20/05/2023 13:57 GMT+7

Phụ nữ 'tuổi băm' là 'hàng tồn kho'?

Bước sang ngưỡng "tuổi băm", phụ nữ đối diện với hàng tá định kiến trói buộc như "hàng tồn kho", "hàng hết date phải mau mau chóng chóng tống đi".

Mỗi tuần bạn gái có thể dành một buổi (hoặc hơn nữa) để làm những việc khiến mình vui - Ảnh: minh họa - NGỌC PHƯỢNG

Mỗi tuần bạn gái có thể dành một buổi (hoặc hơn nữa) để làm những việc khiến mình vui - Ảnh: minh họa - NGỌC PHƯỢNG

Nhiều trường hợp dở khóc dở cười vì mỗi ngày đều được người thân, bạn bè "rao bán" không thương tiếc!

Vừa qua, cả nhà T.T.H. (33 tuổi, ở Hà Tĩnh) phải mở cuộc họp để bàn cách "giải quyết hàng tồn kho" khi nghe cô tuyên bố: "Đã trữ trứng (đông lạnh trứng - PV), muộn rồi nên muộn thêm nữa cũng không có sao"!

Ai nấy ở quê đều tá hỏa không hiểu "trữ trứng" là như thế nào. Mấy giờ đồng hồ hạ hồi phân giải, cả nhà mới thở phào nhẹ nhõm, yên tâm hơn với "quả bom chấp nhận nổ chậm".

Nâng cấp bản thân để không sống dựa

Ưa xê dịch, ham khám phá, H. chọn công việc hướng dẫn viên du lịch. Chọn mảnh đất Nha Trang (Khánh Hòa) để dừng chân, công việc thuận lợi, tài chính rủng rỉnh giúp cô thoải mái chi tiêu, còn dư dả chút tiền để gửi về quê biếu cha mẹ mỗi tháng.

"Tưởng không có chỗ chê mà ế bền vững", "Hay là nó kén quá?", "Hay nó có vấn đề gì đấy?"… Hàng xóm láng giềng xì xào bàn tán, ngày nào mẹ cũng gọi điện vào giục H. nhanh chóng… tìm chồng để cưới.

Sau nhiều năm "trốn lấy chồng", nay cô tuyên bố chưa vội lấy chồng dù đã qua ngưỡng "tuổi băm", thay vào đó tập trung vào phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp. Dù không phải típ người hay lo xa nhưng H. nói vẫn lựa chọn trữ trứng để hỗ trợ việc sinh con trong tương lai. "Một phần để bố mẹ bớt lo lắng, phần nữa tôi cũng thích việc có một đứa con sau này bầu bạn" - cô giãi bày.

Bước sang tuổi 30, Nguyễn Ngọc Như (ở TP.HCM) quan niệm với phụ nữ "tuổi băm" quan trọng nhất là phải có công việc, thu nhập ổn định thì tâm lý mới vững vàng để chủ động trong chuyện hôn nhân.

"Nếu không có công việc, tài chính ổn định, phụ nữ thường lắm nỗi lo như sợ mình ế, sợ già nua xấu xí không ai yêu thương, vì thế họ mới có tư tưởng dựa dẫm vào ai đó. Do đó, phụ nữ cần độc lập tài chính, có nội tâm phong phú, có niềm vui riêng và mỗi ngày cần nâng cấp bản thân để dựa vào chính mình" - cô nói.

Bỏ qua lời xì xầm bàn tán của hàng xóm láng giềng, cô tập trung vào "bức tường thành kiên cố" là mẹ. Mỗi ngày, cô đều trò chuyện và bày tỏ quan điểm cho mẹ hiểu việc kết hôn sớm hay muộn không quan trọng bằng hạnh phúc trong hôn nhân. 

Quan niệm của Như là cưới muộn mà hạnh phúc, còn hơn cưới vội mà ly hôn. Cô cũng lấy những ví dụ điển hình về phụ nữ lấy chồng sớm rồi ly hôn, đành phải gửi con cái cho ông bà nuôi để đi làm xa. Thương con gái, không muốn con phải khổ sở nên người mẹ không còn giục giã chuyện kết hôn, miễn sao cô tìm được người tâm đầu ý hợp.

Cởi trói định kiến phụ nữ "tuổi băm"

Hiện nay không ít phụ nữ bước sang tuổi 30, dù ai nói ngả nói nghiêng vẫn lựa chọn lối sống độc thân. Như trường hợp N.T.Phương (31 tuổi, ở Phú Thọ) dù đã trải qua cả tá mối tình vắt vai nhưng đến nay vẫn chưa vội kết hôn, thay vào đó là tận hưởng cảm giác tự do, thoải mái. "Tại sao lại phải gánh gồng định kiến con gái đến tuổi là phải lấy chồng rồi vớ đại một ông chồng chẳng phù hợp?" - Phương đặt câu hỏi.

Phương cho biết từng chứng kiến nhiều phụ nữ ở độ tuổi từ 30 - 50 chọn đối tượng kết hôn là người đã có một đời vợ hoặc thậm chí "có vấn đề gì đó". Sau khi kết hôn, họ không sinh con nữa mà chấp nhận sống như vậy để chăm sóc gia đình chồng. 

Phương kể, đáng nói là những cuộc kết hôn "chữa cháy" như vậy cũng chưa chắc bền lâu, do đó cô cho rằng dù ở độ tuổi nào, phụ nữ cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng cho bản thân mình thay vì sợ những lời đàm tiếu.

Bà Đặng Thị Loan (54 tuổi, ở Hà Nội) cũng trải lòng, mới đầu rất lo cho hai đứa con gái đến tuổi rồi vẫn chưa chịu lấy chồng. 

Bà từng giục giã con gái, thậm chí nhờ người nọ người kia mai mối nhưng mãi chẳng thành. Về sau thấy các con có công việc ổn định, sống vui vẻ, thoải mái, thường xuyên gặp gỡ bạn bè, đi du lịch, bà Loan yên tâm hơn hẳn. Bà còn được "trẻ hóa" khi hai cô con gái "tút tát" lại nhan sắc cho mẹ, ba mẹ con vi vu du lịch khắp nơi.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Phương - chuyên gia tư vấn tâm lý - nhận định quan niệm tuổi 30 chưa vội kết hôn xuất hiện những năm gần đây, trong khi trước kia 25 tuổi chưa kết hôn đã được coi là "ế, chậm".

"Vì sao lại có quan niệm phụ nữ kết hôn muộn? Có lẽ vì nhìn thế hệ các bà, các mẹ trước kia ở giai đoạn khó khăn khiến nhiều bạn nữ thấy "choáng" và nghĩ rằng nếu kết hôn khổ như vậy thì thà rằng nên kết hôn muộn. 

Thay vào đó họ tập trung tích lũy nhiều mặt như tài chính, bằng cấp, lựa chọn công việc tương xứng là nền tảng để sau này kết hôn, sinh con đẻ cái không còn vất vả nữa" - chị Phương nhận định.

Thêm vào đó, chị cũng cho rằng hiện nay các bậc phụ huynh đã thay đổi quan niệm, từ kinh nghiệm cuộc sống của chính bản thân mình, họ nhận thấy việc kết hôn khi chưa có tích lũy tài chính thì khi có con cuộc sống sẽ rất áp lực, đôi khi vợ chồng rạn nứt cũng từ đó mà ra.

Tân sinh viên nữ làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), các bạn gái đã có mặt khá đông đảo tại môi trường vốn tưởng phái mạnh chiếm ưu thế - Ảnh: LINH NGA

Tân sinh viên nữ làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), các bạn gái đã có mặt khá đông đảo tại môi trường vốn tưởng phái mạnh chiếm ưu thế - Ảnh: LINH NGA

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) - cũng cho rằng việc phụ nữ lựa chọn kết hôn sớm hay muộn là do quyết định của bản thân dựa trên hoàn cảnh, nhu cầu của mỗi người. Quan trọng là phải mạnh mẽ, mỗi người tự đưa ra quyết định, cân nhắc tất cả lợi - hại để lựa chọn phương án.

Bà đưa ra lời khuyên cho chị em phụ nữ phải tự lập về mặt kinh tế, có nghề nghiệp để trong bất kỳ tình huống nào cũng có thể sống dựa vào chính bản thân mình.

"Nếu muốn có con, bạn càng cần chuẩn bị sẵn sàng về mặt tài chính. Nếu chưa sẵn sàng, đừng quá căng thẳng, đừng có bắt mình phải làm giống như những người khác. Mình phải là chính bản thân mình, biết bản thân cần gì, ưu tiên cái gì, điều kiện của mình ra sao để lựa chọn" - bà Hồng nói.

Ế ở tuổi "băm", tôi thấy mình còn đầy sức sốngẾ ở tuổi 'băm', tôi thấy mình còn đầy sức sống

TTO - Chơi nhiều với lũ trẻ, tôi thấy mình trẻ ra, tuổi 'băm' rồi sức sống vẫn căng tràn. Có khi tôi chu du qua nhiều quốc gia, đi một mình để trải nghiệm sự tĩnh lặng và có thời gian tìm lại chính mình nữa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên