Ông Mai Anh Nhịn - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang
Việc tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng lập quy hoạch đặc khu Phú Quốc không ảnh hưởng gì đến nội dung định hướng đưa đảo Phú Quốc trở thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) trong tương lai.
Không thể chờ
* Thưa ông, vì sao UBND tỉnh Kiên Giang lại xin tạm dừng lập quy hoạch Phú Quốc theo định hướng là đặc khu?
- Thực ra đảo Phú Quốc đã được Chính phủ 3 lần phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch và 1 lần Chính phủ cho chủ trương. Năm 2010, Chính phủ ban hành quyết định 633 với một nội dung quan trọng là xác định tính chất Phú Quốc sẽ là "khu hành chính - kinh tế đặc biệt".
Ngày 8-6-2018, Thủ tướng Chính phủ có công văn cho chủ trương để tỉnh "lập quy hoạch đảo Phú Quốc theo định hướng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt". Vì vậy, Kiên Giang đã tiến hành một số thủ tục triển khai.
Nhưng đầu năm nay, khi Luật quy hoạch có hiệu lực, quy hoạch Phú Quốc phải tích hợp vào quy hoạch cả tỉnh. Nếu giữ nguyên lập quy hoạch theo hướng đặc khu sẽ phải chờ Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mới đủ cơ sở pháp lý.
Vì vậy, thường trực UBND tỉnh đã thống nhất trình Chính phủ cho chủ trương lập quy hoạch Phú Quốc theo hướng thành khu kinh tế.
* Kiên Giang không thể chờ tích hợp quy hoạch Phú Quốc vào quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của cả tỉnh?
- Không thể chờ được, sẽ rất lâu. Toàn tỉnh có 15 huyện, TP. Chưa kể phải trình quy hoạch cùng 63 tỉnh, TP cả nước, mà Phú Quốc đang phát triển quá nóng. Ví dụ, chỉ tiêu đến năm 2020 Phú Quốc đón 2 triệu lượt khách nhưng hiện Phú Quốc đã đón gần 3 triệu lượt du khách/năm.
Các hệ thống hạ tầng quan trọng như: điện, cấp nước, giao thông, sân bay... đều đã hoặc sắp quá tải. Hiện tại, ngành điện đã thi công đường cáp điện thứ 2 đưa điện từ đất liền ra đảo. Riêng mở rộng sân bay quốc tế Phú Quốc buộc phải dựa vào quy hoạch mới lập dự án.
Phú Quốc được cho là đang mặc chiếc áo quá chật, hạ tầng chưa đáp ứng sự phát triển. Trong ảnh: mưa ngập ở Phú Quốc ngày 5-8 - Ảnh: DƯƠNG NGÂN
Không ảnh hưởng định hướng cũ
* Việc lập quy hoạch khu kinh tế thì những định hướng cũ thế nào?
- Cần nói rõ là việc lập quy hoạch khu kinh tế Phú Quốc không ảnh hưởng gì đến nội dung định hướng huyện đảo này trở thành đặc khu trong tương lai.
Phú Quốc vẫn giữ nguyên định hướng trở thành đặc khu, không có gì thay đổi cả. Khi báo chí thông tin Kiên Giang xin dừng lập quy hoạch đặc khu Phú Quốc, tôi có nghe một số dư luận lo lắng, nhất là giới đầu tư bất động sản.
Tôi khẳng định rằng việc này chỉ là tạm dừng lập quy hoạch theo hướng đặc khu, gần như chỉ "đổi tên" chứ không hề thay đổi tính chất, nội dung quy hoạch theo tinh thần quyết định 178 và quyết định 633 của Chính phủ.
* Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc Phú Quốc phải giữ rừng, không "bêtông hóa" đảo, tỉnh đang thực hiện ra sao, thưa ông?
- Tới đây tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổng rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất rừng trên đảo. Phải thẩm tra nguồn gốc đất của hàng chục ngàn hộ dân. Có lẽ sẽ phải thành lập hội đồng độc lập để tránh tiêu cực.
Kết quả thẩm tra sẽ được báo cáo các bộ, ngành, trung ương và Chính phủ để có hướng xử lý xem trường hợp nào di dời ra khỏi rừng, trường hợp nào ở lại...
Còn việc không "bêtông hóa", phải thừa nhận địa phương đã sai "đề bài" từ đầu. Giờ chỉ còn cách giữ lại những bãi biển chưa có nhà đầu tư, sắp tới sẽ cân nhắc thu hồi một số vị trí để làm bãi tắm công cộng.
Phú Quốc mặc áo quá chật
Theo ông Mai Anh Nhịn, với bộ máy tổ chức chính quyền cấp huyện nông thôn như hiện nay, Phú Quốc đang "mặc một chiếc áo quá chật". Bộ máy chính quyền đã thực sự không còn đảm đương nổi khối lượng công việc được giao.
Đơn cử tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp tới mức tỉnh phải yêu cầu công an tăng cường lực lượng từ đất liền ra. Rồi chưa có nhà máy xử lý rác, hệ thống cấp nước, đường giao thông khu vực trung tâm thị trấn Dương Đông thường xuyên ách tắc...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận