Sinh tinh, dẫn tinh và tinh trùng là những vấn đề trung tâm của sinh sản nam. Đó là một quá trình phức tạp phụ thuộc vào môi trường nội tiết của hệ thần kinh nội tiết và các tuyến sinh dục.
Khảo sát, đánh giá được sự hoạt động của hệ thống nội tiết sinh sản sẽ giúp cho việc tìm nguyên nhân hiếm muộn, vô sinh một cách rõ ràng hơn và từ đó giúp có hướng điều trị đúng đem lại hiệu quả cho bệnh nhân.
Rối loạn nội tiết vô sinh và u tuyến yên
GS.TS Đỗ Trọng Hiếu, chuyên gia về lĩnh vực sinh sản và nam giới, cho biết vô tinh là không có tình trùng trong tinh dịch. Tình trạng bệnh lý này có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân do rối loạn một số chất nội tiết sinh sản như: LH (Luteinizing Hormone), FSH (Follicle Stimulating Hormone), T (Testosteron).
Mức LH, FSH cao và T thấp: Bệnh nhân được xếp vào loại suy tinh hoàn nguyên phát gồm cả phần tế bào Leydig và tế bào mầm. Nồng độ cao của các hormone điều hòa tuyến sinh dục giúp phân biệt suy tinh hoàn với bệnh lý ở dưới đồi - tuyến yên. Có thể phân biệt với hội chứng Klinefelter bằng caryotype nhưng không có ích lắm cho việc điều trị.
Bệnh nhân suy toàn bộ tinh hoàn không đáp ứng với bất cứ điều trị hiện đại nào. Nên chỉ định ngay việc hỗ trợ sinh sản bằng cách dùng tinh trùng của người cho bơm vào tử cung nếu người phụ nữ hoàn toàn bình thường" - GS Hiếu nhấn mạnh
Chỉ có FSH cao còn LH và T bình thường: Suy nhược tinh hoàn tiên phát với vô tinh hoặc tinh trùng ít và yếu. Không có tổn thương của tế bào Leydig. Tình dục vẫn bình thường - lý do gì làm FSH tăng cao thì chưa rõ.
Nhiều tác giả suy luận rằng đó là do một inhibin (một hormone không phải hormone sinh dục), được tiết ra từ tế bào Sertoli ở nam, tế bào trứng ở nữ chọn lọc riêng cho FSH bị rối loạn suy giảm. Một vài bệnh nhân đặc biệt của loại này có thể có nguyên nhân là giãn mạch thừng tinh.
Cơ may hiếm có này đặt ra vấn đề điều trị cắt hoặc thắt tĩnh mạch thừng tinh có thể phục hồi lượng tinh trùng và hạ thấp FSH tới mức bình thường.
FSH, LH, T đều thấp: Chỉ có ít bệnh nhân bị cả ba chỉ số đều thấp ở các khoa vô sinh. Đó là những người suy nhược tuyến sinh dục toàn bộ cả tuyến yên lẫn tinh hoàn, do di truyền hoặc mắc phải như hội chứng Kallmann (mất/giảm khứu giác và suy giảm LH, FSH).
Tất cả các bệnh nhân loại này đều phải xét nghiệm hormone prolactin và thấy tăng nhiều trên bệnh nhân có u tiết prolactin hay u tuyến yên.
Hormone TSH, corticotropin và cả hormone tăng trưởng cũng nên chỉ định đo lường. Khám thần kinh và đo thị trường mắt cùng với chụp X-quang hố yên, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ cũng là những xét nghiệm thích hợp.
Có u tuyến yên thì dù prolactin không cao cũng phải điều trị, có nhiều bệnh nhân prolactin cao nhưng các hình ảnh X-quang không thấy khối u nào và cả hố yên cũng bình thường.
Cơ chế bệnh sinh của prolactin cao rất nhiều, song phổ biến nhất là các nguyên nhân do dùng thuốc kháng dopamin và sự hiện diện của các u tuyến yên lành tính.
Điều trị bằng LH/HCG (hormone thai kỳ) 1500 IU 3 lần/tuần trong 6-12 tháng. Nếu mật độ tinh trùng ít thay đổi có thể thêm FSH 75UI 3 lần/tuần. Có thể dùng cả hai xen kẽ tiêm hằng ngày. Thời gian điều trị thường phải hơn 1 năm mới thấy thay đổi.
Vô tinh do nguyên nhân sau tinh hoàn
Ông Hiếu cho biết, nếu xét nghiệm cả ba hormone T, LH, FSH đều bình thường thì nguyên nhân vô sinh là ở sau tinh hoàn. Bệnh nhân nam vô sinh loại này có thể do các khiếm khuyết của nạp tinh, của xuất tinh ngược dòng hoặc hệ thống ống dẫn ra ngoài bị tắc ở một vị trí nào đó (rất hiếm do suy yếu của riêng tế bào mầm).
Xuất tinh ngược dòng thấy ở bệnh nhân mắc bệnh thần kinh và bệnh nhân đái tháo đường. Sau khi giao hợp trong nước tiểu xuất hiện một số lượng lớn tinh trùng là chứng cứ rõ rệt của xuất tinh ngược dòng. Còn thấy xuất tinh ngược dòng ở những bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt tuyến, phẫu thuật ở hố chậu có nạo vét hạch.
Trong tinh dịch có ít fructose (fructose do túi tinh sản xuất và chuyển vào ống dẫn tinh bằng các ống phóng), khi tinh dịch có pH axit thấp là những triệu chứng của không có ống dẫn tinh và túi tinh bẩm sinh.
Không có ống dẫn tinh có thể xác định bằng kỹ thuật nắn bìu bằng ba ngón tay thường áp dụng diện cắt và thắt ống dẫn tinh trong kế hoạch hóa gia đình.
Bệnh nhân vô tinh mà kích thước tinh hoàn bình thường, FSH bình thường và fructose cũng bình thường có thể do tắc đoạn gần vào ống phóng tinh.
Có khoảng 1/3 số bệnh nhân với T, FSH và LH đều bình thường có suy yếu ống dẫn tinh hoặc ngưng trệ sinh tinh. Nếu suy nghĩ về một điều trị phẫu thuật thì hãy làm sinh thiết tinh hoàn và chụp ống dẫn tinh để xác định chẩn đoán trước khi tiến hành phẫu thuật.
Chữa hiếm muộn, vô sinh nam là một phạm trù y học còn rất mới trên thế giới cũng như ở nước ta. Hiếm muộn thời gian ngắn (1-3 năm) có tiên lượng tốt hơn là những hiếm muộn đã kéo dài nhiều năm và đã được khám chữa ở nhiều nơi.
Vì vậy, nếu các cặp vợ chồng lấy nhau sau 1 năm không dùng biện pháp tránh thai mà chưa có con thì cần đi khám cả vợ cả chồng để tìm nguyên nhân điều trị vô sinh. Về nguyên nhân, 40% liên quan đến nam, 40 liên quan đến nữ và 20% chưa rõ nguyên nhân", GS.TS Đỗ Trọng Hiếu khuyên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận