đang còn là dự thảo và đang được lấy ý kiến. Sau khi có quy chế chính thức, học sinh có thể cân nhắc điều chỉnh kế hoạch học tập và xét tuyển phù hợp.
Ông Tiến cho biết thêm những ngày qua, các trường đại học cũng có những góp ý với Bộ GD-ĐT về dự thảo và cũng đang chờ đợi quy chế chính thức từ bộ, từ đó sẽ có những điều chỉnh trong các phương án tuyển sinh, xét tuyển nếu cần thiết.
Tuy nhiên theo ông Tiến, nhìn chung các trường đại học vẫn sẽ ưu tiên quyền lợi của thí sinh lên trên hết, giúp các em có sự thuận lợi nhất trong quá trình tuyển sinh, xét tuyển trong năm 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận