Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Shik tuyên bố khai mạc phiên toàn thể bất thường lúc 0h47 ngày 4-12 (giờ Hàn Quốc, tức 22h47 ngày 3-12 theo giờ Việt Nam).
"Không một người dân nào mong đợi tình huống này và rất khó để thống nhất về việc có nên áp dụng thiết quân luật hay không. Quốc hội cũng muốn ứng phó vấn đề này một cách khẩn cấp", ông Woo giải thích.
Hiến pháp Hàn Quốc quy định: "Khi Quốc hội yêu cầu dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật với sự chấp thuận của đa số nghị sĩ đã đăng ký, Tổng thống sẽ dỡ bỏ nó". Nếu phiên họp toàn thể được tổ chức, Đảng Dân chủ đối lập với 170/300 ghế mới đủ sức yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật.
Các binh sĩ và cảnh sát trước đó đã ngăn cản người vào bên trong Nhà Quốc hội, tạo nên cảnh hỗn loạn tại địa điểm, theo truyền thông Hàn Quốc. Tuy nhiên vẫn có quá bán số nghị sĩ Hàn Quốc vào được bên trong để tham dự phiên họp bất thường.
Tình hình nóng ở Hàn Quốc khi có lệnh thiết quân luật khẩn cấp
Không lâu sau khi khai mạc phiên họp, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Theo tường thuật trực tiếp của Đài KBS, chỉ có 190 trong tổng số 300 nghị sĩ Hàn Quốc có mặt tại phiên họp diễn ra bên trong Nhà Quốc hội.
190/190 nghị sĩ có mặt bỏ phiếu tán thành nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật, nhấn mạnh động thái của Tổng thống Yoon là vô hiệu.
"Theo nghị quyết của Quốc hội, Tổng thống phải ngay lập tức dỡ bỏ thiết quân luật. Tuyên bố thiết quân luật hiện không còn hiệu lực. Tôi mong người dân yên tâm. Quốc hội sẽ làm việc với nhân dân bảo vệ nền dân chủ", Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc nhấn mạnh.
Cũng tại Nhà Quốc hội, ông Woo tuyên bố tất cả các binh sĩ thực thi thiết quân luật đều đã rời đi sau khi nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ tình trạng này được Quốc hội thông qua.
Theo Yonhap, có 172 nghị sĩ Đảng Dân chủ đối lập và 18 nghị sĩ Đảng Quyền lực nhân dân của Tổng thống Yoon đã tham dự phiên họp. Nghị quyết được tất cả nghị sĩ có mặt thông qua, đồng nghĩa 18 nghị sĩ của Đảng Quyền lực nhân dân cũng ủng hộ phe đối lập.
Không có bình luận hay phản ứng ngay lập tức từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hay Bộ chỉ huy Thiết quân luật.
Trong thông báo trước đó vào đêm 3-12, Đại tướng Lục quân Park An Su nhấn mạnh mọi hoạt động chính trị, bao gồm hoạt động của Quốc hội, hội đồng địa phương và các đảng phái chính trị, hiệp hội chính trị, các cuộc mít tinh và biểu tình đều bị cấm.
Lãnh đạo đảng cầm quyền Hàn Quốc: Tuyên bố thiết quân luật là vi hiến
Phát biểu sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật, lãnh đạo Đảng Quyền lực nhân dân, ông Han Dong Hoon, nhấn mạnh việc tuyên bố thiết quân luật trước đó là "vi hiến và bất hợp pháp". "Tuyên bố đưa ra tối qua đã mất hiệu lực do quyết định của Quốc hội", ông Han khẳng định.
"Với tư cách là đảng cầm quyền, chúng tôi rất tiếc khi xảy ra tình huống như vậy", ông Han nói, ám chỉ việc Tổng thống Yoon tuyên bố tình trạng thiết quân luật.
Cũng theo ông Han, do tuyên bố tình trạng thiết quân luật đã vô hiệu, việc quân đội và cảnh sát thực thi các yêu cầu dựa trên thiết quân luật là "bất hợp pháp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận