17/01/2019 20:10 GMT+7

'Quá oải hội phụ huynh, không cần đưa vào Luật Giáo dục'

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang gây tranh cãi trong giới chuyên gia pháp luật, nhà quản lý giáo dục, giáo viên và cả phụ huynh khi có nội dung quy định về việc ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh.

Quá oải hội phụ huynh, không cần đưa vào Luật Giáo dục - Ảnh 1.

Nhiều đại biểu đề nghị bỏ quy định về việc ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh trong Luật Giáo dục sửa đổi - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Điều 102 về nội dung quản lý nhà nước về giáo dục của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có nội dung quy định về việc ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (còn gọi là hội phụ huynh). 

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc có ban đại diện cha mẹ học sinh hay không là sự tự nguyện, không nên thuộc nhóm đối tượng quản lý của Bộ GD-ĐT.

Có hội phụ huynh hay không không quan trọng, mà quan trọng làm thế nào phụ huynh chung tay tạo môi trường học tập tốt nhất cho con"

ThS Trịnh Anh Nguyên - phó giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn Trường ĐH Luật TP.HCM

Vai trò mờ nhạt

"Có bất cập rất lớn khi đại diện cha mẹ học sinh lợi dụng "quyền đại diện" để tạo ra các đặc quyền riêng dẫn đến lạm thu. Ví dụ lớp 30 học sinh nhưng chỉ 15 phụ huynh đồng ý đóng góp thì nửa còn lại vẫn phải đóng. Tôi ủng hộ quan điểm không cần thiết phải tồn tại ban đại diện cha mẹ học sinh", TS Thái Thị Tuyết Dung - khoa luật hành chính - nhà nước Trường ĐH Luật TP.HCM, ý kiến.

Chị Đoàn Chi (TP.HCM), người đã có trải nghiệm 8 năm với hội phụ huynh, bày tỏ chị thực sự rất "oải" với hội phụ huynh.

"Vai trò của họ chỉ thể hiện rõ nét nhất qua những buổi họp phụ huynh. Ở đó họ sẽ đọc bảng thông báo những khoản thu - chi của năm học trước và những khoản phụ huynh cần đóng trong năm học hiện tại và tiến hành thu tiền. Hội phụ huynh như thế thì tồn tại làm gì?", chị Chi đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, chị Bùi Lương Thu Anh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết hiện nay nhiều trường có sự kết nối với phụ huynh rất tốt, trong khi vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh rất mờ nhạt. 

"Ở trường con tôi có chương trình tiếng Anh tích hợp, giáo viên trực tiếp nhắn tin qua điện thoại, mạng xã hội để thông báo tình hình học tập của học sinh cho từng phụ huynh. Mỗi học kỳ còn có cuộc họp định kỳ riêng giữa giáo viên, người phụ trách chương trình với từng phụ huynh tại trường. Nếu các trường đều làm tốt được như vậy thì không cần ban đại diện cha mẹ học sinh", chị Thu Anh nói.

Cần có quy định trong luật 

Trong khi đó ông Nguyễn Hùng Khương - phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) đánh giá cao vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường.

Theo ông Khương, có thể ban đại diện phụ huynh ở mỗi trường có cách hoạt động khác nhau nhưng để hoạt động hiệu quả cần phải có sự trao đổi, phối hợp giữa ban này với lãnh đạo nhà trường.

"Tôi đề nghị vẫn giữ nguyên quy định về việc ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh trong dự thảo luật vì nếu bỏ thì còn khó quản lý hơn nữa. Nếu bỏ sẽ không thể ban hành các văn bản dưới luật quy định cụ thể điều lệ hoạt động của tổ chức này. Cần có những văn bản chính thức để hoạt động của ban này tránh sai sót", ông Khương kiến nghị.

PGS.TS Phan Nhật Thanh - phó trưởng khoa luật hành chính - nhà nước Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho rằng cần có quy định trong luật để làm rõ vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh và hỗ trợ cho hoạt động xã hội hóa giáo dục.

Bộ GD-ĐT có nên quản lý hội phụ huynh? Bộ GD-ĐT có nên quản lý hội phụ huynh?

TTO - Ban đại diện cha mẹ học sinh - còn được gọi là hội phụ huynh, thực chất là hội, đã là hội thì phải tự nguyện. Khi tự nguyện thì cớ sao lại đưa vào luật và thuộc đối tượng quản lý của Bộ GD-ĐT?

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên