02/12/2013 05:37 GMT+7

Phó tổng thống Mỹ Biden mang thông điệp gì đến châu Á?

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Hôm nay 2-12, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đến Tokyo (Nhật Bản), khởi đầu chuyến công du châu Á kéo dài một tuần nhằm tái khẳng định cam kết của chính quyền Mỹ đối với khu vực.

Trung Quốc thách đố trên biển Hoa ĐôngBắc Kinh điều hàng loạt chiến đấu cơ tới ADIZNhật, Mỹ hội đàm về vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc

cVm9b5v3.jpgPhóng to
Ông Biden dự kiến sẽ phản ứng với Trung Quốc về khu ADIZ mà Bắc Kinh đơn phương thiết lập - Ảnh: AFP

Gánh nặng mối quan hệ Mỹ - châu Á sẽ đè nặng lên đôi vai của ông Biden. Cả khu vực đang ngóng đợi chuyến đi của phó tổng thống Mỹ trong thời điểm Washington bận bịu với những điểm nóng ở Trung Ðông cũng như hàng loạt rắc rối chính trị trong nước.

Từ khi mới lên nắm quyền, Tổng thống Barack Obama cam kết "dồn toàn lực" cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo chiến lược "tái cân bằng", Washington sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự, đưa 60% tàu chiến đến Thái Bình Dương vào năm 2020. Tuy nhiên, kể từ đầu nhiệm kỳ hai của ông Obama, các nước Trung Ðông như Iran, Syria và Ai Cập đã trở thành mục tiêu trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong nước, chính quyền Obama vật lộn với những tranh chấp tại quốc hội và chương trình y tế nhiều rắc rối.

Vẫn là "ưu tiên hàng đầu"

Ðỉnh điểm của nỗi lo ngại là việc ông Obama phải hủy chuyến công du châu Á hồi tháng 10 do chính phủ đóng cửa. Quyết định của tổng thống Mỹ khiến nhiều nước khu vực đặt câu hỏi liệu châu Á có còn là một ưu tiên của Washington? Hãng tin AP dẫn lời hạ nghị sĩ Steve Chabot tiết lộ khi ông đến thăm châu Á, quan chức các nước luôn đặt câu hỏi đến bao giờ ông Obama sẽ có hành động thực tiễn? "Mọi thứ đến nay vẫn chỉ là lời nói. Họ muốn hành động cụ thể" - ông Chabot cho biết.

Chuyến đi cũng được chú ý bởi những diễn biến mới ở biển Hoa Ðông sau khi Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) khiến Nhật Bản và Hàn Quốc phản đối dữ dội. Bắc Kinh cũng không hề che giấu ý đồ lập một ADIZ tương tự trên biển Ðông.

Mới đây, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice khẳng định châu Á vẫn là ưu tiên hàng đầu của ông Obama. Bà Rice cho biết ông Obama sẽ đến thăm khu vực vào tháng 4-2014 và cam kết Mỹ sẽ quyết thực hiện chiến lược "tái cân bằng" dù "có bao nhiêu điểm nóng nổi lên trên thế giới". Và nhiệm vụ của ông Biden trong chuyến công du lần này là đưa thông điệp đó tới các nhà lãnh đạo châu Á.

Nhà Trắng cho biết theo lịch trình, tại Tokyo ông Biden sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ðến Bắc Kinh, ông sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye ở Seoul, ông sẽ có bài phát biểu về quan hệ Mỹ - Hàn Quốc ở Trường ÐH Yonsei.

Nói thẳng mối lo ngại

Giới quan sát nhận định ADIZ của Trung Quốc sẽ là vấn đề nóng nhất trong chuyến đi của ông Biden. Ðài VOA dẫn lời nhà phân tích Jonathan Pollack của Viện Brookings cho rằng ông Biden sẽ thảo luận về ADIZ ở cả Tokyo, Bắc Kinh và Seoul. Ông sẽ trấn an đồng minh Nhật trước mối đe dọa từ Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư trên biển Hoa Ðông.

Báo Washington Post dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết tại Bắc Kinh, ông Biden sẽ trực tiếp bày tỏ mối lo ngại của Mỹ về ADIZ với Chủ tịch Tập Cận Bình. "Ông Biden sẽ nói rõ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về những lo ngại của Mỹ. Ông ấy sẽ nhấn mạnh rằng một loạt hành động của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng châu Á không tốt cho bất cứ ai - quan chức này cho biết - Chuyến thăm sẽ cho phép phó tổng thống thảo luận vấn đề Trung Quốc hoạt động như thế nào trong vùng biển và vùng trời quốc tế, cũng như giải quyết bất đồng với các nước láng giềng".

Tại Hàn Quốc, mối đe dọa hạt nhân CHDCND Triều Tiên sẽ là chủ đề thảo luận chính của ông Biden. Giới quan sát dự báo ông cũng sẽ tìm cách "dàn hòa" giữa Nhật và Hàn Quốc. Việc Seoul nổi giận với Bắc Kinh vì ADIZ có thể sẽ tạo cơ hội cho Washington thắt chặt quan hệ ba bên Mỹ - Nhật - Hàn. Trong chuyến công du, ông Biden cũng sẽ thúc đẩy đàm phán Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự kiến kết thúc vào cuối năm nay. Mới đây Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ bàn thảo với Mỹ, Nhật và các nước về việc gia nhập TPP.

Nhật Bản đưa ADIZ ra Liên Hiệp Quốc

Nhật Bản vừa đề nghị cơ quan giám sát hàng không của Liên Hiệp Quốc xem xét việc Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại khu vực biển Hoa Đông với nước này.

Theo Kyodo, trong bản kiến nghị gửi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tokyo khẳng định ADIZ đe dọa đến an toàn của các tuyến hàng không dân dụng quốc tế. Kiến nghị này khi đưa ra đã được các nước Mỹ, Anh, Úc ủng hộ. Mặc dù khuyến cáo của ICAO mang tính chất không ràng buộc, Tokyo vẫn hi vọng phản ứng của ICAO có thể khiến Bắc Kinh rút lại các biện pháp quân sự nhằm quản lý ADIZ.

Hôm 1-12, Thủ tướng Nhật Abe và Bộ trưởng quốc phòng Itsunori Onodera tuyên bố phía Mỹ xác nhận không khuyến cáo các hãng hàng không nước này thông báo lịch bay cho Trung Quốc. Theo Washington, việc yêu cầu các hãng hàng không tuân thủ chính sách cảnh báo của nước ngoài “không có nghĩa rằng Chính phủ Mỹ chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc” về vấn đề ADIZ. Dù vậy, các hãng hàng không thương mại Mỹ là United, American và Delta cho hay họ đã thông báo cho giới chức Trung Quốc lịch trình bay khi đi qua ADIZ.

ĐÔNG PHƯƠNG

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Mỹ đưa máy bay B-52 vào "vùng phòng không"Những cái đầu nóngHàng không Nhật ngừng thông báo lịch bay cho Trung QuốcBiển Hoa Đông nóng hừng hực

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên