Nhạc sĩ Phú Quang - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Và hơn hết, lúc này tinh thần "một mình" trong ca khúc ấy có thể hát lên giùm Hồng Thanh Quang cái tình tiếc thương một người nhạc sĩ tài hoa đã dăm bảy lần chọn ông là tri kỷ trong những bài hát kết hợp nhạc - thơ của hai người.
Tiếc thương một người anh đã cùng nhà thơ "run rẩy bên nhau" bao tháng ngày của đời nghệ sĩ nhiều thăng hoa mà cũng đầy cô đơn, "nỗi cô đơn suốt tuổi xuân mình".
Bài hát Khúc mùa thu Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang, do ca sĩ Ngọc Anh thể hiện
Vẫn còn nhau trong những câu hát quen thuộc, mà mất mát này vẫn cứ là hiện hữu trong Hồng Thanh Quang và những người yêu nhạc Phú Quang, vẫn cứ là "mênh mông quá khoảng trống này ai lấp/khi thanh âm cũng bất lực như lời" như câu hát trong bài hát Khúc mùa thu - một mối giao tình quá đẹp giữa Phú Quang - Hồng Thanh Quang.
Nhạc sĩ Phú Quang (bìa phải), nhà thơ Hồng Thanh Quang (bìa trái) và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (giữa) trong một đêm thơ nhạc Hồng Thanh Quang - Phú Quang - Ảnh: NVCC
Nhà thơ nhớ lại lúc ông viết Khúc mùa thu là một thời điểm đặc biệt trong cuộc đời mình, bài thơ vừa là chiêm nghiệm về tình yêu vừa như lời dự báo cho đời sống tình cảm của thi sĩ.
Một thời điểm sóng gió trong cuộc hôn nhân của Hồng Thanh Quang và NSND Lê Dung, khiến ông nhận ra điều tưởng đã là chân lý tự ngàn đời: đôi khi để giữ tình yêu thì người ta cần phải rời xa nhau, cầm vàng mà chẳng để vàng rơi thì có khi không nhận ra giá trị của vàng, sự tan vỡ của hiện tại hoàn toàn không làm giảm đi vẻ đẹp của thuở ban đầu nồng nàn đam mê.
Bài Romance 4 Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang do ca sĩ Tấn Minh thể hiện
May mắn, những tâm tình trĩu nặng này của Hồng Thanh Quang đã có được Phú Quang đồng cảm, phổ nhạc hầu như nguyên vẹn bài thơ, điều không phải là thường gặp với Phú Quang, bởi ông thường chỉ hay nhặt một số câu thơ, ý thơ hay, có khi chỉ mượn hình ảnh thơ của người khác mà phổ nhạc và nổi tiếng với tài "nhặt" thơ này.
Tài này theo Hồng Thanh Quang chính là do sự thông minh trời phú, vốn văn hóa rộng và sự nhạy cảm đặc biệt của Phú Quang, của một tài năng, một cá tính sáng tạo lớn.
Từng làm 2 đêm thơ nhạc Hồng Thanh Quang - Phú Quang, rất thích những ca khúc về tình yêu và thân phận của Phú Quang, nhưng Hồng Thanh Quang, cũng giống như nhiều người khác, đặc biệt đánh giá cao mảng ca khúc viết về Hà Nội.
Theo Hồng Thanh Quang, Phú Quang đã tạo ra được một Hà Nội rất khác, một Hà Nội của Phú Quang bên cạnh Hà Nội trong nhạc của Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Chuẩn…
Dù thơ ca ngay từ khi sinh ra đã có một đời sống riêng, phong phú và đã có nhạc trong đó, nhưng đó là thứ nhạc chỉ khẽ rung lên giữa những tâm hồn tri âm ngồi đọc thơ một mình, nên Hồng Thanh Quang rất trân trọng mối tri âm Phú Quang dành cho mình khi chắp cánh nhạc cho những vần thơ ông đến với nhiều người.
Chính ông thỉnh thoảng lại ngồi lặng nghe Khúc mùa thu, Romace 4, Mẹ, Một mình… để được gặp những đứa con tinh thần của mình trong một hình hài mới, một đời sống mới. Đôi khi trong một số cảnh huống đặc biệt, những đứa con đã đi lập nghiệp riêng ấy của Hồng Thanh Quang khiến ông rất xúc động.
Thùy Dung - một trong số vài ca sĩ nữ hát thành công các ca khúc của Phú Quang - Ảnh: Facebook Nguyễn Thùy Dung
Ông bảo, khi viết những vần thơ, ông phải sống qua những trải nghiệm đau đớn của người nghệ sĩ sáng tạo trên con chữ, nhưng nghe lại những ca khúc phổ thơ mình thì thường tạo cảm giác dễ chịu, thứ dễ chịu của những ông bố trung niên ngắm nhìn những đứa con mình đang thênh thang trên con đường của riêng chúng.
Những vết thương khi xưa làm ứa ra thơ đã lành lại thành sẹo, họa hoằn lắm vết thương cũ mới mở miệng nhức buốt.
Nay thì người nhạc đã đi, chỉ còn người thơ ở lại, "sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy/mãi cô đơn vằng vặc giữa trời".
Ngày thì mãi vui, mà đời vẫn mãi buồn bởi luôn luôn là những câu hát khắc khoải ngân lên "Mênh mông quá khoảng trồng này ai người lấp/Khi thanh âm cũng bất lực như lời".
Bài Dương cầm lạnh do Thùy Dung đệm đàn piano hát cùng Dương Tường đọc thơ, Phú Quang thay Thùy Dung đệm đàn ở khúc cuối
Ca sĩ Thùy Dung: "Khi lần đầu anh Phú Quang đưa bài Dương cầm lạnh cho tôi, anh có ký tặng bản nhạc và tôi hát say sưa, có chút ngộ nhận đáng yêu vì chữ "dương cầm" làm tôi "tưởng bở" anh viết tặng mình - một cô gái chơi dương cầm.
Anh Quang rất tâm huyết khi dựng cả dàn hợp xướng cho bài Dương cầm lạnh phổ thơ thi sĩ Dương Tường và có ý tưởng rất đặc biệt khi đến cuối bài anh đổi tay đàn cho tôi để tôi sẽ hát tác giả thơ.
Khoảnh khắc nhà thơ bước lên sân khấu thật rưng rưng. Bác Dương Tường bé nhỏ, đọc từng lời thơ rất nâng niu trên tiếng đàn của anh Quang. Tôi chợt thấy như phần hát của mình như hiện tại, nhà thơ Dương Tường như quá khứ… Và 2 mảng sáng tối đó dịu dàng nâng nhau lên bởi các thanh âm.
Khi đọc nguyên tác của Dương cầm lạnh (bài thơ có tên Serenade 3), một lần nữa tôi thán phục sự tinh tế và khéo kỳ lạ của anh Phú Quang khi chọn thơ. Như một người biên kịch chuyển thể từ tiểu thuyết, ca từ được cất lên cô đọng, biểu cảm tròn đầy về hình ảnh mà vẫn giữ được hồn cốt, giá trị của cả bài thơ.
Vậy mà giờ đây… Dương cầm lạnh hẳn nhớ bàn tay anh lắm…".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận