09/06/2017 12:35 GMT+7

Phớt lờ luật quốc tế, Trung Quốc tiếp tục xây dựng trên đảo nhân tạo

PHẠM NGỌC MINH TRANG  (thạc sĩ luật quốc tế tại Anh)
PHẠM NGỌC MINH TRANG (thạc sĩ luật quốc tế tại Anh)

TTO - Việc Trung Quốc đã xây thêm nhà chứa máy bay và nhiều công sự trên 3 thực thể (đá) ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy một sự phớt lờ luật pháp quốc tế rất nghiêm trọng. 

Ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 2-2017 cho thấy Trung Quốc đã gần như hoàn tất các nhà chứa máy bay trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: AMTI/CSIS
Ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 2-2017 cho thấy Trung Quốc đã gần như hoàn tất các nhà chứa máy bay trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: AMTI/CSIS

Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra bằng chứng bằng hình ảnh hôm 6-6 cho thấy Trung Quốc đã cho xây dựng trái phép các nhà chứa máy bay trên ba thực thể đá Chữ Thập, Xubi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Hành động này thực sự rất đáng lo ngại vì thể hiện một thái độ phớt lờ luật pháp quốc tế rất nghiêm trọng của Trung Quốc tại Biển Đông, nhất là sau phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 mà Trung Quốc là một bên trong vụ kiện.

Mỗi ngày lấn biển 96,5m2

Việc các quốc gia xây dựng đảo nhân tạo trên biển không phải là điều quá mới lạ trong thực tiễn cũng như trong luật pháp quốc tế.

Thực ra, đã có nhiều trường hợp xây dựng đảo nhân tạo trước cả khi Trung Quốc tiến hành công việc này tại Biển Đông.

Ở châu Âu có các quốc gia như Anh, Pháp, Bỉ và Hà Lan tiến hành xây dựng đảo nhân tạo với mục đích phát triển công nghiệp.

Ở châu Á, nổi bật có Singapore và Hong Kong xây dựng sân bay trên các dự án đảo nhân tạo.

Tuy nhiên, cho đến khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp các thực thể trên Biển Đông và xây dựng các công trình của mình trên các thực thể này, vấn đề xây dựng đảo nhân tạo trở nên nổi bật và gây tranh cãi giữa các quốc gia.

Từ các hình ảnh vệ tinh cho thấy bắt đầu từ cuối năm 2013 cho đến nay, hoạt động bồi đắp các thực thể trên Biển Đông và xây dựng công trình có trang bị vũ khí quân sự của Trung Quốc ngày càng phát triển nhanh và mạnh về quy mô.

Bộ Quốc phòng Mỹ từng nhận định: “Trung bình cứ mỗi ngày ngủ dậy Trung Quốc đã xây dựng thêm 96,5m2 diện tích Biển Đông”.

Vi phạm chủ quyền nghiêm trọng

Việc Trung Quốc xây thêm nhà chứa máy bay và nhiều công sự trên 3 thực thể Chữ Thập, Xubi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa thể hiện một thái độ phớt lờ luật pháp quốc tế rất nghiêm trọng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Đầu tiên phải nói đến việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự trên các thực thể đã được Tòa trọng tài kết luận là bãi lúc chìm lúc nổi, đặc biệt là bãi Vành Khăn.

Đây được xem là hành động vi phạm chủ quyền nghiêm trọng đối với các quốc gia ven biển xung quanh khu vực Trường Sa, vì theo luật pháp quốc tế, các quốc gia không thể tuyên bố chủ quyền lên các thực thể này hay có những hành động làm biến đổi tính chất pháp lý của nó như Trung Quốc đang tiến hành.

Ngoài ra, hành vi xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc còn vi phạm các nghĩa vụ của quốc gia này được quy định trong Công ước Luật biển 1982. Sau phán quyết của Tòa trọng tài, hầu hết các vùng biển tại quần đảo Trường Sa là vùng biển cả.

Theo Công ước Luật biển 1982, các quốc gia được quyền tự do biển cả, trong đó có quyền xây dựng đảo nhân tạo. Tuy nhiên, quyền này đi kèm với các nghĩa vụ nhất định, đặc biệt là nghĩa vụ bảo vệ môi trường tại khu vực xây dựng này.

Tòa trọng tài, trong phán quyết cuối cùng của mình, đã kết luận rằng: hành động bồi đắp xây dựng trên các thực thể trên biển của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến các quần thể san hô và hệ sinh thái biển trong khu vực này.

Tòa còn yêu cầu Trung Quốc phải phối hợp với các quốc gia ven biển trong khu vực tiến hành các biện pháp thích hợp để giữ gìn và bảo tồn đa dạng sinh học tại đây.

Các hành vi của Trung Quốc ở các đảo nhân tạo cho đến giờ vẫn chưa thể hiện được thái độ tuân theo phán quyết và hợp tác với các quốc gia ven biển xung quanh. Đặc biệt, theo quy định của Công ước Luật biển 1982, vùng biển quốc tế hay biển cả phải được sử dụng cho các mục đích hòa bình.

Việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự trên các thực thể trong quần đảo Trường Sa không những làm gia tăng căng thẳng trong khu vực mà còn vi phạm quy định này của Luật biển quốc tế.

Phớt lờ và ngày càng bành trướng

Trung Quốc xây khối nhà 9 tầng trên đảo Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhiều năm nay, Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế, liên tục xây dựng các công trình trên các đảo đá - Ảnh: Viễn Sự
Trung Quốc xây khối nhà 9 tầng trên đảo Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhiều năm nay, Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế, liên tục xây dựng các công trình trên các đảo đá - Ảnh: Viễn Sự

Từ cuối năm 2013 đến nay, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện với Philippines mà Trung Quốc là bên bị đơn, các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông có thể nói là không có gì thay đổi.

Thậm chí, có thể nhận xét rằng việc phớt lờ luật quốc tế và ngày càng bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông thể hiện rõ nét chủ nghĩa bá quyền trong khu vực của quốc gia này.

Do đó, các quốc gia ven Biển Đông, nếu muốn đối phó với tình huống trên, cần phải có một cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc.

Cách tiếp cận này không những cần dựa trên sự đoàn kết lẫn nhau, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế mà còn cần sự vận dụng khôn ngoan các thiết chế trong pháp luật quốc tế để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ theo các cam kết của mình.

PHẠM NGỌC MINH TRANG (thạc sĩ luật quốc tế tại Anh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên