Nhóm sinh viên Hà Nội đưa ra các thông điệp về bình đẳng giới, an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Ảnh: HÀ THANH
Ngày 13-3, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức đối thoại với sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
Tham dự đối thoại có bà Nguyễn Thị Thu Hà - chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong, bà Eliza Fernader Saenz - trưởng Văn phòng UN Women cùng 40 đại diện người khuyết tật và gần 500 sinh viên Hà Nội.
"Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu"
Mở đầu đối thoại, ban tổ chức đặt câu hỏi "có nên hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục?". Trong hội trường xôn xao hai luồng ý kiến: 482 cánh tay ủng hộ, 15 cánh tay phản đối.
Đại diện nhóm phản đối, một sinh viên nêu định kiến xã hội từ trước đến nay "làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu", cho rằng định kiến này là không thể phủ nhận. Thậm chí nạn nhân bị quấy rối còn xem đó là lời trêu đùa, mua vui thì không tồn tại căn cứ, tính chất đích đáng đủ để đưa hành vi này vào Bộ luật hình sự.
"Người thực hiện hành vi quấy rối tình dục tin rằng hành vi của họ không bị phát giác, không bị luật pháp răn đe. Do đó, theo chúng tôi, giáo dục ý thức các đối tượng xã hội sẽ tốt hơn các hình phạt răn đe", nhóm này nêu ý kiến.
Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đối thoại với sinh viên về bình đẳng giới, an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Ảnh: HÀ THANH
Không đồng tình với định kiến mà nhóm phản đối nêu ra, bạn Nguyễn Huy Phúc, sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng cần thay đổi định kiến trên.
Ủng hộ quan điểm hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục, Huy Phúc chỉ ra tính nguy hiểm của hành vi quấy rối tình dục, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, cảm xúc của nạn nhân.
"Hình sự không chỉ trừng phạt mà còn có thể ngăn ngừa các hành vi", Huy Phúc nói.
Tiếp tục giữ quan điểm không nên hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục, các bạn trẻ đưa ra một số giải pháp như người thực hiện hành vi quấy rối có thể tham gia phiên hòa giải với nạn nhân, tham gia các lớp giáo dục hành vi và tuyên truyền phòng chống quấy rối tình dục.
Biện pháp này còn giúp hàn gắn tổn thương tinh thần của nạn nhân, không để nạn nhân phải nhớ lại những hành vi "như trải qua việc bị quấy rối một lần nữa".
Sinh viên đưa ra 9 hành vi được cho quấy rối tình dục:
1. Mút chuột, huýt sáo, bình luận hoặc có cử chỉ gợi dục
2. Cố tình đụng chạm
3. Kéo, giật, tuột quần áo, để lộ bộ phận cơ thể nhạy cảm
4. Gửi tin nhắn có nội dung khiêu dâm
5. Nói chuyện, kể chuyện tình dục mà người khác không muốn nghe
6. Ép nhìn hoặc phô bày bộ phận sinh dục
7. Liên tục đeo bám, theo dõi
8. Quay phim, chụp ảnh vì mục đích tình dục khi không được đồng ý
9. Đề nghị quan hệ tình dục không mong muốn
Đang yêu thì xảy ra bạo lực, giải pháp nào?
Bước sang phần đối thoại, Nguyễn Thị Doãn Na, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, băn khoăn đã có Luật phòng, chống bạo lực gia đình, tuy nhiên với những người đang yêu nhau, chưa kết hôn nhưng bạo lực vẫn xảy ra thì có giải pháp nào cho những trường hợp này?
Giải đáp thắc mắc của sinh viên, theo bà Elisa Fernandez Saenz - trưởng Văn phòng UN Women - việc xảy ra hành vi bạo lực ngay khi còn hẹn hò là không thể chấp nhận. Điều này thể hiện sự kiểm soát bất bình đẳng trong mối quan hệ, tuy nhiên hiện vẫn chưa có dữ liệu chính thức giải quyết vấn đề này.
UN Women đưa ra 16 giải pháp chấm dứt bạo lực - Ảnh: HÀ THANH
Đưa ra kết quả khảo sát với một nhóm bạn nữ về tình trạng bạo lực khi đang hẹn hò, bà Elisa cho biết có đến 60% bạn nữ phải trải qua hình thức bạo lực này dưới các góc độ kinh tế, tình dục, thể xác, công nghệ (tin nhắn, hình ảnh tế nhị công bố trên mạng xã hội).
"Bạo lực hẹn hò xảy ra khiến nạn nhân tự ti, thậm chí đã xảy ra hành vi tự tử", vị đại diện UN Women nói.
Theo bà, các bạn trẻ cần chung tay giải quyết vấn đề này như tham gia vào chiến dịch, chương trình giáo dục về nâng cao kỹ năng để giải quyết vấn đề, tránh xung đột, tham gia tích cực vận động chính sách thông qua chia sẻ câu chuyện bản thân, nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận