24/09/2014 11:39 GMT+7

Quan chức Trung Quốc về hưu vẫn “làm thêm”

MỸ LOAN - ĐÔNG PHƯƠNG
MỸ LOAN - ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Trào lưu mời các lãnh đạo nghỉ hưu làm “chủ tịch độc lập” cho doanh nghiệp bắt đầu ít đi kể từ khi Trung Quốc ban hành các quy định chặt chẽ hơn.

Chen nhau chờ đến giờ thi công chức năm 2013. Nhiều người Trung Quốc vẫn cho rằng quan lộ là  cách tốt để sống an ổn - Ảnh: AFP
Chen nhau chờ đến giờ thi công chức năm 2013. Nhiều người Trung Quốc vẫn cho rằng quan lộ là cách tốt để sống an ổn - Ảnh: AFP

Tháng 4 năm nay, truyền thông Trung Quốc đưa tin đa số quan chức về hưu vẫn chọn con đường tiếp tục làm “quan” ở các doanh nghiệp lớn vì muốn duy trì ảnh hưởng và “lợi ích kinh tế”.

Nhân Dân Nhật Báo cho biết tính đến ngày 21-4, trong 100 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Trung Quốc có đến 41 cựu quan từ cấp thứ trưởng trở lên đảm trách chức chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập.

Các quan chức này có độ tuổi 65-82. Còn báo cáo năm 2012 của Tân Hoa xã thống kê có khoảng 642 quan chức chính phủ các cấp đã đến làm việc cho các doanh nghiệp sau khi về hưu, chiếm 8,45%.

Đổi chác lợi ích

Chức vụ “chủ tịch độc lập” được các doanh nghiệp lập ra nhằm phòng ngừa cổ đông và cán bộ quản lý của doanh nghiệp có thể liên kết nhau “thao túng công ty” làm tổn hại lợi ích chung của doanh nghiệp.

Nhưng đó là cách trả tiền để “mua” ảnh hưởng bởi các quan chức này phần lớn đều là những người dày dạn kinh nghiệm, có liên quan mật thiết với lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp mà họ đầu quân.

Cụ thể như chủ tịch HĐQT độc lập của Công ty Dầu khí Trung Quốc vốn là cựu chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc. Ông Lưu Hồng Nho dù đã 82 tuổi nhưng vẫn được công ty dầu khí mời gọi với mức lương 39.000 USD/năm bởi sức ảnh hưởng trong lĩnh vực chứng khoán. Thậm chí tiếng nói của ông vẫn còn nặng ký trong một số bộ phận liên quan đến việc hoạch định chính sách trong lĩnh vực này.

Hay như “chủ tịch độc lập” của Ngân hàng Quan Đạt, ông Chu Đạo Quýnh, cũng từng là chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc nhiệm kỳ sau ông Lưu. Hay như Ngân hàng Giao thông Trung Quốc đã “tuyển dụng” phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Lưu Đình Hoán vào chức vụ trên.

Lương bình quân năm của các vị “chủ tịch độc lập” này là mức lương mơ không được của người lao động Trung Quốc: từ 25.000 nhân dân tệ (NDT - 4.000 USD) đến hơn 300.000 NDT (gần 50.000 USD). Kỷ lục là cựu chủ tịch Ủy ban Lập pháp đặc khu Hong Kong, bà Phạm Từ Lệ Thái, được Công ty cổ phần năng lượng Thần Hoa Trung Quốc trả 450.000 NDT/năm.

Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp mời các cựu quan chức về làm việc sẽ tận dụng được mối quan hệ và quyền lực còn sót lại của các quan chức này. Tập đoàn khai khoáng Tử Kim thuộc huyện Thượng Hàng, tỉnh Phúc Kiến liên tục dính vào các bê bối gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, theo Tân Hoa xã, tập đoàn này vẫn không bị xử lý nhờ “tuyển dụng” nhiều quan chức huyện đã nghỉ hưu với mức lương từ hơn 10.000 NDT trở lên.

Diệt bằng luật

Ông Vương Ngọc Khải, giáo sư quản trị công ở Học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc, nhận định các doanh nghiệp thuê quan chức về hưu có thể hủy diệt sự cạnh tranh công bằng trong thị trường và những hành vi như thế có thể dẫn đến tệ nạn tham nhũng rất dễ dàng.

“Các doanh nghiệp luôn trả lương rất cao cho các quan chức về hưu. Đổi lại các quan chức này có thể sẽ đem lợi ích từ chức vụ và “mối quan hệ” mà họ có được về cho doanh nghiệp. Bởi nhiều quan chức nhà nước tuy đã về hưu nhưng vẫn còn sức ảnh hưởng rất lớn trên chính trường Trung Quốc” - giáo sư Vương nhận định.

Luật công chức của Trung Quốc quy định trong vòng ba năm sau khi về hưu, các quan chức nhà nước không được làm việc cho các doanh nghiệp kinh doanh có liên quan đến ngành nghề mà các quan chức này từng đảm nhiệm trước đó. Nhưng theo Tân Hoa xã, vì lợi ích kinh tế, giới quan chức nhà nước phần lớn đã lo kiếm cho mình một vị trí “hậu quan trường” nhằm đảm bảo nguồn thu nhập.

Từ ngày 19-10-2013, khi Ban Tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành văn bản yêu cầu cán bộ lãnh đạo nhà nước nếu chưa hoàn tất thủ tục về hưu thì không được kiêm nhiệm “chân ngoài” ở các doanh nghiệp nhà nước, đã có 60 vị “chủ tịch độc lập” từ chức vì quan ngại ảnh hưởng đến đảng tịch và bị kỷ luật.

Theo Tân Hoa xã, chỉ tính riêng trong năm 2014 đã có hàng trăm lãnh đạo nghỉ hưu tuyên bố thôi giữ chức “chủ tịch độc lập” của hơn 200 doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Số liệu trên chưa bao gồm các doanh nghiệp chưa được niêm yết.

Vào tháng 5-2014, Ban Tổ chức trung ương cho biết đã xử lý 40.700 trường hợp cán bộ lãnh đạo nhà nước làm việc trong các doanh nghiệp, trong đó đã xử lý 229 trường hợp quan chức cấp tỉnh.

Hong Kong thực hiện công khai

Chính quyền Hong Kong quy định cụ thể thời gian cấm xin việc và thời gian quản chế công chức nghỉ hưu. Theo đó, trong thời gian cấm làm việc (6-12 tháng tùy theo chức vụ), các quan chức nghỉ hưu không được “làm thêm”.

Trong thời gian quản chế (từ 2-3 năm), công chức và các thủ trưởng nghỉ hưu phải nộp đơn xin chính phủ phê chuẩn trước khi làm việc tại một doanh nghiệp hoặc tổ chức. Các quan chức tham gia làm việc sau khi nghỉ hưu còn buộc phải công khai các thông tin cơ bản về công việc trên trang web chính phủ.

Theo cục trưởng Cục Công chức Du Tông Di, quy định trên nhằm ngăn không cho các lãnh đạo lợi dụng chức vụ cũ để trục lợi, đồng thời nhằm bảo vệ hình tượng công chức Hong Kong và tránh sự khó xử cho chính phủ.

 

MỸ LOAN - ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên