08/01/2020 11:48 GMT+7

Quốc hội Iraq đòi Mỹ rút quân: Có dễ không?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Iraq và Mỹ đã ký kết hiệp định về sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq. Muốn quân đội Mỹ ra đi, Iraq phải ban hành đạo luật mới. Tiến sĩ luật Majida Sanaan Ismael nhận định Iraq khó làm được như thế trong tương lai gần.

Quốc hội Iraq đòi Mỹ rút quân: Có dễ không? - Ảnh 1.

Các binh sĩ Mỹ huấn luyện cho tân binh Iraq ở Baghdad - Ảnh: AFP

Ngày 5-1-2020, Quốc hội Iraq bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ xúc tiến chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Iraq.

Trả lời hãng thông tấn Sputnik (Nga), Tiến sĩ Samir Ghattas - chủ tịch Diễn đàn Nghiên cứu chiến lược và an ninh Trung Đông (Ai Cập), giải thích: Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu triển khai tại Iraq theo yêu cầu của Iraq theo đạo luật số 52-2008, vì vậy theo Hiến pháp Iraq, Iraq chỉ có thể ban hành một đạo luật khác để hủy bỏ đạo luật trên.  

Hiệp định khung chiến lược Mỹ-Iraq (SFA)

Tháng 11-2008, Quốc hội Iraq đã phê chuẩn hai hiệp định quan trọng với chính quyền Mỹ.

Một là Hiệp định về quy chế lực lượng Mỹ tại Iraq (SOFA). Hiệp định SOFA mang tính chất ràng buộc về pháp lý, xác định sự hiện diện tạm thời và hoạt động của các binh sĩ Mỹ, vấn đề bảo vệ then chốt, quyền hạn hoạt động và thời hạn quân đội Mỹ rút khỏi Iraq.

Hiệp định SOFA chỉ có hiệu lực trong ba năm, theo đó quân đội Mỹ phải rút khỏi Iraq vào cuối năm 2011.

Hai là Hiệp định khung chiến lược Mỹ-Iraq (SFA), hay còn gọi là Hiệp định Hữu nghị và hợp tác giữa Iraq và Mỹ.

Hiệp định SFA bao trùm nhiều lĩnh vực rộng hơn, liên quan đến hợp tác song phương lâu dài giữa hai nước về chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, năng lượng và thực thi pháp luật.

Hiệp định quy định sự hiện diện tạm thời của các lực lượng quân sự Mỹ theo yêu cầu của Iraq và tôn trọng hoàn toàn chủ quyền Iraq.

Hiệp định nêu rõ Mỹ không thể sử dụng lãnh thổ, không phận và không gian biển của Iraq để tấn công nước thứ ba. Ngoài ra, Mỹ cũng không được xây dựng căn cứ thường trực.

Quốc hội Iraq đòi Mỹ rút quân: Có dễ không? - Ảnh 2.

Phiên họp đặc biệt của Quốc hội Iraq ngày 5-1-2020 đòi đuổi quân đội nước ngoài khỏi Iraq - Ảnh: AFP

Một năm sau, thông báo mới có hiệu lực

Theo Hiệp định SFA, một trong hai bên tham gia SFA có thể chấm dứt hoặc sửa đổi các điều khoản thỏa thuận căn cứ một số biện pháp pháp lý và Hiến pháp.

Điều 11 của SFA quy định bất kỳ bên nào trong SFA có ý định chấm dứt thỏa thuận phải thông báo cho bên kia bằng văn bản và việc chấm dứt thỏa thuận chỉ có hiệu lực một năm sau ngày thông báo.

Ngoài ra, các điều khoản của SFA có thể được sửa đổi nếu có thỏa thuận bằng văn bản của các bên và theo thủ tục hợp hiến có hiệu lực của hai nước.

Như vậy nếu hiện tại Iraq muốn chấm dứt hiệp định SFA thì phải một năm sau quân đội Mỹ mới rút.

Tiến sĩ luật Majida Sanaan Ismael (Đại học Liverpool, Anh) giải thích rằng Quốc hội Iraq có thể bỏ phiếu thông qua một dự luật chấm dứt hoặc hạn chế sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq, tuy nhiên quá trình này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Muốn đạt kết quả bỏ phiếu, các nhóm chính trị trong Quốc hội Iraq phải đạt đồng thuận. Các nhóm dòng Hồi giáo Shiite có thể muốn hủy bỏ hiệp định SFA nhưng nhóm người Kurd muốn tôn trọng SFA còn nhóm dòng Hồi giáo Sunni cũng cần SFA để bảo đảm an ninh cho các khu vực được giải phóng khỏi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Quốc hội Iraq đòi Mỹ rút quân: Có dễ không? - Ảnh 3.

Lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú trong vùng Xanh ở Baghdad - Ảnh: QUÂN ĐỘI MỸ

Có luật, thực hiện cũng không dễ  

Tiến sĩ Samir Ghattas cho biết bởi thế trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Iraq hôm 5-1-2020, các nhóm của người Sunni và người Kurd đều vắng mặt.

Ông giải thích: "Họ hiểu rằng đây chỉ là đề nghị yêu cầu quân đội nước ngoài rút quân chứ không có một dự luật nào chứng minh tính chất nghiêm trọng đến mức phải yêu cầu rút quân".

Theo Tiến sĩ Majida Sanaan Ismael, cho dù Quốc hội Iraq có thông qua được một dự luật về quân đội Mỹ rút khỏi Iraq, việc thực hiện chắc chắn cũng không dễ dàng.

Nếu là nghị quyết của Quốc hội thì nghị quyết không mang tính chất ràng buộc với chính phủ nên sẽ không được tôn trọng.

Nếu đó là đạo luật mới, hậu quả nghiêm trọng về chính trị, tài chính và an ninh sẽ xảy ra, thậm chí dẫn  đến khả năng Mỹ sẽ trừng phạt Iraq.

Khả năng thứ ba là chính phủ Iraq phản đối tính hợp hiến của đạo luật mới đó trước tòa án tối cao liên bang và tòa án phán quyết ngăn chặn ban hành luật.

Nói chung, con đường pháp lý để chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq là không thể, ít nhất trong tương lai gần. Mọi nỗ lực vận động về pháp lý để chấm dứt hiệp định SFA cần phải được xem xét cẩn thận về các hậu quả chính trị, tài chính và an ninh.

Sự thật về cờ đỏ máu "lần đầu treo" trên thánh đường ở Iran Sự thật về cờ đỏ máu 'lần đầu treo' trên thánh đường ở Iran Mỹ và Iran nếu có đụng độ thì là ở... Iraq Mỹ và Iran nếu có đụng độ thì là ở... Iraq Iran tuyên bố xem xét 13 kịch bản trả đũa Mỹ vì ám sát tướng Soleimani Iran tuyên bố xem xét 13 kịch bản trả đũa Mỹ vì ám sát tướng Soleimani
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên