24/08/2021 05:39 GMT+7

'Quả cầu vàng' về nước cùng y bác sĩ chống dịch

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Từ bỏ công việc giáo sư tập sự và 'tấm thẻ xanh' (visa cư trú vĩnh viễn) theo diện tài năng ở Hàn Quốc, Quả cầu vàng Võ Văn Giàu lựa chọn về nước.

Quả cầu vàng về nước cùng y bác sĩ chống dịch - Ảnh 1.

Năm 2020, tiến sĩ Võ Văn Giàu là một trong 20 gương mặt tài năng trẻ được vinh danh tại Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 3 - Ảnh: NVCC

Suốt 2 tháng nay, anh cùng y bác sĩ xung phong vào đội ngũ tuyến đầu phòng chống dịch tại TP.HCM.

Thực hiện lời hứa

Không ít bạn bè, đồng nghiệp khá bất ngờ khi biết tin tiến sĩ Võ Văn Giàu đã từ bỏ công việc giáo sư tập sự khoa công nghệ nano sinh học (Trường đại học Gachon, Hàn Quốc) để về nước giảng dạy, nghiên cứu.

Ở Hàn Quốc, anh Giàu là cái tên được nhắc đến nhiều trong nhóm nghiên cứu ADAM - nơi quy tụ nhiều nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu lớn như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Quốc gia Busan, Đại học Hàn Quốc, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc.

"Nhiều tấm gương, câu chuyện về thầy cô giáo đã có thời gian dài học tập, làm việc ở nước ngoài nhưng lựa chọn trở về, tất cả xuất phát từ tâm huyết mong muốn được cống hiến cho nền khoa học nước nhà. Với tôi, câu chuyện của thầy Võ Văn Tới (cha đẻ của ngành kỹ thuật y sinh tại Việt Nam) đã thôi thúc bước chân tôi trở về", anh Giàu nhớ lại.

Đang là giáo sư tập sự, đã được cấp "tấm thẻ xanh" theo diện tài năng ở Hàn Quốc, việc quyết định trở về đối với anh thật không dễ dàng. 

Bảy năm gắn bó ở "xứ sở kim chi", anh và các cộng sự đã có hai bằng sáng chế hỗ trợ trong chẩn đoán sớm về bệnh mất trí nhớ (Alzheimer) thông qua các chỉ dấu di truyền và sự thay đổi các protein chức năng liên quan. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển thuốc để hỗ trợ trong điều trị căn bệnh này.

Nhớ lại ngày lên đường đi du học, anh tự hứa với bản thân sẽ trở về cống hiến cho nền khoa học nước nhà. Thực hiện lời hứa, tháng 5 vừa qua anh quyết tâm trở về, tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trở về đúng thời điểm thành phố đang bước vào cuộc chiến với COVID-19, tiến sĩ Giàu cùng các giảng viên, sinh viên khoa y xung phong vào tuyến đầu chống dịch. 

Mỗi ngày, nhóm giảng viên, sinh viên âm thầm đảm nhiệm công việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, hỗ trợ công tác tiêm chủng vắc xin từ sáng sớm cho đến khi hoàn thành công việc.

Anh nhớ trong một lần tham gia hỗ trợ tiêm chủng, kiểm tra thân nhiệt cho một người dân thì nhiệt độ lên đến 38,5 độ C, nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2. 

Ngay lập tức, lực lượng phản ứng nhanh khẩn trương thực hiện các quy trình khử khuẩn tại chỗ và đưa người nghi nhiễm đi cách ly theo quy định. 

Lần đầu tiên tiếp xúc với ca nghi nhiễm, anh Giàu không dám chia sẻ với gia đình vì sợ họ lo lắng, tuyệt đối tuân thủ 5K và kiểm tra sức khỏe bản thân thường xuyên. 

Mặc dù trước đó đã tham gia khá nhiều hoạt động xã hội ở Hàn Quốc, nhưng anh nói "cuộc chiến" lần này hoàn toàn khác, khó khăn và cam go hơn nhiều, do đó phải luôn vững niềm tin, sát cánh cùng đồng đội.

"Biết bao người dân đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh, bao thầy cô, đồng nghiệp, lực lượng quân đội, công an và tình nguyện viên đang căng mình trong cuộc chiến. Xông pha vào cuộc chiến này, tôi mong mỏi chung sức cùng thành phố mang lại bình yên cho người dân, cho chính bản thân và gia đình tôi" - anh quả quyết.

Khi phòng thí nghiệm đành gác lại vì dịch bệnh, chúng tôi kết hợp với các nhà khoa học đang ở nước ngoài tiếp tục duy trì các dự án nghiên cứu chạy xuyên suốt, chuẩn bị giai đoạn nghiên cứu mới tại Việt Nam.

Tiến sĩ VÕ VĂN GIÀU

Vừa chống dịch, vừa nghiên cứu khoa học

Sinh ra trong gia đình đông con với 10 anh chị em nhưng cả gia đình chỉ trông chờ vào ruộng lúa, ruộng khoai, Giàu quyết tâm học để thoát khỏi cái nghèo và nỗ lực giành suất học bổng ra nước ngoài học tập, tiếp thu những điều mới mẻ.

"28 tuổi, đang giảng dạy tại Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cùng với 5 năm kinh nghiệm làm việc về kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng tôi cảm thấy chưa đủ. Tôi cần trau dồi thêm nữa, học cao hơn nữa, tìm một hướng đi mới. 

Giành được suất học bổng ở Hàn Quốc về ngành kỹ thuật y sinh, tôi chọn đi theo hướng mới: chẩn đoán, điều trị bệnh Alzheimer. Đến bây giờ, căn bệnh này vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam", anh Giàu nhớ lại.

Nhờ kết quả nghiên cứu xuất sắc, năm 2017 anh được giữ lại trường làm giáo sư tập sự. Thời gian công tác tại Hàn Quốc, anh tích cực mở rộng, kết nối và hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua nhóm nghiên cứu về công nghệ nano sinh học. 

Anh cùng các cộng sự đã có nhiều công bố điển hình, chủ yếu tập trung nghiên cứu về các hợp chất tự nhiên có tiềm năng chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm, chống ung thư tại Việt Nam.

Tạo được tiếng vang trong cộng đồng nghiên cứu nhưng nay quyết tâm trở về, anh vừa tham gia chống dịch vừa được các thầy cô, đồng nghiệp hỗ trợ để bước đầu triển khai các nghiên cứu khoa học trong nước. 

Anh cho biết hiện đang tích cực viết thư gửi đến các quỹ xin hỗ trợ tài chính để cùng thực hiện các dự án nghiên cứu phát triển giải pháp hỗ trợ trong chẩn đoán và điều trị các bệnh mang tính thời sự liên quan như Alzheimer, ung thư, sốt xuất huyết...

Năm 2019, tiến sĩ Võ Văn Giàu là một trong 10 gương mặt nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng. Năm 2020, anh là một trong 20 gương mặt tài năng trẻ được vinh danh tại Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 3.

Anh đã có hơn 70 bài báo khoa học, các chương sách được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Vừa tới TP.HCM, người lính quân y liền đến nhà F0 khám bệnh Vừa tới TP.HCM, người lính quân y liền đến nhà F0 khám bệnh

TTO - Những cán bộ, chiến sĩ Học viện Quân y sau khi đáp xuống TP.HCM đã lăn xả ngay vào tâm dịch, điều trị bệnh nhân F0 tại nhà.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên