Sáng 27-5, nêu ý kiến thảo luận về dự kiến chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt vấn đề hiện kinh phí dành cho hoạt động giám sát tại các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương còn quá ít ỏi.
Theo bà Nga, để tổ chức hoạt động giám sát trực tiếp tại cơ sở, ngoài các thành viên đoàn giám sát là đại biểu Quốc hội của đoàn, đoàn đại biểu Quốc hội địa phương còn phải phối hợp hết sức chặt chẽ với nhiều cơ quan, ban ngành khác của địa phương.
Cạnh đó, phải mời các thành viên khác, chuyên gia tham gia đoàn giám sát.
Thế nhưng, bà Nga chỉ rõ với kinh phí quy định như hiện tại, việc mời được các chuyên gia của các lĩnh vực, thành viên của cơ quan khác tham gia đoàn giám sát cũng chưa thuận lợi.
Bà Nga nhấn mạnh điều này ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng của hoạt động giám sát cả về chất lượng lẫn khâu tổ chức hoạt động.
Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội rà soát, xem xét, nâng mức kinh phí hoạt động giám sát cho phù hợp với yêu cầu thực tế, tình hình hiện tại. Trong tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu thống nhất tờ trình, dự kiến chương trình giám sát năm 2024, cơ bản nhất trí đánh giá triển khai chương trình giám sát 2022, thống nhất chương trình dự kiến 2024.
Ông nêu, về giám sát chuyên đề, ngoài 4 chuyên đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất, một số đại biểu đề xuất tổ chức các chuyên đề khác như kinh tế biển, văn bản pháp luật địa phương...
Cạnh đó, có đại biểu đề nghị tạo điều kiện cho hoạt động giám sát như tăng kinh phí, chế độ...
"Báo cáo Quốc hội, nhiều đại biểu chuyên trách cũng có ý kiến. Kể cả việc tiền hỗ trợ cho hoạt động giám sát này, trong đó tiêu chuẩn tham gia hoạt động giám sát một đại biểu Quốc hội chỉ có 100.000 đồng/cuộc giám sát. Ngoài ra còn câu chuyện cơ sở vật chất", ông Phương nói.
Vấn đề này, theo ông Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân công các cơ quan nghiên cứu tham mưu.
Cùng với đó, tăng cường công tác bảo đảm cho hoạt động giám sát, điều hòa hoạt động bằng hình thức phù hợp và có giải trình cụ thể với Quốc hội.
Ông Phương cũng chỉ rõ việc rút kinh nghiệm và một số chương trình giám sát trong năm 2023, không yêu cầu đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND giám sát song song với đoàn của Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
"Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, trong thời gian đó, đoàn đại biểu, HĐND vẫn phải báo cáo hoạt động giám sát với các nội dung đó. Làm đến đâu báo cáo đến đó, không yêu cầu giám sát cùng với đoàn giám sát của Quốc hội", ông Phương nêu rõ.
Trên cơ sở thảo luận, phiếu xin ý kiến, ông Phương nói Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng thư ký nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh để báo cáo Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết chương trình giám sát năm 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận