25/06/2023 23:00 GMT+7

Quỹ ngoại chịu áp lực giải ngân, chứng khoán đã qua thời điểm xấu nhất?

Thị trường chứng khoán ghi nhận sự phục hồi đan xen một số nhịp điều chỉnh. Một số quan điểm cho rằng thời điểm xấu nhất thị trường đã qua.

Cuộc đua tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán nóng trở lại trong bối cảnh thị trường hồi phục - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cuộc đua tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán nóng trở lại trong bối cảnh thị trường hồi phục - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chuỗi tăng điểm của thị trường chứng khoán tiếp tục nối dài. Kết phiên ngày cuối tuần (23-6), VN-Index lên 1.129,38 điểm, cao nhất gần 9 tháng. Dòng tiền hoạt động khá mạnh, giá trị giao dịch gần nhất đều trên 17.000 tỉ đồng.

Dòng tiền mạnh hơn

Nói với Tuổi Trẻ, ông Trương Hiền Phương - giám đốc Công ty chứng khoán KIS Việt Nam - cho rằng thị trường đang đi lên vững vàng hơn, thời điểm xấu nhất có thể đã đi qua.

"Nhiều thông tin xấu đã phản ánh vào giá cổ phiếu, giờ các yếu tố tích cực được củng cố hơn", ông Phương nói và nhắc việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành thứ 4 liên tiếp. Điều này cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong chính sách tiền tệ, hồi phục kinh tế.

Hạ lãi suất cũng giúp chứng khoán hấp dẫn hơn tiền gửi. "Hàng triệu tỉ đồng nằm trong tiền gửi, một phần được dự báo chảy sang chứng khoán. Khi nhà đầu tư quan tâm trở lại cổ phiếu, doanh nghiệp huy động vốn, phát hành tăng thêm vốn mới cũng dễ dàng thu hút hơn", ông Phương lý giải thêm.

Dòng tiền từ quỹ đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng tích cực trở lại. Mới đây, một quỹ đến từ Malaysia đã lập quỹ United Vietnam Equities Fund (UVEF) chuyên đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều tín hiệu cũng cho thấy các nhà đầu tư Âu Mỹ, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia… có xu hướng tìm đến các thị trường mới nổi lên như Việt Nam.

Theo KIS Việt Nam, lực cầu các quỹ ETF trở lại, dòng vốn ETF tuần trước ghi nhận ở mức 34 triệu USD. Áp lực rút vốn đã giảm đáng kể. SSI, KBC, HPG, HDG… đều nằm trong nhóm mua ròng mạnh.

"Thời gian tới có thể chứng kiến mua ròng của các quỹ ngoại. Quỹ chịu áp lực giải ngân vì nếu không, thời gian tới sẽ phải mua với giá cao hơn khi mặt bằng giá cổ phiếu tăng", ông Phương lý giải.

Về các ngành hút vốn ngoại, ông Phương dự báo ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, may mặc, bất động sản khu công nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong ngành đầu tư công…

Cuộc đua tăng vốn nóng trở lại

Một xu hướng khác trong bối cảnh thị trường phục hồi, đó là cuộc đua tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của VNDirect thông qua việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 12.178 lên 18.000 tỉ đồng. TCBS cũng công bố kế hoạch tăng thêm 10.000 tỉ đồng.

Còn TPBS lên phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng từ 2.000 tỉ đồng lên 4.000 tỉ đồng. Ngoài ra, danh sách dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn còn có MBS, VFS, BSC...

Ông Nguyễn Thế Minh, chuyên gia chứng khoán, cho rằng không riêng gì chứng khoán, tất các ngành nghề tăng trưởng đều có thể huy động vốn thuận lợi hơn.

Mặc dù thị trường chứng khoán năm 2022 đi xuống song theo ông Minh, mặt bằng thanh khoản vẫn cao. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi phiên 15.000 tỉ đồng, vẫn cao nhiều so với năm 2018 trở về trước.

Lãi suất tiết kiệm giảm, nhà đầu tư sẽ dồn vào chứng khoán, bất động sản?Lãi suất tiết kiệm giảm, nhà đầu tư sẽ dồn vào chứng khoán, bất động sản?

Thị trường chứng khoán, bất động sản năm 2022 khiến nhiều nhà đầu tư thấy 'sợ'. Do vậy dù giảm lãi suất tiền gửi thì cũng khó có chuyện tất tay vào các kênh này như thời điểm dịch, theo chuyên gia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên