Theo ông Trần Quang Lâm, hiện nay dự án mở rộng đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao thông An Phú đến đường vành đai 2) đã được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư công với quy mô 8 làn xe (không bao gồm đường song hành 2 bên).
Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn khảo sát. Dự kiến hai ngày nữa sẽ hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng.
Đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo tiền khả thi dự án trình thẩm định, phê duyệt dự án trong tháng 4-2025 và xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2026.
TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đầu tư mở rộng đoạn từ đường vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để đồng bộ với tiến độ khai thác sân bay Long Thành, và tiến độ khai thác dự án mở rộng đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao thông An Phú đến đường vành đai 2).
Ban Giao thông đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án mở rộng đoạn cao tốc nêu trên.
Ông Lâm cho biết thêm, sự kết nối giao thông giữa TP.HCM và Đồng Nai rất cần thêm những cây cầu, đặc biệt là cầu Cát Lái.
Hiện nay các cầu kết nối giữa hai địa phương đã được thể hiện trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và quy hoạch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
TP.HCM kiến nghị Đồng Nai sớm triển khai đầu tư cầu Cát Lái. Đồng thời, hai địa phương sẽ tiếp tục trao đổi, thống nhất kế hoạch và quy chế phối hợp làm cầu Phú Mỹ 2, cầu Long Thành 2 trong thời gian tới.
"TP.HCM cũng đầu tư gần 10.000 tỉ đồng để xây dựng thêm đường liên cảng, nối từ hướng Cát Lái đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, vành đai 3. TP.HCM sẽ sớm khởi công, dự kiến vào năm sau. Từ đó tăng tính kết nối giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương", ông Lâm nói.
Liên quan vấn đề trên, ông Võ Tấn Đức - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết trong buổi làm việc mới đây tại Đồng Nai, Thủ tướng đã gợi ý thêm phương án làm hầm ngầm nối giao thông ở Cát Lái.
Đến nay, tỉnh Đồng Nai đang nghiên cứu cả hai phương án là làm cầu và hầm ngầm để gửi TP.HCM, xem xét và để thống nhất trong quý 2 này.
Còn đối với việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, ông Đức cho rằng đây là dự án rất cấp bách. Đồng Nai kiến nghị TP.HCM nhanh chóng phối hợp với các cơ quan thẩm quyền, tỉnh Đồng Nai để sớm khởi công dự án. Từ đó đồng bộ khai thác với sân bay Long Thành trong năm 2026.
Đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn ứ
Đoạn đường từ nút giao thông An Phú đến đường vành đai 2 là một phần của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, có vai trò là tuyến kết nối chính giữa cao tốc Bắc - Nam với TP.HCM.
Theo thống kê, từ khi đưa vào khai thác đường cao tốc đến gần cuối năm 2024, lượng xe đi lại liên tục tăng cao (trung bình 11-12%/năm), dẫn đến quá tải. Vì vậy, việc TP.HCM bố trí vốn đầu tư đoạn đường dẫn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 là rất cần thiết và cấp bách.
Đầu tư đường ven sông Sài Gòn
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay đường ven sông Sài Gòn đã có trong quy hoạch của TP.HCM và Đồng Nai.
Đường ven sông Sài Gòn qua tỉnh Tây Ninh (DT789) đang được đầu tư, dự kiến đưa vào khai thác năm 2025. TP.HCM đã dự kiến đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn trong giai đoạn 2025-2030.
Về vấn đề này, UBND TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch và quy chế phối hợp triển khai đầu tư để tăng kết nối giao thông, giảm ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận