Phòng thí nghiệm Vũ Hán đang trở thành tâm điểm chú ý vì cuộc chiến truyền thông giữa Trung Quốc và phương Tây. Đây là phòng thí nghiệm cấp độ P4 đầu tiên của châu Á - nơi có thể chứa các loại virus dễ lây nhiễm sang người như Ebola - Ảnh: AFP
Tất cả chúng ta đều biết Trung Quốc không cho các nhà khoa học thế giới đến phòng thí nghiệm Vũ Hán để tìm hiểu những gì đã và đang xảy ra ở đó, thậm chí vào ngay lúc này khi tôi đang nói chuyện.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
Sau "phát súng" mở màn của Mỹ, một số nước phương Tây đã bắt đầu "khai hỏa" về phía Bắc Kinh.
Mỹ, Anh, Pháp hòa nhịp
Đến thời điểm hiện tại, nguồn gốc chính xác của loại virus cho đến nay khiến hơn 2,2 triệu người nhiễm bệnh trên toàn thế giới vẫn còn là bí ẩn.
Tuy nhiên, đã có những thuyết âm mưu về khả năng có bàn tay can thiệp của con người. Trung Quốc tố quân đội Mỹ mang virus đến Vũ Hán, và báo Mỹ (Fox News - kênh tin tức thân với Tổng thống Trump) ngày 15-4 dẫn các nguồn tin tố ngược rằng virus corona có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
"Có rất nhiều điều kỳ lạ xung quanh chuyện này. Nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành và chúng ta sẽ sớm biết", Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời khi được hỏi về nguồn gốc của virus corona mới ngày 17-4. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói thẳng ông nghi ngờ về số người chết vì COVID-19 ở Trung Quốc, rằng con số chắc chắn phải cao hơn Mỹ.
Cùng ngày hôm đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận Washington đang "điều tra một cách đầy đủ" về cách thức virus "xâm nhập thế giới".
Một ngày sau đó, Anh - một đồng minh của Mỹ - cũng lên tiếng về trách nhiệm của Trung Quốc trong đại dịch lần này.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thừa nhận quan hệ giữa Anh và Trung Quốc sẽ không thể bình thường như trước, sau khi COVID-19 kết thúc. Ông Raab hiện là người tạm thời điều hành chính phủ thay Thủ tướng Boris Johnson đang dưỡng bệnh vì nhiễm virus corona.
Giới quan sát nhận định tuyên bố của ông Raab cũng đồng nghĩa cánh cửa tham gia xây dựng mạng lưới 5G của Huawei đã khép lại tại Anh. Cộng đồng tình báo Anh trước đó đã đưa ra các báo cáo cảnh báo London nên cẩn trọng với yếu tố Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao và đánh giá lại quan hệ với Bắc Kinh hậu đại dịch.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron nói thẳng nếu ai đó nói Trung Quốc chống dịch tốt hơn phương Tây thì người đó "quá ngây thơ".
Trước đó, Paris cũng triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Pháp để phản đối chuyện cơ quan này đưa ra các nhận xét chê bai cách thức chống dịch của phương Tây và ca ngợi những biện pháp chống dịch của Bắc Kinh.
Trung Quốc "tiếp chiêu"
Tờ Die Welt hồi đầu tuần này khẳng định đã nhìn thấy các tài liệu nội bộ của Bộ Ngoại giao Đức, trong đó có nhắc đến việc Trung Quốc đang tích cực tiếp cận các quan chức cấp cao Đức để "nói tốt" cho Bắc Kinh trong cách thức xử lý dịch COVID-19.
Phía Trung Quốc sau đó lập tức bác bỏ cáo buộc nhưng theo các chuyên gia, trên thực tế Bắc Kinh đang tiến hành một chiến dịch truyền thông rộng lớn xung quanh vấn đề này.
Một mặt, Trung Quốc sử dụng chiến lược ngoại giao y tế để xây dựng hình ảnh một nước có trách nhiệm và chia sẻ với thế giới. Mặt khác, Bắc Kinh huy động bộ máy truyền thông để phản pháo các cáo buộc của phương Tây.
Hoàn Cầu thời báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành mũi giáo tiên phong trong cuộc chiến truyền thông với phương Tây. Nói về việc Mỹ quy trách nhiệm cho Trung Quốc phát tán virus corona, trong bài xã luận ngày 17-4, tờ này cho rằng các chính trị gia Mỹ đang chơi chiêu đổ thừa để không bị mất điểm trong mắt cử tri, rằng trong khi Mỹ đã trở thành nước có số ca nhiễm và chết vì COVID-19 nhiều nhất thế giới, không có ai ở Mỹ đứng ra nhận trách nhiệm hay bị sa thải như ở Trung Quốc.
"Người Mỹ đang mải mê với trò chơi đổ lỗi cho các nước khác và tổ chức quốc tế mà làm ngơ trước những sai lầm của chính mình" - tờ báo với phong cách diều hâu viết.
Tờ này cũng lý giải những "cáo buộc không chính đáng" hay "các nỗ lực bôi nhọ" của phương Tây xuất phát từ thực tế Bắc Kinh đang vươn lên và phương Tây bị bỏ lại phía sau bởi sự suy yếu của chính mình.
"Chiến trường" Twitter
Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng bắt đầu thể hiện thái độ quyết liệt hiếm thấy khi "Tây hóa" hơn, sẵn sàng dùng các mạng xã hội như Twitter để tuyên truyền quan điểm của Trung Quốc và "ăn miếng trả miếng" với những người chỉ trích.
Tiêu biểu trong số này là ông Triệu Lập Kiên, gương mặt mới trong dàn phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và là người đầu tiên thúc đẩy thuyết âm mưu quân đội Mỹ đã đưa virus corona mới vào Trung Quốc để đối chọi với cáo buộc Bắc Kinh phát tán virus ra toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận