16/09/2024 11:45 GMT+7

Phủ trạm sạc xe điện công cộng ở bến xe: Phải có quy chuẩn chung, mở cửa cho các nhà đầu tư

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online ủng hộ TP.HCM sớm phủ xanh xe buýt điện, tăng đầu tư trạm sạc xe điện chung vì một thành phố không khói bụi.

Phủ trạm sạc xe điện công cộng ở bến xe: Rộng cửa đón nhà đầu tư, trạm phải có quy chuẩn chung - Ảnh 1.

TP.HCM hiện có 2.209 xe buýt hoạt động, gồm 546 xe sử dụng nhiên liệu sạch (điện, CNG) và 1.663 xe buýt sử dụng dầu diesel - Ảnh: TIẾN QUỐC

Bài viết "TP.HCM sẽ phủ trạm sạc xe điện công cộng ở tất cả các bến xe" đăng tải trên Tuổi Trẻ Online vừa qua đã cung cấp hình ảnh về một trong những bước chuẩn bị để xanh hóa 100% xe công cộng trên địa bàn TP.HCM vào năm 2030.

Tại đề án chuyển đổi xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết về lộ trình, giai đoạn 2025-2030 TP dự kiến chuyển đổi 2.771 xe buýt sang sử dụng điện, bao gồm 1.108 xe được đầu tư cho các tuyến mở mới. Để đáp ứng nhu cầu sạc điện cho lượng xe buýt này, đề án đã đề xuất triển khai xây dựng 25 trạm sạc công cộng.

Trong đó, 17 trạm do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP đầu tư với 1.220,7 tỉ đồng từ ngân sách TP. 8 trạm còn lại sẽ do Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) triển khai với mức vốn hơn 800 tỉ đồng.

Các trạm do Samco triển khai được lắp đặt tại các bến như: Bến xe Miền Đông, bến xe Miền Đông mới, bến xe Miền Tây và bến xe An Sương…

Nhận xét về buýt điện, bạn đọc Việt cho rằng tuyến buýt điện D4 do Vinbus vận hành đem lại trải nghiệm khác biệt. Khách đi xe cảm thấy êm ái, hiện đại, ít khói bụi, giảm tiếng ồn nên rất ủng hộ chuyển đổi vì một TP.HCM văn minh, xanh sạch.

Một bạn đọc khác cũng bày tỏ rất ủng hộ chủ trương này, TP.HCM sẽ đi đầu trong công cuộc chuyển đôi xanh phương tiện công cộng, rồi tiến đến nhiều loại phương tiện điện khác giảm ô nhiễm, vì một thành phố không khói bụi cho người dân.

Đồng thời kiến nghị các đơn vị nghiên cứu, tăng cường hỗ trợ chính sách đầu tư trạm sạc chung để nhiều dòng xe cùng sử dụng.

Phủ trạm sạc xe điện công cộng ở bến xe: Phải có quy chuẩn chung, mở cửa cho các nhà đầu tư - Ảnh 3.

Mạng lưới trạm sạc điện trên địa bàn TP.HCM. Trong đó màu xanh là bến, bãi thuộc Sở Giao thông vận tải TP quản lý; màu đỏ là bến, bãi thuộc Samco - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Về vấn đề đầu tư trạm sạc điện, bạn đọc Phạm Sanh góp ý thách thức lớn của việc phủ 100% buýt điện vào 2030 của TPHCM là kinh phí, hạ tầng sạc và quy hoạch buýt ổn định. Riêng vấn đề về sạc điện, nếu chỉ 25 trạm cho trên 2.771 xe là quá ít và không đủ đáp ứng. Theo bạn đọc Phạm Sanh thì số lượng trạm phải gấp 10 lần như dự kiến.

Ngoài ra, các đơn vị cần tính toán thêm về nguồn điện và lượng điện tiêu thụ, công nghệ sạc... để thuận lợi hơn khi đưa vào hoạt động.

Bên cạnh đó, bạn đọc Trường chia sẻ thêm mong muốn TP.HCM càng sớm triển khai mở rộng buýt sử dụng năng lượng điện càng tốt. Đối với việc đầu tư buýt, trạm sạc điện nên mở rộng để tư nhân tham gia, không để xảy ra độc quyền. Hệ thống trạm sạc nên tổ chức nghiên cứu, tổ chức với quy chuẩn chung.

Phủ trạm sạc xe điện công cộng ở bến xe: Rộng cửa đón nhà đầu tư, trạm phải có quy chuẩn chung - Ảnh 4.TP.HCM muốn phủ xe buýt điện vào năm 2030: Làm sao để khả thi?

TP.HCM đang xây dựng một đề án phát triển giao thông xanh quy mô với kỳ vọng xe buýt điện sẽ 'xanh hóa' xe buýt từ nay đến năm 2030. Dự kiến đề án này sẽ được UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết tại kỳ họp tháng 12-2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên