01/01/2018 12:08 GMT+7

Phú Quốc sốt đất trước 'giờ G' trở thành đặc khu

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Trước thông tin huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) sắp trở thành đặc khu, hơn một tháng nay, các đại gia, nhà đầu tư từ Hà Nội, TP.HCM... ồ ạt ra đây săn lùng đất, khiến giá chuyển nhượng tăng từng ngày.

Phú Quốc sốt đất trước giờ G trở thành đặc khu - Ảnh 1.

Các bảng rao bán đất được treo ở nhiều nơi tại Phú Quốc - Ảnh: KHOA NAM

Trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Phú Quốc Lê Quang Minh nói: đây là lần sốt đất thứ 3 (2 lần trước vào các năm 2010 và 2015). Lần này, giới đầu cơ bất động sản đổ tiền mua đất ở Phú Quốc vì họ khẳng định huyện đảo này sắp trở thành đặc khu, thời điểm dự đoán sớm nhất là đầu năm 2019.

Tuyệt đối không trả giá?!

Ở đường 30-4 (thị trấn Dương Đông) hiện có một quán cà phê là địa điểm tụ họp của hầu hết giới kinh doanh bất động sản ở Phú Quốc. Tại đây, các "cò" đất ăn mặc sang trọng, mỗi người trang bị ít nhất 3 máy điện thoại di động, "làm việc" không biết mệt mỏi.

Ông Trần Đạt Phú - một trong những "cò" đất có tiếng ở Phú Quốc - cho biết so với thời điểm đầu năm, giá đất tại hầu hết các xã, thị trấn ở Phú Quốc tăng gấp 3-4 lần. Tại thị trấn Dương Đông, giá đất cao nhất là mặt tiền đường Trần Hưng Đạo. Ông Phú giới thiệu miếng đất mặt tiền diện tích 10m x 50m được chào giá 39 tỉ đồng.

Tại ấp Bến Tràm (xã Cửa Dương), đất mặt tiền đường vào suối Đá Bàn hiện khoảng 6 tỉ đồng/công (1.000m2). Trên tuyến đường tránh thị trấn Dương Đông, giá đất mặt tiền thời điểm cuối năm 2016 chỉ khoảng 3,5 tỉ đồng/công, hiện vọt lên 9 tỉ đồng/công. Các nơi khác, đất trồng cây lâu năm giá dao động 2,5 - 4 tỉ đồng/công tùy vị trí. 

Riêng đất bãi biển không còn để bán vì các dự án du lịch đã lấp đầy. Ông Phú khuyên chúng tôi nếu muốn mua đất Phú Quốc phải tuân thủ 2 nguyên tắc: thấy vừa ý thì mua ngay và tuyệt đối không được... trả giá!

Chiều 27-12-2017, ông Phú lái ôtô đưa chúng tôi đi xem miếng đất diện tích 2,2ha, loại đất trồng cây lâu năm ở ấp 4, xã Cửa Cạn (mặt tiền đường Nam - Bắc đảo Phú Quốc). Chủ đất ra giá 2,8 tỉ đồng/công, chúng tôi hẹn quay lại sau. Gần trưa

Ngày 28-12, lúc chúng tôi gọi điện lại thì ông Phú nói miếng đất này đã có người mua với giá 7,8 tỉ đồng, tức mỗi công đất từ 2,8 tỉ hôm trước thì hôm sau vọt lên 3,6 tỉ đồng!

Tình trạng sốt đất diễn ra ở tất cả các xã, thị trấn của Phú Quốc, từ Dương Đông, An Thới, Cửa Dương, Dương Tơ, Cửa Cạn, Hàm Ninh, Bãi Thơm tới xã đảo gần đảo Phú Quốc là Hòn Thơm. Bà L. - "cò" đất ở Hòn Thơm - cho biết kể từ khi có dự án cáp treo từ An Thới ra xã này, giá đất ở đây tăng gấp 5-6 lần. 

Giá giao dịch các nền nhà tái định cư từ dự án cáp treo hồi đầu năm nay chỉ khoảng 350 triệu đồng/nền, hiện tăng lên dao động ở mức 1,6-1,8 tỉ đồng/nền.

Phú Quốc sốt đất trước giờ G trở thành đặc khu - Ảnh 2.

Người dân địa phương tranh chấp đòi lại lối đi bị chủ đầu tư một dự án tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ tự ý rào lại để giữ… đất - Ảnh: KHOA NAM

Bán cả đất nhận khoán trồng rừng

Lấy lý do không có tiền mua đất trồng cây lâu năm hoặc thổ cư, chúng tôi tìm hỏi mua đất có "sổ xanh" - tức đất rừng phòng hộ giao cho dân canh tác theo quy hoạch trồng và bảo vệ rừng. "Cò" Lê Thu Hiền (42 tuổi, ngụ xã Dương Tơ) dẫn tới ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh.

Tại đây, ông T. (57 tuổi) cho biết có 8ha đất, giá chào bán 50 triệu đồng/công. Khi chúng tôi nói muốn làm thủ tục chuyển quyền sử dụng, bà Hiền trấn an cứ mua để đó, nếu muốn cất nhà cấp 4 thì "vô tư".

"Mấy anh mua đất này đi, ở đây tui sẽ có người bảo vệ để mấy anh cất nhà ở tạm, cứ khung thép tiền chế dựng lên rồi xây tô là vào ở. Sắp tới, nếu quy hoạch đất này ra khỏi rừng, coi như mấy anh trúng lớn, còn không cứ để đó, sau này bán lại vẫn có lời như thường" - bà Hiền nói.

Ông Nguyễn Văn Thái - phó chủ tịch UBND xã Hàm Ninh - xác nhận chính quyền có nghe phản ảnh việc một số hộ nhận giao khoán rừng âm thầm chuyển nhượng đất dưới hình thức giao sổ nhận khoán bất hợp pháp. 

Biết vậy, nhưng do người mua - người bán tự thỏa thuận nên rất khó phát hiện. Nếu kiểm tra, chủ hộ nhận khoán đất sẽ ra mặt nói người mua là bà con, dòng họ đến sống chung.

Một hình thức gom đất khác được giới đầu cơ có "máu mặt" lựa chọn là mua đất theo kiểu "mua lúa non". Giới đầu cơ sẽ mua các phiếu bốc thăm nền nhà tái định cư với giá rẻ hơn giá thực tế 20-30%. 

Còn với đất ở và đất trồng cây lâu năm chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, giới đầu cơ sẽ trả giá từ thấp lên cao dần tùy theo tình trạng pháp lý của mảnh đất: có ấp, xã xác nhận; có đo đạc sơ đồ vị trí; có ký giáp ranh hay chưa...

Hệ lụy khó tránh từ sốt đất

Ông Đinh Khoa Toàn - chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc - cho rằng do hầu hết giao dịch đất đai đều hợp pháp nên chính quyền không thể cấm, chỉ có thể khuyến cáo người dân thận trọng khi mua đất. Đến nay, phần lớn người mua đất đã cẩn thận rà soát quy hoạch tại các phòng, ban chức năng của huyện.

Tuy nhiên, việc giá đất tăng đột ngột và tăng cao như vừa qua rõ ràng gây khó cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Trước hết là tình hình tranh chấp đất trong nội bộ người dân gia tăng. Thậm chí một số trường hợp có sự xuất hiện của các băng nhóm "bảo kê" hoạt động tranh chấp đất giữa dân với dân, giữa dân với chủ đầu tư các dự án và ngược lại.

Đại tá Lưu Thành Tín - phó giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang - cho biết: Cơ quan cảnh sát điều tra vừa ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Văn Dũng (41 tuổi, ngụ ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, Phú Quốc) để điều tra hành vi cố ý gây thương tích cho 3 bị hại.

Phạm Văn Dũng vốn được giới "giang hồ" Phú Quốc biết tới với biệt danh Dũng "Sông Hồng". Đại tá Tín khẳng định ngoài Dũng "Sông Hồng", cơ quan điều tra đang đặt nhiều nghi phạm hoạt động theo kiểu băng nhóm vào tầm ngắm. Mục tiêu là kiên quyết dẹp nạn "giang hồ" hoành hành bảo kê bao chiếm đất đai trên đảo Phú Quốc.

Có tình trạng trốn thuế

Số liệu thống kê từ Chi cục Thuế huyện Phú Quốc cho thấy tính đến cuối tháng 11-2017, địa phương này đã có 11.807 giao dịch đất đai, tương ứng với 11.807 thông báo nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ liên quan tới chuyển nhượng đất đai. Như vậy, tính bình quân mỗi ngày đảo Phú Quốc có khoảng 36 giao dịch đất đai thành công, tức chưa đầy một giờ có 1 giao dịch.

Theo Chi cục Thuế huyện Phú Quốc, mức độ mua bán bất động sản diễn ra "khủng" như vậy nhưng số tiền thuế thu được chỉ tăng hơn 20% so với năm 2016. Cụ thể, thuế trước bạ thu tới cuối tháng 11-2017 là hơn 29 tỉ đồng (mức thu 0,5% giá trị hợp đồng), thuế thu nhập cá nhân thu được trên 87,66 tỉ đồng (mức thu 2% giá trị hợp đồng).

Nhiều "cò" đất xác nhận chuyện giao dịch nhiều nhưng nộp thuế ít do không ai dại gì khai thật mình bán đất và mua đất thực sự bao nhiêu tiền. Gần như toàn bộ giao dịch đều ghi trong hợp đồng gần sát giá đất do Nhà nước ban hành hoặc có cao hơn, tối đa chỉ 10%.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên