Hộ nuôi heo ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai phun thuốc sát trùng trang trại heo để diệt khuẩn, ngăn ngừa mầm bệnh trong trại nuôi - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Virút tả heo châu Phi có đặc tính đề kháng mạnh, tồn lưu lâu, chưa có thuốc điều trị và phòng ngừa, tỉ lệ chết lên đến 100% trong tất cả các trại heo... Đó là những yếu tố khách quan, nhưng chưa phải là tất yếu làm nên thực trạng dịch bệnh cả nước.
Phòng dịch mới là giải pháp tốt nhất giúp ngành chăn nuôi không "vỡ trận" trước dịch bệnh và sau khi dịch đi qua. Chi hỗ trợ không chỉ cho những đàn heo chết, cần hỗ trợ việc phòng dịch vì tương lai lâu dài đối với ngành chăn nuôi.
Theo thống kê, cả nước còn trên 2,5 triệu hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ. Ở các khu vực nông thôn, không hiếm gặp tình trạng chuồng heo nằm giữa khu dân cư. Phòng dịch bệnh lây lan chưa có hiệu quả rõ rệt.
Khó huy động sức dân
Tình trạng của các chuồng heo nhỏ lẻ này, ai cũng biết, hầu hết đều không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cũng như không có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Do đó, ở đâu có chuồng heo coi như cả xóm lãnh đủ mùi hôi (cả ngày lẫn đêm), chất thải từ chuồng heo xả thẳng xuống kênh rạch, đường thoát nước chung.
Vậy nên Chính phủ đã chỉ đạo "chống dịch như chống giặc", lãnh đạo các địa phương mong muốn huy động nhiều ban ngành, đoàn thể vào cuộc phòng chống dịch tả heo châu Phi, nhưng kết quả phòng dịch rất khiêm tốn.
Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong thời điểm dịch bùng phát hiện nay, những hộ gia đình hàng xóm của các chuồng heo còn bức xúc hơn những người đang nuôi heo. Nhiều hộ nuôi heo từ trước tới nay chủ yếu dùng nước sông để tắm heo, vệ sinh chuồng, nay sợ nguồn nước bị nhiễm virút lây bệnh nên hạn chế tắm heo và dọn chuồng.
Và hàng xóm càng khốn khổ hơn với mùi từ các chuồng heo.
Để huy động đủ lực lượng tại chỗ cho công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi, chính quyền cấp xã chỉ còn biết trông cậy chính vào lực lượng dân quân tự vệ và Đoàn thanh niên. Có nơi phải nhờ thêm bộ đội địa phương tham gia công tác vận chuyển và tiêu hủy.
Để không "vỡ trận"
Mức hỗ trợ hiện hành chung cho cả nước đối với hộ nuôi có heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi bằng 80% giá thị trường. Một số tỉnh thành áp dụng mức hỗ trợ cố định là 38.000 đồng/kg. Theo thống kê, dù có biến động nhiều, giá heo hơi trên thị trường nằm trong khoảng 30.000 - 42.000 đồng/kg.
Nếu đặt mục tiêu giúp các hộ nuôi có heo bị chết do dịch tả có thể thu hồi vốn và có điều kiện tái đàn khi dịch đi qua, mức hỗ trợ 38.000 đồng/kg là khả thi. Tuy nhiên, nếu xem xét dưới góc độ phòng chống dịch lây lan, mức hỗ trợ này trên thực tế đang có dấu hiệu tác dụng ngược.
Tại huyện Châu Thành - nơi đang có tổng đàn heo 70.000 con, lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, chỉ hai tuần sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên, dịch đã lan ra 6 xã với khoảng 500 chuồng có heo chết.
Đây đó có tâm lý lơ là việc phòng dịch do ỷ lại vào tiền hỗ trợ khi heo chết vì bệnh dịch. Nơi này nơi kia, nghe câu nói "heo sống là heo của dân, heo chết là heo của chính quyền".
Ở địa bàn có dịch, việc vận chuyển, mua bán heo ra ngoài rất khó khăn nhưng nếu heo bị dịch chết đi, lực lượng của chính quyền đến cân rồi chở đi liền. Chính vì vậy, trong hộ nuôi heo đã xuất hiện tình trạng lơ là, bỏ mặc.
Trong khi đó, ở một số trang trại nuôi heo lớn, chủ nuôi tâm huyết thì hoạt động phòng dịch của họ chưa được hỗ trợ tích cực. Họ phải tự lo nhân lực, tài lực và gặp nhiều khó khăn khi phải tự túc thực hiện các biện pháp cách ly chuồng trại khỏi các nguồn nguy cơ ô nhiễm.
Một chủ trang trại heo lớn ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp nói bên cạnh việc hỗ trợ hộ chăn nuôi có heo chết (nhiều khi do người nuôi lơ là), Nhà nước cũng nên dùng tiền để thưởng cho các hộ có giải pháp giữ được heo không bị dịch, phòng tránh lây lan.
Phòng dịch là điều quan trọng, cần được chú trọng nhiều hơn, kinh phí hỗ trợ không chỉ giải quyết cho chuyện heo chết mà cần chi cho đàn heo sống khỏe mạnh.
Chưa có quy định hỗ trợ kinh phí phòng dịch
Dịch bệnh xảy ra khi môi trường chăn nuôi có nguồn bệnh, động vật cảm nhiễm và sự lây nhiễm mầm bệnh từ nguồn bệnh sang vật cảm nhiễm. Nguồn bệnh chủ yếu là động vật mắc bệnh, các sản phẩm như thịt, trứng, sữa, xúc xích... và các dịch tiết, chất thải của động vật. Ngoài ra, nguồn bệnh thứ yếu có thể là con người, chim, chuột, chó, mèo... hoặc các vật dụng có tiếp xúc với nguồn bệnh, nguồn nước nhiễm virút cũng có thể lây truyền bệnh.
Dịch tả heo châu Phi chưa có văcxin phòng ngừa. Phương pháp hữu hiệu phòng dịch là ngăn nguồn bệnh và các yếu tố truyền lây. Để cắt đứt mắt xích nguồn bệnh, cần không giết mổ gia súc bệnh hoặc vứt xác chết ra môi trường sông, suối, ao cá, bãi rác... Các hoạt động này sẽ tạo ra nguồn lây khổng lồ từ nguồn lây nhỏ.
Thực tế, nhiều người chăn nuôi chưa hiểu đúng, không làm đúng các nguyên tắc chống lây lan. Việc chi tiền hỗ trợ người chăn nuôi theo mức giá tối ưu (tương ứng giá thị trường) là giải pháp để khuyến khích người nuôi thông báo về bệnh dịch, không tìm cách bán heo bệnh hoặc vứt xác bừa bãi ra môi trường.
Hiện nay, tùy từng địa phương, mức hỗ trợ có thể là 38.000 đồng/kg hoặc tính theo mức từ 250.000 đồng đến 3,5-4 triệu đồng/con.
Thế nhưng hiện chưa có quy định về việc hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi trong việc phòng dịch bệnh.
TS Hoàng Khánh Hưng
(Trạm chăn nuôi thú y Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận