TS Thái Thị Tuyết Dung cho rằng không nên đưa quy định về ban đại diện cha mẹ học sinh vào Luật Giáo dục - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Ý kiến này đã được tranh luận sôi nổi trong hội thảo khoa học cấp quốc gia góp ý các quy định về tự chủ và quản lý nhà nước trong dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) diễn ra tại Trường ĐH Luật TP.HCM ngày 16-1.
TS Thái Thị Tuyết Dung, khoa luật hành chính - nhà nước Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng hiện nay các cơ sở giáo dục tư thục không có ban đại diện cha mẹ học sinh, hay hội phụ huynh, và các trường này vẫn hoạt động bình thường.
Việc có ban đại diện này là sự tự nguyện, không nên thuộc đối tượng quản lý của Bộ GD-ĐT, nhất là trong bối cảnh xã hội phát triển về CNTT, sự liên lạc giữa gia đình và nhà trường rất thuận lợi.
PGS.TS Nguyễn Văn Vân, khoa luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng: "Ban đại diện cha mẹ học sinh thực chất là hội, đã là hội thì phải tự nguyện. Khi tự nguyện thì cớ sao lại đưa vào luật?".
Phát biểu từ góc độ là thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều năm, PGS.TS Phan Nhật Thanh, phó trưởng khoa luật hành chính - nhà nước Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng đừng nói ban đại diện để… lạm thu.
"Chúng tôi khi họp thường đề nghị về chương trình đào tạo, cách thức để học sinh học tốt hơn. Về các khoản thu, nếu không có ban thì ai sẽ là người tham gia hỗ trợ các hoạt động xã hội hóa giáo dục?
Theo tôi, nên có quy định trong luật để làm rõ vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh" - ông Thanh đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận