28/09/2017 16:56 GMT+7

'Trường lạm thu, lỗi do bộ không phải hội phụ huynh'

Nhà giáo hưu trí LÊ MINH HOÀNG
Nhà giáo hưu trí LÊ MINH HOÀNG

TTO - Vì sao trước đây cũng có hội phụ huynh nhưng không có lạm thu? Vì sao lạm thu chỉ xảy ra ở các trường nằm tại các đô thị lớn mà ở nông thôn không có?

Trường lạm thu, lỗi do bộ không phải hội phụ huynh - Ảnh 1.

Lo cho con ăn học, nhiều phụ huynh ngày nay còn phải lo các khoản "tự nguyện" đóng cho nhà trường - Ảnh: D.HÒA

Theo tôi - một nhà giáo về hưu có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm và gắn với hoạt động của hội - ban đại diện cha mẹ học sinh, để xảy ra tình trạng này là lỗi của Bộ GD-ĐT. 

Chính Bộ GD-ĐT đã thể chế hóa tổ chức này bằng việc ban hành điều lệ nhưng không lường trước được những biến tướng do lỗ hổng của chính điều lệ. 

Hội phụ huynh "tự phát", chẳng có gì xảy ra

Thực ra, trước khi Bộ GD-ĐT ban hành quyết định số 278/QĐ, ngày 21-2-1992 về ban hành Điều lệ hội cha mẹ học sinh, nhiều trường học ở nông thôn đã tự phát - tự nguyện hình thành những hội phụ huynh học sinh.

Các hội này đã cùng nhà trường vận động các nguồn lực tự nhiên có sẵn ở gia đình (chủ yếu là tranh, tre, cây, lá… ) để xây dựng, sửa chữa trường lớp, bàn ghế cho học sinh hoặc nhà tập thể cho giáo viên… 

Vì tự phát và tự nguyện nên không nhất thiết phụ huynh học sinh nào cũng tham gia hội, và lúc đó hội cũng không có điều lệ. Tất nhiên đã gọi là hội thì ai tham gia phải đóng hội phí, nhưng thực tế hội phí cũng không là bao, và không phải phụ huynh học sinh nào cũng đóng. 

Đến khi có Điều lệ 1992, các hội phụ huynh học sinh tự phát kết thúc "vai trò lịch sử", các hội viên hội phụ huynh học sinh mặc nhiên thành hội viên hội cha mẹ học sinh, điều lệ cũng quy định khá rõ ràng về phần thu chi tài chính của hội. 

Theo đó hội viên hội cha mẹ học sinh phải đóng hội phí theo thỏa thuận, ngoài ra không phải đóng thêm khoản nào nữa mà hội phải vận động sự ủng hộ của các cá nhân, đoàn thể, các đơn vị, tổ chức và cả từ trợ cấp của chính quyền địa phương các cấp. 

Với điều lệ này, chuyện lạm thu dưới danh nghĩa hội cha mẹ học sinh rất ít xảy ra, nếu có thì cũng không đáng kể. 

Hội phí thì đương nhiên là có giới hạn nhưng vẫn đủ cho hội cha mẹ học sinh từng trường hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích. Hiện nay còn rất nhiều trường hoạt động theo kiểu này và không hề có chuyện lạm thu. 

Vì sao lạm thu?

Từ sau khi Bộ GD-ĐT có Quyết định số 11/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện Cha mẹ học sinh thay cho Quyết định 55/1992 thì hiện tượng lạm thu xuất hiện và ngày càng nhiều. 

Sau đó 3 năm, Bộ lại thay thế Quyết định 11/2008 bằng Thông tư 55/2011, việc lạm thu ở các trường phổ thông, mầm non đã trở thành phổ biến với những mức độ khác nhau gây bức xúc cho xã hội. Tại sao? 

Hãy bắt đầu từ việc Bộ thay khái niệm "Hội" thành "Ban đại diện" và đi đôi với đó là Ban đại hiện được thu "kinh phí" thay vì "hội phí". 

Khái niệm "Hội" thể hiện tính tổ chức, tính cộng đồng, đồng thuận rất cao trong khi đó khái niệm "ban đại diện" lại thể hiện quyền lực nhóm. 

"Hội phí" thì mang tính danh nghĩa, hữu hạn, tượng trưng. Dù có thỏa thuận theo điều kiện kinh tế-xã hội vùng miền cụ thể nhưng chắc chắn sẽ không nhiều lắm và một năm chỉ đóng 1 lần. 

Trong khi đó "kinh phí" thì vô hạn, bao nhiêu tiền cũng được và bao nhiêu lần trong năm cũng được, cứ có nhu cầu thì có thu kinh phí. 

Một vấn đề quan trọng nữa là nguyên tắc hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Dù Bộ có quy định là ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động theo nguyên tắc "đồng thuận" nhưng trong thực tế nó được thực hiện theo kiểu "thuận ta thì sống". 

Còn nguyên tắc tự nguyện thì được áp dụng một cách máy móc, hình thức nguyên lý "tự giác là một quá trình cưỡng bức". 

Cha mẹ học sinh nào chưa đóng hoặc không đóng sẽ bị "cưỡng bức" liên tục bằng nhiều hình thức, bởi nhiều người (giáo viên chủ nhiệm, trưởng ban đại diện thậm chí là hiệu trưởng…) đến khi nào đóng mới thôi. 

Ai đeo chuông, người đó phải gỡ!

Việc cho phép ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường quyền được thu kinh phí của cha mẹ học sinh đã gây bức xúc cho cha mẹ học sinh vì họ phải tốn nhiều tiền, đóng góp kinh phí cho những nhu cầu vô lý của lớp, trường, quan trọng hơn còn gây ra nhiều hệ lụy về mặt văn hóa, xã hội...

Nó làm phát sinh sự phân hóa giai tầng, bất bình đẳng giữa các học sinh, cha mẹ học sinh trong cùng lớp; giữa lớp này với lớp khác trong cùng một trường, giữa trường này với trường khác trên một địa bàn và cả nước ta có còn chăng nguyên tắc bình đẳng trong giáo dục? 

Có một điều vô lý không thể biện minh là vì sao chuyện lạm thu chỉ xảy ra phần lớn ở các trường nằm trên những địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển như thành phố, thị xã… có cơ sở vật chất, trang thiết bị... được Nhà nước đầu tư xây dựng, mua sắm đầy đủ, trong khi rất ít, thậm chí là không xảy ra ở các trường năm trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, bãi ngang, ven biển? 

Công luận có quyền nghĩ tới những nguyên nhân tiêu cực. Tuy nhiên, theo lý mà xét thì các trường có hiện tượng lạm thu đã làm đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT. 

Nói cách khác, chính Bộ đã bật đèn xanh cho tình trạng lạm thu trong thời gian qua ở các trường học bằng quy định về việc ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền thu kinh phí. 

Ai đeo chuông thì người đó phải gỡ chuông. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã thừa nhận: 

"Hội phụ huynh được thu hội phí (chính xác là kinh phí) theo quy định điều 10. Trước những biến tướng như hiện tại, Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể bỏ quy định này để tránh hiện tượng lách luật. Việc phụ huynh muốn đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện chứ sẽ không còn quy định".

Cần thiết phải duy trì tổ chức của cha mẹ học sinh trong các trường, nhưng Bộ GD-ĐT phải sớm có quyết định sửa đổi Điều lệ Ban đại diện hay Hội cha mẹ học sinh để tổ chức này hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ vốn có của nó. 

Nhà giáo hưu trí LÊ MINH HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên