20/04/2016 08:05 GMT+7

Quận trung tâm Sài Gòn quy hoạch hàng rong: lo giờ giấc

QUANG KHẢI - NGỌC HÀ (quangkhai@tuoitre.com.vn)
QUANG KHẢI - NGỌC HÀ (quangkhai@tuoitre.com.vn)

TTO - Người buôn bán hàng rong khu vực trung tâm TP.HCM dự kiến được tập trung trên một số tuyến đường ở Q.1 để buôn bán nhằm chấn chỉnh nạn chèo kéo du khách, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhiều nhân viên văn phòng mua hàng rong và ngồi ăn trưa tại góc đường Nguyễn Văn Chiêm 
- Phạm Ngọc Thạch (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Quang Khải
Nhiều nhân viên văn phòng mua hàng rong và ngồi ăn trưa tại góc đường Nguyễn Văn Chiêm - Phạm Ngọc Thạch (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Quang Khải

Việc thí điểm bán hàng rong tập trung sẽ được tổ chức trong một tháng. Sau đó, UBND quận sẽ thăm dò dư luận để nhận phản hồi từ khách hàng, người dân nhằm hoàn thiện mô hình và triển khai tại các phường khác của Q.1

Bà NGUYỄN THỊ THU HƯỜNG, phó chủ tịch UBND Q.1

UBND Q.1 dự kiến triển khai thí điểm việc này ngay trong tháng 4.

Hai khu vực bán hàng rong

Theo UBND Q.1, trước mắt quận thực hiện thí điểm cho người bán hàng rong trên tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm (gồm khu vực Nguyễn Văn Chiêm - Phạm Ngọc Thạch và khu vực Nguyễn Văn Chiêm - Hai Bà Trưng) và khu vực công viên cảng Bạch Đằng (đối diện số 18-20 Tôn Đức Thắng).

Các khu vực này sẽ được chia thành nhiều ô, người dân được buôn bán ở những khu vực này từ 6g-8g và từ 11g-13g mỗi ngày.

Theo kế hoạch của UBND Q.1, các hộ dân được bố trí bán hàng tại đây là những hộ dân khó khăn, đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn quận (danh sách do Phòng lao động - thương binh và xã hội quận tham mưu).

Các hộ kinh doanh theo giờ ở các khu vực này phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên liệu chế biến phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, người bán phải niêm yết giá và bán đúng giá, đồng thời phải bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm vệ sinh môi trường xung quanh...

Theo Phòng kinh tế Q.1, mỗi chỗ bán trên vỉa hè thí điểm dự kiến rộng khoảng 6m2, hai khu vực thí điểm nêu trên bố trí từ 50-60 chỗ. Các hộ kinh doanh tham gia buôn bán sẽ được hướng dẫn sử dụng bàn ghế, dù bạt đúng quy cách, hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm, văn hóa ứng xử và vệ sinh môi trường, cách thức phân loại và xử lý rác thải tại nguồn...

Lãnh đạo Phòng kinh tế Q.1 cũng cho biết lề đường Nguyễn Văn Chiêm rộng từ 5,5-6m, khu vực bố trí kinh doanh ăn uống theo giờ giới hạn trong phạm vi 3m từ phía trong lề đường ra. Như vậy vẫn còn khoảng trống khoảng 2,5-3m dành cho người đi bộ.

Đội trật tự đô thị của quận cũng cho biết đã khảo sát nhiều tuyến đường có lề đường rộng trên địa bàn quận. Ngoài hai khu vực thí điểm, những tuyến đường khác sẽ được đơn vị này trình để UBND quận quyết định cho thời gian sau.

UBND Q.1 cũng cho biết hiện trên địa bàn quận có 588 trường hợp buôn bán trên vỉa hè có hộ khẩu tại quận và thật sự cư trú trên địa bàn quận.

Vui vì có thêm khu ăn uống

Ngày 19-4 tại khu vực đường Nguyễn Văn Chiêm, anh Nguyễn Văn Hùng, một người dân ở đây, cho biết gần đây anh có nghe thông tin vỉa hè tuyến đường này được quy hoạch thành khu vực mua bán thức ăn sáng, trưa nên rất quan tâm.

“Mấy ngày trước thấy lực lượng của quận, phường có xuống đo vẽ nhưng tới nay chưa thấy triển khai gì. Có thêm những gian hàng thức ăn người dân sẽ có thêm lựa chọn, chứ ngày nào cũng ăn toàn bánh mì riết cũng ngán” - anh Hùng nói.

Thông tin đường Nguyễn Văn Chiêm sắp có gian hàng ăn uống là thông tin vui đối với giới văn phòng đang làm việc tại tòa nhà Diamond Plaza. Chị Thủy, một nhân viên làm việc ở đây, cho biết thường ngày chị phải đi lòng vòng các quán cà phê khu vực này để ăn trưa giá cả hơi đắt nên có hôm chị làm cơm đem theo hoặc mua cơm hộp về ăn.

“Có thêm gian hàng thức ăn sáng, trưa nữa thì tiện quá, tôi và bạn bè không còn phải lo cho chuyện ăn uống nữa, mong là thức ăn đa dạng và giá cả phải chăng thì tốt” - chị Thủy nói.

Chị Minh Anh, nhân viên một công ty gần khu vực Hồ Con Rùa, cho biết cũng rất háo hức được thưởng thức món ăn sắp mở bán ở đường Nguyễn Văn Chiêm. Chỗ chị Minh Anh làm chỉ cách đường này khoảng 300m nên đi lại cũng tiện...

Trong khi đó, chị Danh Thị Út - một người bán bún riêu, canh bún bằng xe đẩy khu vực gần đường Nguyễn Văn Chiêm - cho rằng việc cho người vào bán hàng rong ở khu vực này là tốt, nhưng giờ giấc như nói trên sẽ rất khó bán.

Theo chị Út, giới văn phòng có những người từ 7g30-8g, thậm chí có người 8g30 mới tới cơ quan nhưng giờ bán quy định từ 6g-8g. “Rất ít người đi ăn sáng trước 7g, nếu quy định chỉ bán đến 8g sẽ không có nhiều người ăn. Nhưng đến giờ có nhiều người ăn thì không còn bán được...” - chị Út nói.

Lâu nay, khu vực công viên cảng Bạch Đằng gần như bị cô lập bởi đường Tôn Đức Thắng xe cộ đông đúc. Một người chạy xe ôm ở khu vực này cho biết từ khi bến tàu tại công viên này dời qua Q.4, vào buổi sáng và trưa ít có người đến công viên, mọi người đến đây chủ yếu vào chiều tối.

Vì vậy mở gian hàng ăn uống theo giờ sáng và trưa sẽ khó hút được khách. Đó là chưa kể để tiếp cận các gian hàng ăn uống này, khách phải băng qua đường Tôn Đức Thắng xe cộ đông đúc nên nhiều người sẽ ngại.

“Theo tôi mở gian hàng ăn uống ở đây không thuận tiện mà nên chọn nơi nào để người đi bộ có thể dễ tiếp cận hơn” - người chạy xe ôm đề nghị.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết khu vực trung tâm TP không chỉ có nhân viên văn phòng mà còn lượng lớn du khách nước ngoài tham quan, tản bộ ăn uống. Vì vậy bà Tuyết rất đồng tình với chủ trương quy hoạch khu vực ăn uống một cách bài bản, vừa nâng cao mỹ quan đô thị và từng bước kiểm soát tình hình buôn bán hàng rong, chỉnh trang đô thị.

Tuy nhiên bà Tuyết cho rằng việc chọn các địa điểm đưa những người buôn bán hàng rong phải khảo sát kỹ lưỡng, tránh tình trạng “xây chợ mà người ta không bán, chỉ thích bán ở ngoài”.

Người bán hàng ăn tự cam kết an toàn thực phẩm

Một cán bộ Sở Y tế TP.HCM cho biết việc các hàng ăn được quy hoạch như kế hoạch của Q.1 là dạng thức ăn đường phố.

Theo thông tư 47 Bộ Y tế (hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống) thì những người kinh doanh thức ăn đường phố (không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) chỉ cần có cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là đủ điều kiện để bán.

Việc quản lý, kiểm tra đối với người bán thức ăn đường phố được phân cấp lại cho các quận, huyện thực hiện.

QUANG KHẢI - NGỌC HÀ (quangkhai@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên