16/09/2024 09:45 GMT+7

TP.HCM muốn phủ xe buýt điện vào năm 2030: Làm sao để khả thi?

TP.HCM đang xây dựng một đề án phát triển giao thông xanh quy mô với kỳ vọng xe buýt điện sẽ 'xanh hóa' xe buýt từ nay đến năm 2030. Dự kiến đề án này sẽ được UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết tại kỳ họp tháng 12-2024.

TP.HCM muốn phủ xe buýt điện vào năm 2030: Làm sao để khả thi? - Ảnh 1.

Người dân ủng hộ xe buýt điện bởi sự thuận tiện, trang thiết bị hiện đại - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Vậy lộ trình hiện thực hóa quyết tâm này ra sao?

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, ông TRẦN QUANG LÂM - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - khẳng định phát triển giao thông xanh cũng đang là xu hướng toàn cầu, được các quốc gia trên thế giới triển khai mạnh mẽ.

26 - 30% xe buýt TP.HCM đã xanh

TP.HCM muốn phủ xe buýt điện vào năm 2030: Làm sao để khả thi? - Ảnh 2.

Ông TRẦN QUANG LÂM

* Thưa ông, lý do tại sao TP.HCM đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ xe buýt sang xài điện vào năm 2030?

- Việc chọn thời điểm từ năm 2030, 100% xe buýt sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh được đánh giá là phù hợp và khả thi, bởi quyết định số 876 của Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các TP lớn trong việc chuyển đổi năng lượng xanh và giảm khí thải.

Bên cạnh đó nghị quyết 98 đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, là chìa khóa giúp TP.HCM triển khai đề án phát triển giao thông xanh một cách hiệu quả.

Khi nghiên cứu xây dựng đề án này, chúng tôi cũng đã tham khảo các mô hình giao thông xanh ở các đô thị lớn trên thế giới.

Hiện nay, các TP lớn như Los Angeles, Seatfle, Copenhagen, Amsterdam, Quảng Châu và Nam Kinh đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn đội xe của họ sang xe điện vào năm 2030 hoặc sớm hơn. Đặc biệt các TP của Trung Quốc như Thâm Quyến, Quảng Châu và Đại Liên đã hoàn thành quá trình này với lần lượt là 16.000, 11.000 và 4.600 xe.

Nói như vậy để thấy rằng phát triển giao thông xanh là xu hướng toàn cầu. Tại TP.HCM những năm qua, chúng ta cũng đã có những bước chuyển mình theo hướng đi này. Đến nay hệ thống xe buýt TP.HCM đã có khoảng 26 - 30% xe đang sử dụng năng lượng xanh (CNG và điện). Trong đó xe CNG tuy phát thải ít hơn so với xe xài diesel nhưng nó vẫn có một số mức phát thải nhất định.

* Vậy đề án có chính sách gì trong hỗ trợ nhà đầu tư, các đơn vị vận tải để hiện thực hóa?

- Chúng tôi đã xây dựng đề án giai đoạn 1 với nhiều chính sách hấp dẫn hỗ trợ nhà đầu tư, đơn vị vận tải xe buýt. Điểm nổi bật là chính sách cho vay vốn 85%, đơn vị vận tải chỉ trả lãi suất theo mức cố định là 3%/năm trong vòng 7 năm. Điều này được xem là ưu đãi tốt nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực xe buýt tại TP.HCM. Qua nghiên cứu, các chính sách hỗ trợ được đề xuất tương đồng với các TP trên thế giới.

Trong quá trình xây dựng đề án, chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, làm việc với các doanh nghiệp vận tải lớn và nhận được sự đồng thuận cao. Thị trường xe điện và các doanh nghiệp xe buýt đã sẵn sàng cho cuộc chuyển đổi này.

Một số doanh nghiệp trúng thầu các tuyến xe buýt gần đây bày tỏ cần ban hành chính sách sớm hơn để họ đầu tư xe buýt điện ngay từ bây giờ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang yêu cầu các bộ ngành xây dựng các cơ chế, quy định để đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông xanh như hỗ trợ về điện, thuế, phí thuê đất... Với những chính sách hỗ trợ đồng bộ và sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư xe buýt, việc triển khai lộ trình phát triển giao thông xanh tại TP.HCM là hoàn toàn khả thi.

TP.HCM muốn phủ xe buýt điện vào năm 2030: Làm sao để khả thi? - Ảnh 3.

Đề xuất tăng hợp đồng vận hành từ 5 năm lên 10 năm

* Một trong những khó khăn lớn nhất khi triển khai xe buýt điện là chi phí ban đầu cao hơn xe buýt truyền thống. Theo ông, làm sao để giải quyết bài toán này?

- Đúng là khi triển khai xe buýt điện khó khăn lớn do chi phí ban đầu cao hơn xe buýt truyền thống. Sự chênh lệch lớn này chủ yếu đến từ chi phí sản xuất và sử dụng pin. Tuy nhiên chi phí bảo trì và vận hành thấp hơn so với xe buýt truyền thống.

Thị trường xe điện tại TP.HCM rất giàu tiềm năng. Sở GTVT nhận được nhiều đề nghị hợp tác từ các nhà sản xuất xe điện và pin từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khi có thêm nhiều nhà sản xuất và nhà cung cấp tham gia thị trường, giá xe buýt điện sẽ giảm dần, tiệm cận với chi phí của các loại xe buýt khác.

Bên cạnh đó, lộ trình phát triển xe buýt điện và trạm sạc sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ xanh và kỹ thuật cao.

* Có ý kiến cho rằng cần kéo dài thời gian vận hành tuyến để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, thay vì hợp đồng đấu thầu chỉ 5 năm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Hiện nay, các hợp đồng khi đấu thầu vận hành xe buýt ở TP.HCM và Hà Nội có thời gian tối đa là 5 năm. Trong khi đó một số nước trên thế giới áp dụng hợp đồng 10 - 12 năm. Sở nhận thấy đề xuất kéo dài thời gian hợp đồng có cơ sở hợp lý và trong đề án đã có đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng là 10 năm.

Bên cạnh đó TP.HCM cũng đang xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá xe buýt điện, dự kiến trình trong quý 4-2024. Cùng với việc vận hành 10 năm và có bộ đơn giá sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải yên tâm thực hiện chuyển đổi xe buýt xanh.

TP.HCM muốn phủ xe buýt điện vào năm 2030: Làm sao để khả thi? - Ảnh 4.

Đến nay, hệ thống xe buýt TP đã có khoảng 26 - 30% xe đang sử dụng năng lượng xanh (CNG và điện) là dòng xe phát thải ít hơn so với xe xài diesel. Trong ảnh: xe buýt chạy diesel - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Trạm sạc dùng chung cho các dòng xe

* Một khó khăn nữa là tình trạng thiếu trạm sạc. Đây đang là rào cản lớn cho việc phát triển xe điện. TP.HCM có kế hoạch phát triển trạm sạc ra sao?

- Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng để chuyển đổi nhanh sang xe điện cần có sự can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước thông qua các chính sách. Trong đó việc sử dụng vốn ngân sách đầu tư hạ tầng trạm sạc là bài học thành công từ các quốc gia trên thế giới.

Do đó đề án đã đề xuất từ nay đến năm 2030, TP.HCM sẽ đầu tư vào việc phủ kín các bến bãi, depot xe buýt và các bến xe khách. Ngân sách của TP sẽ chi đầu tư 17 vị trí trạm sạc với kinh phí hơn 1.347 tỉ đồng.

Công ty Samco sẽ đầu tư 8 vị trí tại các bến xe như bến xe Miền Đông mới, bến xe Miền Tây và bến xe An Sương, với kinh phí 888,5 tỉ đồng.

Các trạm sạc này sẽ tuân theo một tiêu chuẩn chung, đảm bảo khả năng sạc cho tất cả các dòng xe mà không bị ảnh hưởng bởi công nghệ độc quyền của một nhà sản xuất. Thời gian tới, các sở ngành sẽ rà soát vị trí để xây dựng quy hoạch trạm sạc, sau đó công bố công khai để kêu gọi đầu tư.

Về nguồn điện, Sở Công Thương và ngành điện khẳng định rằng sẽ đảm bảo nguồn điện phục vụ các trạm sạc theo lộ trình. Bên cạnh đó TP sẽ nghiên cứu dùng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) cung cấp cho trạm sạc.

Đặc biệt đề án đã xây dựng chính sách cho vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho tư nhân tham gia xây dựng trạm sạc điện. Lãi suất vay bằng 50% mức lãi suất cho vay được công bố của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM đối với phần vốn vay đầu tư trong suốt thời hạn vay. Ngân sách TP sẽ hỗ trợ 50% mức lãi suất còn lại. 

Đây là chính sách tốt để nhà đầu tư chung tay cùng TP.HCM phủ sóng trạm sạc, làm nền tảng cho việc phát triển giao thông xanh.

TP.HCM muốn phủ xe buýt điện vào năm 2030: Làm sao để khả thi? - Ảnh 5.

* Thực tế hai năm qua TP.HCM đã thí điểm tuyến xe buýt điện. Ông đánh giá về hiệu quả này ra sao?

- Vinbus đã triển khai thí điểm xe buýt điện D4 hơn hai năm qua. Qua đánh giá, xe buýt điện hoàn toàn phù hợp với điều kiện hạ tầng và khí hậu TP.HCM. Ghi nhận phản hồi của hành khách khi sử dụng tuyến D4 cho thấy xe buýt điện được đánh giá cao nhờ thiết kế hiện đại, thân thiện với môi trường và nhiều tiện ích vượt trội.

Hành khách đi xe buýt điện có thể tận hưởng không gian rộng rãi, hệ thống điều hòa không khí, WiFi miễn phí và hoạt động êm ái, không gây tiếng ồn và không khói. Qua đó người dân mong muốn TP.HCM cần mở rộng và đưa thêm nhiều tuyến xe buýt điện vào hoạt động.

Mới đây Công ty Phương Trang đề xuất sẵn sàng tham gia đầu tư 100% xe buýt thuần điện từ năm 2025.

Tạo ra hơn 200.000 tín chỉ carbon/năm

Theo Sở GTVT tải TP.HCM, việc chuyển đổi xe buýt sang xe điện không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm ô nhiễm môi trường mà còn có tiềm năng tạo thu nhập từ tín chỉ carbon.

Theo số liệu báo cáo của Đại học Bách khoa Hà Nội, giả định giữ nguyên đoàn xe CNG, chuyển toàn bộ xe diesel sang điện với mức giảm phát thải 44% thì hoạt động xe buýt giảm khoảng 168.000 tấn CO2/năm; trường hợp chuyển toàn bộ sang xe điện thì giảm khoảng 235.000 tấn CO2/năm.

Hà Nội và Đồng Nai khuyến khích chuyển đổi

Cùng với TP.HCM, nhiều tỉnh thành cũng đang lên kế hoạch khuyến khích chuyển đổi các xe công cộng sang sử dụng điện. Tháng 7-2024, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đề án có các chính sách hỗ trợ một phần chi phí lãi vay đầu tư xe, hạ tầng với mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ thay thế 100% xe buýt chạy dầu sang xe buýt điện, xe năng lượng sạch.

Tháng 8-2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã áp dụng mức hỗ trợ lãi suất là 6%/năm đối với các khoản vay đầu tư mua xe điện hoặc xe sử dụng năng lượng xanh. Với đầu tư hạ tầng giao thông xanh có mức hỗ trợ lãi suất từ 3,6%/năm.

Người dân và doanh nghiệp mong làm sớm

* Đại diện Công ty Phương Trang:

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc đề xuất đưa xe buýt thuần điện vào hoạt động. Điều này phù hợp với quyết định của Thủ tướng, xu thế chung của thế giới. Chúng tôi sẽ đảm bảo các gói thầu mới được đưa ra đấu thầu và tham gia với cam kết đưa 100% xe mới thuần điện vào phục vụ.

TP.HCM muốn phủ xe buýt điện vào năm 2030: Làm sao để khả thi? - Ảnh 6.

* Anh Nguyễn Tiến Luật (Thủ Đức):

Hai năm qua thói quen đi lại của tôi thay đổi nhiều nhờ vào sử dụng dịch vụ xe buýt điện D4. Tôi cảm nhận dòng xe buýt điện êm, tiện lợi, đúng giờ và đảm bảo an toàn nên cần thiết phải mở rộng trên nhiều tuyến mới. Với chất lượng xe tốt và dịch vụ chu đáo, việc thu hút hành khách lựa chọn sử dụng xe buýt điện là điều trong tầm tay.

* Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM):

TP.HCM muốn phủ xe buýt điện vào năm 2030: Làm sao để khả thi? - Ảnh 6.

Tôi ủng hộ đề án với lộ trình xanh hóa ngành vận tải. Tuy nhiên lộ trình triển khai cần phải làm sớm hơn và nhanh hơn nữa. TP.HCM cần bám sát mốc thời gian (từ ngày 1-1-2025) quyết định 876 có hiệu lực, các đơn vị sớm hoàn thiện chính sách, ưu đãi... khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Đặc biệt TP.HCM đang có nền tảng cơ chế đặc thù từ nghị quyết 98 tạo điều kiện tốt hơn nữa hướng đến xây dựng ngành giao thông xanh, bền vững.

* Ông Bùi Văn Tuynh (tổng giám đốc Công ty cổ phần Infipower Việt Nam):

TP.HCM muốn phủ xe buýt điện vào năm 2030: Làm sao để khả thi? - Ảnh 6.

Trạm sạc công cộng có thể xem là điều kiện tiên quyết để ô tô điện có thể vận hành bình thường, mang lại sự thuận tiện cho xe. Do đó, muốn thu hút người dân mua xe điện, hạ tầng trạm sạc phải đi trước một bước.

Hiện nhà đầu tư có đủ vốn, đáp ứng công nghệ. Tuy nhiên rào cản lớn nhất cho các doanh nghiệp là các quy định, chính sách đầu tư trạm sạc hiện nay chưa được ban hành kịp thời. Chẳng hạn như quy hoạch mạng lưới trạm sạc, giá điện, hạ tầng điện hay như ưu đãi về mặt bằng hiện nay chưa có.

Việc TP.HCM triển khai đề án giai đoạn 1 hỗ trợ phát triển trạm sạc, xe điện cho vận tải hành khách công cộng là tin vui cho các doanh nghiệp. Do đó khi triển khai, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia, đề xuất chủ trương đầu tư.

TP.HCM muốn phủ xe buýt điện vào năm 2030: Làm sao để khả thi? - Ảnh 9.'Phủ xanh' buýt điện ở TP.HCM, khó cũng phải làm

Dự kiến đến năm 2030, TP.HCM phủ xanh 100% xe buýt điện. Các tuyến buýt mở mới từ năm 2025 trở đi sẽ sử dụng 100% phương tiện điện, năng lượng xanh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên