15/05/2019 15:53 GMT+7

Người lao động góp ý kiến về tuổi nghỉ hưu và quấy rối tình dục

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - 'Giờ tôi 48 tuổi, tay nghề, năng lực có nhưng mắt tôi mờ rồi, xương khớp cũng rệu rã làm việc đã thấy không theo kịp, muốn nghỉ hưu sớm. Tôi đại diện cho hơn 10.000 công nhân may xin kiến nghị xem xét việc không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu'.

Người lao động góp ý kiến về tuổi nghỉ hưu và quấy rối tình dục - Ảnh 1.

Tổng Liên đoàn lao động VN hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, người lao động về dự thảo Luật lao động ngày 15-5-Ảnh: Đ.BÌNH

Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu Hiền, công nhân may tại Công ty may ở Thái Nguyên, và cũng trùng với nhiều ý kiến khác của một số người lao động tham gia Hội thảo lấy ý kiến dự thảo bộ luật lao động (sửa đổi) do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) tổ chức ngày 15-5.

Không tăng tuổi nghỉ hưu?

Theo bà Hiền, công ty của bà có hơn 10.000 lao động, chủ yếu là nữ công nhân thường "ngồi may 8 tiếng/ngày, ảnh hưởng đến xương, khớp nên khó đáp ứng được tuổi nghỉ hưu 60 như dự thảo luật đưa ra".

"Liệu chúng tôi theo được đến 60 tuổi để nghỉ hưu không? Tôi đại diện cho hơn 10.000 công nhân công ty tôi xin kiến nghị không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nữ", bà Hiền phát biểu.

Chị Phạm Hải Hà, công ty điện tử tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội, cho biết công ty có hơn 6.000 lao động, trong đó 90% là nữ công nhân.

Trước khi tới hội thảo, chị Hà đã phát phiếu thăm dò gửi tới 400 người lao động ở tất cả lao động ở các công đoạn của công ty, kể cả khối quản lí, văn phòng.

Kết quả trong 400 phiếu thu về, chỉ có 2 phiếu của lao động nữ đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu nữ và 5 phiếu của lao động nam đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu.

Bà Đinh Bích Hà, phó hiệu trưởng trường mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị, cho biết ngay khi dự thảo bộ luật đưa ra, trong đó có việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu với lao động nữ, các giáo viên trong trường cho rằng giáo viên mầm non làm việc sau 55 tuổi là rất khó khăn.

Bà Bích Hà đã công tác 15 năm tại trường và chưa từng chứng kiến cô giáo mầm non tại trường nghỉ hưu ở tuổi 55 mà luôn nghỉ sớm hơn.

Nghe các ý kiến người lao động trực tiếp, bà Hà Thị Thanh Vân, Học viện phụ nữ VN, cho rằng "tuổi nghỉ hưu cần qui định theo lĩnh vực ngành nghề chứ không chỉ theo giới".

Người lao động góp ý kiến về tuổi nghỉ hưu và quấy rối tình dục - Ảnh 2.

Chị Phạm Hải Hà (công ty điện tử tại Khu công nghiệp Thăng Long - Hà Nội) phát biểu tham luận - Ảnh: V.D

Chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc: rất khó

Theo TS Dương Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, tình trạng quấy rối tình dục hiện rất phức tạp, không thể xử lý được, quấy rối tình dục thường là chỉ 2 người nên người bị quấy rối thường rất khó trong việc chứng minh hành vi quấy rối của người kia để tố cáo.

"Phải có cơ chế để chuyển nghĩa vụ chứng minh của người tố cáo hành vi quấy rối tình dục thành nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động", TS Mai đề xuất. Bởi theo TS Mai, trong Luật Hình sự thì bị can, bị cáo không có trách nhiệm chứng minh mà chứng minh là do cơ quan tố tụng. Vì thế phải nghiên cứu, có đề xuất.

Còn theo bà Đỗ Ngân Bình, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Trường ĐH Luật Hà Nội, phòng, chống quấy rối tình dục phải quy định là trách nhiệm của các doanh nghiệp.

Theo bà Bình, hiện nay các doanh nghiệp cũng muốn xử lý triệt để vấn đề này, nhưng khổ nỗi doanh nghiệp không thể làm được vì hiện không có bất cứ văn bản, quy định nào liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

"Việc chứng minh hành vi quấy rối tình dục đã khó, việc xử lý càng khó hơn. Quấy rối tình dục thường là chỉ 2 người, có thể tại nơi làm việc, cũng có thể xảy ra trên đường đi công tác, đi làm. Thậm chí trong các hoạt động tập thể của doanh nghiệp. Vậy trong luật chỉ quy định "tại nơi làm việc" thì cũng không bao quát được hết", bà Bình băn khoăn.

Các ý kiến cho rằng dấu hiệu hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc cần phải quy định rõ trong một nghị định, vì không thể đưa hết vào trong luật được. Trong nghị định cần phải quy định rõ các hành vi, tính chất, dấu hiệu quấy rối tình dục. Phạm vi "nơi làm việc" cũng cần đưa ra đầy đủ, kể cả trên đường đi về công tác, trong chuyến công tác...

2021 có thể bắt đầu áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu 2021 có thể bắt đầu áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu

TTO - Theo ông Doãn Mậu Diệp, thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, có thể sẽ bắt đầu áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 tới và mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi đạt tuổi nghỉ hưu theo quy định mới.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên