Bộ luật lao động mới sẽ có nhiều điều thuận lợi hơn cho lao động nữ. Trong ảnh: nữ công nhân trong công đoạn lắp ráp bóng đèn tại một công ty ở KCN Đồng An, Bình Dương - Ảnh minh họa: T.T.D.
Cùng với đó là những đổi mới về ngày, giờ nghỉ, lương thưởng và chính sách ưu tiên cho lao động nữ.
Bộ luật lao động (BLLĐ) năm 2019 có hiệu lực từ 1-1-2021 với nhiều thay đổi thuận lợi hơn cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định hơn.
Ngày giờ nghỉ, lương và thưởng có gì khác?
Người lao động làm việc từ 6 giờ trở lên trong một ngày được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục. Với người lao động làm việc theo ca, thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
Sắp tới, người lao động sẽ có 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh và nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong năm lên 11 ngày. Bộ luật mới cũng đã thêm trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương. Đó là khi cha nuôi, mẹ nuôi chết, người lao động được nghỉ 3 ngày.
Điều 94 của bộ luật này có đổi mới về nguyên tắc trả lương. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp có thể ủy quyền cho người khác nhận lương thay cho mình. Về thưởng, luật mới này cũng đã thay khái niệm "tiền thưởng" bằng "thưởng". Theo đó, người lao động có thể nhận thưởng bằng tiền, hiện vật hoặc hình thức khác.
Một trong những điểm mới của BLLĐ năm 2019 là việc mở rộng khái niệm hợp đồng lao động (HĐLĐ). Điều 13 BLLĐ này có quy định: "Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động".
Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), quy định này giải quyết vấn đề thực tế là người sử dụng lao động trốn tránh nghĩa vụ bảo đảm cho người lao động (NLĐ) các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... bằng các loại hợp đồng dịch vụ, hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng tư vấn, hợp đồng đại lý...
Theo luật mới, giờ nghỉ giữa ca của công nhân được tính vào giờ làm việc. Trong ảnh: giờ nghỉ trưa của công nhân một công ty thủy sản ở An Giang - Ảnh: KHÔI NGUYÊN
Ký hợp đồng lao động: thuận tiện hơn
Điều 14 BLLĐ năm 2019 thừa nhận hình thức giao kết HĐLĐ bằng văn bản thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như HĐLĐ bằng văn bản.
Bình luận về điểm này, luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khi khoa học, công nghệ phát triển thì HĐLĐ không chỉ thể hiện qua văn bản, lời nói mà còn qua phương tiện điện tử theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử.
Quy định mới đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại, mang lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp lẫn người lao động như đảm bảo người lao động được ký HĐLĐ đúng thời gian, không phụ thuộc vào người ký, giữ dấu của doanh nghiệp; tiết kiệm chi phí về con người và thời gian, dễ dàng quản lý, lưu trữ hồ sơ...
BLLĐ cũ không có điều luật riêng quy định thẩm quyền ký kết HĐLĐ, mà được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, gây khó khăn cho việc thực hiện pháp luật và không đồng bộ với nhiều luật khác.
Khắc phục bất cập này, điều 18 BLLĐ 2019 quy định riêng điều 18 quy định thẩm quyền giao kết HĐLĐ, cụ thể cho phép người sử dụng lao động được ủy quyền theo quy định của pháp luật để ký kết HĐLĐ (người được ủy quyền giao kết HĐLĐ không được ủy quyền lại).
Lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới. Đó là một quyền lợi lao động nữ được hưởng theo BLLĐ năm 2019.
7 trường hợp người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng
Điều 35 BLLĐ năm 2019 bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi tối đa cho người lao động. Thay vì phải tuân thủ nghiêm ngặt việc thông báo trước khi chấm dứt hợp đồng, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước nếu thuộc các trường hợp sau:
* Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận.
* Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn.
* Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, bị cưỡng bức lao động.
* Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
* Lao động nữ đang mang thai làm việc trong môi trường có ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
* Đủ tuổi nghỉ hưu.
* Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ.
Nghỉ 5 ngày không lý do có thể mất việc
Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên có thể mất việc. Đó là một điểm đáng lưu ý trong luật mới có quy định về quyền chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động.
Ý kiến về vấn đề này, chị Trần Thị Ngọc Tâm - giám đốc Công ty TNHH DTG Tiền Giang - nói: Hiện có tình trạng nhiều người lao động tùy ý nghỉ làm không báo trước. Việc này gây nhiều khó khăn trong việc bố trí nhân sự thay thế, ảnh hưởng quy trình công việc chung.
"Ví dụ như đơn vị chúng tôi đang chăn nuôi theo hình thức tự động hóa, đội ngũ công nhân được đào tạo để làm việc theo từng khâu, mỗi công nhân phụ trách một mắt xích trong dây chuyền, nếu một người nghỉ không báo trước sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công việc chung.
Quy định 5 ngày nghỉ việc không có lý do có thể bị đuổi việc là hợp lý, không phải nặng nề. Có những vị trí công việc chỉ cần vắng 3 ngày đã phải tìm người thay thế. Quy định này hi vọng sẽ nâng cao kỷ luật làm việc theo hướng chuyên nghiệp hơn, trách nhiệm hơn với công việc chung".
Đ.THUẦN
Sa thải ngay với người quấy rối tình dục
Bộ luật lao động mới về việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đã bổ sung thêm hành vi "quấy rối tình dục tại nơi làm việc".
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo luật này là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được chấp nhận. Tuy nhiên, với định nghĩa như thế này rất khó để xác định được hành vi nào là quấy rối tình dục.
Ngoài ra, nạn nhân rất khó thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, nếu có chứng cứ là băng ghi âm hoặc hình ảnh về các hành vi, lời nói gợi dục, sờ mó, đụng chạm vào vùng nhạy cảm..., người lao động có thể tố cáo theo quy định.
T.MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận