21/06/2022 22:01 GMT+7

Lo ngại bệnh lây truyền qua đường tình dục dẫn tới vô sinh ở nam giới

T.D.V - TRỌNG THẮNG
T.D.V - TRỌNG THẮNG

Khi gia đình chậm có con, trước đây thường nghĩ do nữ nhưng có 40% gây vô sinh do nam. Trong đó, nguyên nhân do các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang ‘nổi’ lên, vì vậy cần phát hiện, chẩn đoán sớm để điều trị trước khi quá muộn.

Lo ngại bệnh lây truyền qua đường tình dục dẫn tới vô sinh ở nam giới - Ảnh 1.

Tại Hội thảo do Hội Hỗ trợ sinh sản Hà Nội tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội về các giải pháp hỗ trợ sinh sản chuyên sâu, PGS.TS.BS Hồ Sỹ Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết có 2-5% nam giới chậm có con đến khám tại bệnh viện có vấn đề ở đường dẫn tinh, 1-2% do căn nguyên từng, đang mắc bệnh lây qua đường tình dục.

Bệnh khó nói nhưng ảnh hưởng không ngờ

Theo BS Hùng, khi mắc bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt bệnh do lậu cầu, giang mai..., ngoài những ảnh hưởng toàn thân và tại chỗ, phái mạnh có thể gặp các tình huống như tắc đường dẫn tinh, không có tình trùng sau quan hệ tình dục, giảm số lượng tinh trùng hoặc ảnh hưởng nội tiết dẫn tới rối loạn về sức khoẻ tình dục.

Đồng ý với ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Quang - Giám đốc Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức chia sẻ qua thực tế lâm sàng, các bệnh lây qua đường tình dục có thể làm chất lượng tinh trùng biến đối. "Môi trường" trong tinh hoàn làm ảnh hưởng "hàng rào máu" của tinh trùng, làm tinh trùng yếu hoặc chết.

PGS Quang cho biết hiện tại các bác sĩ gặp nhiều ca viêm nhiễm sau mắc bệnh qua đường tình dục ở nam giới hơn trước đây, gần như ngày nào cũng có ca mắc đến. Một phần do số người đi kiểm tra nhiều hơn, một phần trước đây người ta nghĩ vô sinh do nữ giới nên nam không đi khám. Tình trạng một nam giới có thể có hơn 1 bạn tình làm nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục nhiều hơn.

PGS Quang cũng lo ngại tình trạng "bảo vệ nửa vời" trong quan hệ tình dục dễ dẫn đến lây nhiễm bệnh qua đường tình dục. Nam, nữ thường không dùng bao cao su trong toàn bộ giai đoạn, mà chỉ sử dụng khi cần tránh thai, từ đó nếu bạn tình mắc bệnh dễ lây cho người còn lại.

ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân TP.HCM nhận định các xét nghiệm trong khám vô sinh nam là rất quan trọng, trước đây hay làm xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm nội tiết, qua đó phát hiện tinh trùng có bất thường, đầu to, đầu nhỏ, nhưng không biết nguyên nhân (thuốc lá, thói quen, môi trường độc hại…), qua các xét nghiệm gene, xét nghiệm chuyên sâu mới có thể đánh giá và can thiệp.

Tìm nguyên nhân ở cả vợ và chồng

Trao đổi với báo chí tại hội thảo, TS Phạm Đình Minh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển GENTIS, đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm đầu tiên chuyên sâu về gene, có thiết bị xét nghiệm PCR 13 bệnh lây truyền qua đường tình dục) cho biết khi vợ chồng chậm có con phải xét nghiệm cả vợ và chồng thay vì chỉ tìm nguyên nhân ở nữ.

"Các xét nghiệm cần thiết sẽ do bác sĩ chỉ định để tìm ra nguyên nhân là do gene, di truyền, do bệnh lý lây qua đường tình dục hay nguyên nhân nào khác và từ đó đưa ra phương pháp điều trị"- TS Minh cho hay.

Trong số các xét nghiệm sử dụng chẩn đoán, điều trị vô sinh, hướng dẫn mới của Tổ chức Y tế thế giới đã bổ sung các xét nghiệm mới và chuyên sâu như lệch bội nhiễm sắc thể tinh trung. Đây là xét nghiệm mới chưa có trong hướng dẫn trước đây.

"Tiến bộ về công nghệ, đặc biệt là công nghệ gene và sinh học phân tử đã giúp các bác sỹ làm sáng tỏ cơ chế bệnh sinh, tìm ra nguyên nhân nhiều bệnh gây vô sinh mà trước đây bị coi là vô sinh vô căn", TS Minh cho biết thêm.

Lo ngại bệnh lây truyền qua đường tình dục dẫn tới vô sinh ở nam giới - Ảnh 2.

Cần tìm ra đúng nguyên nhân gây vô sinh

Có rất nhiều căn nguyên dẫn đến vô sinh, trong đó có nguyên nhân rất khó chẩn đoán. ThS.BS Đinh Hữu Việt (Bệnh viện Nam khoa và hiếm muộn Hà Nội) cho biết trong chẩn đoán, điều trị cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, các Tổ chức trên thế giới khuyến cáo mở rộng yếu tố phân tích tinh dịch đồ.

Tuỳ nghiên cứu khác nhau, có 5-10% bệnh nhân thiểu tinh, vô tinh có đột biến mất đoạn AZF (vùng AZF trên nhánh dài nhiễm sắc thể Y, chứa nhiều gene quan trọng kiểm soát sinh tinh ở nam giới).

"Những phát hiện mới quan trọng trong tìm nguyên nhân không có tinh trùng, điều trị tích cực hơn cho bệnh nhân. Nghiên cứu từ 2016 - 2021 với 166 bệnh nhân thì 93,6% mất đoạn C, còn lại là mất đoạn A, B, D. Nếu mất hoàn toàn đoạn A, B đa phần bệnh nhân không có tinh trùng, áp dụng các biện pháp tìm tinh trùng gần như không có hiệu quả, phải tư vấn xin tinh trùng. Đột biến mất đoạn vùng mở rộng hoặc mất 1 vài gene trong đó thì tiên lượng tốt hơn"- Bác sĩ Việt nói.

Bác sĩ Việt cũng đánh giá cao vai trò xét nghiệm chuyên sâu, trong đó có vấn đề hiện nay đã tìm được nguyên nhân là phân mảnh tinh trùng. Những trường hợp phân mảnh đứt đoạn dưới 15% là bình thường, 15-30% mức độ trung bình, trên 30% là mức nặng, tuỳ mức độ thì có biện pháp điều trị phù hợp.

"Có nhiều nghiên cứu về phân mảnh tinh trùng, trong 1 mẫu tinh trùng có thể biết tỉ lệ bị phân mảnh, nhưng nếu biết được con nào toàn vẹn sẽ có ý nghĩa trong điều trị các bệnh như giãn mạch tinh, bệnh liên quan tinh trùng ít, tinh trùng yếu, hoặc tinh trùng bình thường nhưng có tỉ lệ đứt gãy DNA cao trong khi tinh dịch đồ bình thường... Những trường hợp tinh trùng phân mảnh cao thường khó đậu thai hoặc nếu xảy thai cũng gặp ở trường hợp tinh trùng phân mảnh cao"- Bác sĩ Việt nói.

Lo ngại bệnh lây truyền qua đường tình dục dẫn tới vô sinh ở nam giới - Ảnh 3.

Với các tình huống chuyên sâu như vậy, chỉ định xét nghiệm phù hợp và tìm ra nguyên nhân để điều trị sớm sẽ hữu ích cho gia đình hiếm muộn. Theo TS Minh, GENTIS là đơn vị đầu tiên xét nghiệm chuyên sâu về gen và có panel gen xét nghiệm vô sinh nam và nữ. "Tìm ra nguyên nhân mới tìm được phương án điều trị"- Ông Minh đánh giá.

T.D.V - TRỌNG THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên