Thứ 3, ngày 20 tháng 4 năm 2021
Phụ huynh phải 'cõng' nhiều khoản tiền ngoài học phí
TTO - Cho con đi học, hằng tháng phụ huynh chúng tôi đang phải 'cõng' không biết bao nhiêu thứ tiền được mang danh 'xã hội hóa giáo dục' chứ đâu mỗi chuyện học phí.

Phụ huynh một trường phổ thông tại TP.HCM đóng tiền trường cho con - Ảnh: NHƯ HÙNG
Chỉ một ngày sau khi công bố dự thảo nghị định mới đề xuất tăng học phí ở tất cả các cấp học, trước bức xúc của dư luận về thời điểm tăng học phí không phù hợp khi ảnh hưởng dịch COVID-19 và thiên tai, Bộ GD-ĐT đã hoãn đề xuất này.
Theo Bộ GD-ĐT, học phí được điều chỉnh tăng theo tỉ lệ tăng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và khả năng chi trả của người dân. Đồng ý là mức học phí hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là khi tới đây tự chủ giáo dục nhiều hơn - kể cả bậc phổ thông - thì cũng không thể không tăng học phí.
Chế độ cho giáo viên hiện nay cũng chưa bảo đảm. Do đó về lâu dài vẫn phải tăng học phí để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Nói cách khác, việc xã hội hóa, nền kinh tế chia sẻ là xu hướng của phát triển. Tuy nhiên chia sẻ như thế nào, mức nào, lúc nào lại là việc rất đáng bàn.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp "chết lâm sàng" hoặc phải giải thể, nhất là với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Người lao động cả ở thành thị lẫn nông thôn đều bị giảm thu nhập, không ít người mất việc làm, cuộc sống rất khó khăn. Chính vì thế Chính phủ đã phải tung ra những gói hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp và cho những đối tượng khó khăn, hộ nghèo với con số hàng trăm ngàn tỉ đồng.
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 10 đến nay miền Trung phải chịu bão chồng bão, lũ chồng lũ, sạt lở đất kinh hoàng. Hàng trăm ngàn ngôi nhà bị dìm trong làn nước dữ. Hoa màu tan nát. Tài sản của người dân trôi theo dòng nước. Cả nước đã hướng về miền Trung với truyền thống tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách"...
Cho con đi học, hằng tháng phụ huynh chúng tôi đang phải "cõng" không biết bao nhiêu thứ tiền được mang danh "xã hội hóa giáo dục" chứ đâu mỗi chuyện học phí.
Cụ thể như dạy học theo định hướng STEM, tiền học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài, tiền điện, tiền nước uống, tiền tổ chức lớp học tiếng Anh tăng cường, tiền vệ sinh bán trú, tiền ăn trưa ăn xế, tiền học kỹ năng sống, tiền tổ chức lớp tin học, tiền tổ chức phục vụ và quản lý bán trú...
Đó là chưa nói tới các khoản đầu năm ai cũng phải "tự nguyện" như quỹ khuyến học, thu quỹ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, thu phí bảo trì máy tính, mua máy điều hòa, máy chiếu, quỹ tiết kiệm, tiền học phẩm, tiền mua ghế ngồi ngoài sân, tiền sao chụp đề kiểm tra, quỹ khen thưởng học sinh, quỹ thăm viếng thầy cô dịp lễ tết...
Cho dù có xã hội hóa để tìm nguồn thu thêm cho nhà trường, hay là tăng học phí, tăng đầu tư từ Nhà nước thì việc lạm thu có thể vẫn diễn ra.
Mấu chốt vấn đề là ở chỗ việc thu chi trong nhà trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đó là vấn đề mà Bộ GD-ĐT cần lưu tâm để giải quyết gánh nặng cho phụ huynh trước những khó khăn chồng chất trong cuộc sống.
-
TTO - Bỏ vốn từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng, nhiều người đang 'tá hỏa' vì ứng dụng Coolcat - sàn giao dịch bảo hiểm 100% vốn - đột nhiên không thể truy cập. Những người đại diện của sàn cũng biến mất, không thể liên lạc.
-
TTO - Thêm một tin gây sốc cho giới văn nghệ năm nay, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - tác giả bài thơ ‘Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu’ - qua đời chiều 20-4 ở nhà riêng tại Hà Nội.
-
TTO - Chiều 20-4, Công an TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn gần cổng ký túc xá ĐH Quốc gia TP. HCM, làm nữ sinh viên 22 tuổi, quê Lâm Đồng tử vong.
-
TTO - Bị cướp điện thoại, cô gái 24 tuổi chạy xe máy truy đuổi rồi tông ngã xe băng cướp. Lực lượng chức năng cùng người dân hỗ trợ khống chế 6 nghi phạm ở Hóc Môn, TP.HCM.
-
TTO - Sáng 20-4, TAND quận 5 mở phiên tòa xét xử vụ khách hàng kiện Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đòi bồi thường 1 triệu USD (tương đương 23 tỉ đồng) vì mua phải chai bia còn 1/2 nước.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận