Nhạc sĩ Phú Quang - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ngày 13-12 là ngày "thu rất thật thu khi chớm đông sang", "gió mùa đông bắc se lòng", nền nhiệt 20 độ, Hà Nội đã tiễn Phú Quang, một "người Hà Nội hà nội nhất" như nhiều nghệ sĩ, nhiều người hâm mộ đã ghi lời thương tiếc ông mấy hôm nay. Có lẽ vì quá Hà Nội, nên mỗi nốt nhạc mỗi ca từ ông cất lên đã là Hà Nội, dù rất nhiều những bài nhạc ấy là viết ở TP.HCM.
Và những bài hát Phú Quang cũng giúp rất nhiều người nuôi giữ tình yêu Hà Nội khi xa Hà Nội và ngay cả khi chưa biết, chưa hiểu gì về Hà Nội. Như tôi...
Sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở TP.HCM, Hà Nội trong tôi là Trường mẫu giáo Hàng Bông Thợ Nhuộm trong trí nhớ tuổi lên ba, là hàng sấu đường Hai Bà Trưng với gốc xù xì và những quả vàng lăn lăn trước bước chân tuổi lên bốn, là Hồ Gươm biêng biếc mộng mị trước mắt con bé lên năm, là đêm gió mùa đông bắc buốt ruột con bé lên sáu chia tay Hà Nội.
Rồi một ngày, trong một bữa giỗ tập trung đông người, một người chú mới chuyển vào TP.HCM làm ăn chợt hỏi tôi: "Cháu có thích nghe nhạc Phú Quang không?". Tôi lắc đầu.
Những năm ấy tôi đang bù đầu với bài vở ở trường và chỉ nghe lỏm những bài hát mà bạn bè chỉ điểm. Ông chú lắc đầu chê trách: "Người Hà Nội mà không biết nhạc Phú Quang...".
Chú chỉ chồng đĩa hát: "Thích đĩa nào chú cho, hôm nào đi nghe Phú Quang nhé...", rồi bật mí: chú với Phú Quang đang cùng kinh doanh ở một khu nhà, người làm nhà hàng trên lầu, người làm phòng trà dưới đất.
Ấy là những năm đầu phòng trà Catinat của Phú Quang mở ở TP.HCM. Và tôi bắt đầu nghe Phú Quang từ dạo ấy.
Hà Nội quay trở về với tôi. Hà Nội với "chiều đông sương giăng phố vắng, hàng cây lặng câm, tháp cổ mặc trầm", Hà Nội với "từng cánh lá xoay xoay, gió se lạnh thu về, run run heo may"...
Ai đó nói nhạc Phú Quang là những bài tình ca và thường dò hỏi, phỏng đoán xem nhân vật "em" xuất hiện da diết trong bài này bài kia là ai.
Tôi nghe nhạc Phú Quang và mặc định tất cả những "em" ấy đều là Hà Nội. Em đẹp đẽ sang cả xa vời như giấc mơ, em gần gụi muốn ôm muốn siết, em mà ông không thể ngừng khát yêu cuộn nhớ, em mà ông luôn đợi chờ, em mà đôi khi gợi nên những xót đau cay đắng, em đã thành những kỷ niệm day dứt... "Em" đó là Hà Nội mà tôi yêu trở lại qua nhạc Phú Quang.
Những lần trở về Hà Nội, tôi thường ngồi hay đi bộ rất lâu bên bờ Hồ Gươm, tìm lại bước chân cô bé lon ton bên bà nội năm xưa. Và khi ấy, những chiếc loa mắc trên cột điện ở bờ hồ rất hay phát những bài nhạc Phú Quang. Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Lãng đãng chiều đông Hà Nội...
Không biết có chỗ nào nghe nhạc ấy thích hợp hơn không, nhưng ngồi giữa Hà Nội nghe nhạc Phú Quang vẫn thấy nhớ Hà Nội lắm. Bởi Hà Nội của Phú Quang dường như quá đẹp, quá tình, quá thơ mộng, sáng trong, quá lịch lãm, tinh tế.
Những người bạn miền Nam của tôi cũng thích nghe nhạc Phú Quang, đặt chân đến Hà Nội là háo hức hít thở tìm mùi hương hoa sữa, hoàng lan, háo hức lia ống kính tìm mái ngói nâu trầm, tìm hoa cúc thả từng chùm như thể đã yêu Hà Nội từ lâu lắm.
Và tình yêu ấy rất nhiều lúc phải rơi vào cảm giác "em tìm gì khi thất vọng về tôi" khi cảm giác của "phố dương cầm, những nẻo đường mơ hồ sương khói" bỗng vỡ tan khi gặp phải một chao chát trên vỉa hè, khi câu chuyện bên hồ bỗng bị một bản tin báo chí xen vào "những buồn vui anh không có bao giờ"...
Hà Nội vẫn "còn đó mùa thu", còn đó "rêu xanh bên gốc cây già" để chờ những người con xa "vội vã trở về" rồi lại "vội vã ra đi". Phú Quang đã về hẳn rồi, nhạc của ông vẫn đang hát về một giấc mơ Hà Nội trong xa xôi như vậy với rất nhiều người xa xứ, những người mà bao năm xa Hà Nội luôn mang theo Hà Nội trong lòng qua nhạc Phú Quang, qua những hình ảnh Hà Nội thân yêu trong dòng nhạc ấy. Đi theo họ như một hành trang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận