Ngư dân xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên đưa tàu vào bờ trú gió bão - Ảnh: ĐỨC TÀI
Sáng 7-10, theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, từ ngày 5-10 đến 7-10 các địa phương trong tỉnh đã có mưa vừa đến mưa to, tổng lượng mưa phổ biến trên 100mm, có nơi cao hơn như hồ Việt An 128mm, hồ Phú Ninh 129mm,Trà Giáp (huyện Bắc Trà My) 147mm, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) 128mm.
Tính đến sáng nay, toàn tỉnh Quảng Nam còn hơn 5.000 hecta lúa nước và lúa rẫy của người dân chưa thu hoạch, nguy cơ hư hại trong đợt áp thấp nhiệt đới và mưa lũ rất cao.
Dự báo sắp tới các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150 - 250mm, có nơi trên 300mm.
Bán tháo cá, neo cột tàu thuyền
Sáng 7-10, nhiều tàu cá của ngư dân xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam đã cập đất liền tránh trú áp thấp nhiệt đới.
Ngư dân đưa tàu thuyền vào bờ, vận chuyển hải sản ra ngoài - Ảnh: ĐỨC TÀI
Anh Nguyễn Văn Hai (40 tuổi, thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa) cho biết sau khi nghe thông tin áp thấp nhiệt đới trên biển, anh đã cho tàu cá nhanh chóng vào bờ để tránh trú.
Sau khi vào đất liền, ngư dân cùng người thân hối hả đưa cá vừa đánh bắt được đưa lên bờ bán cho thương lái đang chờ sẵn. "Trời mưa gió, cá không bảo quản được lâu nên chấp nhận bán giá thấp hơn cho thương lái" - anh Hai nói.
Nhiều hộ dân khác có ghe, thuyền thúng cũng nhanh chống dọn dẹp di chuyển lên bờ, neo cột cẩn thận để tránh gió bão.
Đưa tàu thuyền vào bờ tránh trú - Ảnh: ĐỨC TÀI
Mưa lớn, kéo dài cũng làm cho đoạn đường dài 600m của tuyến đường ĐH8 (thôn Trung Toàn) và tuyến đường (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) nước dâng cao ngập sâu.
Di dời, sơ tán dân
Tại miền núi, chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, ông Trần Duy Dũng đã yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó.
Triển khai ngay phương án sơ tán, tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc để hạn chế thiệt hại do mưa lũ, hoàn thành trước 17h ngày 7-10.
Công an, quân sự bố trí lực lượng và phương tiện sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và giúp dân di dời ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm.
Lực lượng dân quân xã Phước Thành, huyện Phước Sơn làm cầu tạm qua đoạn ngập nước cho người dân, học sinh qua lại - Ảnh: VĂN CỚT
Huyện Phước Sơn cũng yêu cầu các cơ quan, địa phương chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lớn, chú ý thực hiện nghiêm công tác di dời sơ tán dân để đảm bảo an toàn cho mọi tình huống thiên tai xảy ra.
Ông Hồ Văn Cớt - chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã Phước Thành, huyện Phước Sơn - cho biết do mưa lớn, nước tràn qua chảy xiết ở một con suối tại thôn 4 gây khó khăn cho việc đi lại.
Lực lượng quân sự, dân quân đã phải làm cầu tre bắc tạm qua để cho người dân, học sinh đi lại an toàn.
Làm cầu tạm bắc qua suối ở xã Phước Thành - Ảnh: VĂN CỚT
Một đoạn đường bị nước tràn qua ở xã Phước Thành - Ảnh: VĂN CỚT
Ghe đánh cá của ngư dân ở xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ được đưa vào sát bờ tránh gió bão - Ảnh: LÊ TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận