Thông tin vừa được Bộ Công Thương phát đi bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC và Hội nghị Bộ trưởng Thương mại khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) tại thành phố Detroit, Mỹ. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với ông Steve Biegun - phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Boeing (Mỹ).
Ba định hướng chiến lược kinh doanh của Boeing tại Việt Nam
Khẳng định tiềm năng và vị trí quan trọng của thị trường Việt Nam đối với chiến lược kinh doanh của Boeing, phó chủ tịch cấp cao của Boeing cho biết đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Ông Steve Biegun cũng hé lộ thêm định hướng chiến lược kinh doanh của Boeing tại Việt Nam, bao gồm việc Boeing tăng cường hợp tác, quan hệ thương mại trong lĩnh vực hàng không với các hãng hàng không tại Việt Nam một cách sâu sắc hơn.
Boeing cũng sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù, như máy bay trực thăng, vận tải. Đặc biệt, tập đoàn hàng không này sẽ đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao việc Tập đoàn Boeing mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác mang tính chiến lược tại thị trường Việt Nam.
Ông cũng mong muốn hợp tác sâu hơn với Việt Nam để phát triển hệ sinh thái hàng không. Điều này cũng sẽ góp phần giúp thúc đẩy trao đổi thương mại song phương giữa hai nước.
Theo ông, một số nhà cung cấp tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ sản xuất một số thành phần máy bay thương mại của Boeing như một số bộ phận, linh kiện, nội thất máy bay và vật liệu tổng hợp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ vẫn chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các doanh nghiệp thuần Việt Nam mới chỉ sản xuất được những linh phụ kiện nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao.
Do đó ông Diên cho rằng đầu tư của Boeing vào Việt Nam trong thời gian tới cần góp phần tích cực để tạo ra tác động lan tỏa mạnh mẽ hơn tới việc nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo của các doanh nghiệp Việt Nam.
Xây dựng khung hợp tác thúc đẩy công nghiệp phụ trợ hàng không
Ông Diên cho biết từ năm 2020, công nghiệp hàng không vũ trụ đã được đưa vào danh mục các ngành công nghiệp công nghệ cao được Việt Nam ưu tiên đầu tư phát triển. Trong ngành cơ khí chế tạo, Việt Nam đã hình thành những tập đoàn lớn thuần Việt có năng lực.
Đáng chú ý, những doanh nghiệp này sẵn sàng đầu tư cho công tác nghiên cứu - phát triển, máy móc thiết bị để theo đuổi các mục tiêu lớn hơn trong lĩnh vực công nghệ cao và hoàn toàn có thể trở thành những đối tác tiềm năng của Boeing trong tương lai.
Ông Diên khẳng định sẵn sàng phối hợp với các đối tác chiến lược như Boeing trong việc thiết kế được khung hợp tác thuận lợi, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp phụ trợ hàng không tại Việt Nam.
Đồng thời việc hợp tác giúp các nhà cung ứng Việt Nam có thể từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Boeing, giúp Boeing thực hiện được mục tiêu chiến lược, tầm nhìn dài hạn của mình.
Boeing sẽ cử nhân sự cấp cao sang Việt Nam
Ông Diên đề nghị Tập đoàn Boeing đẩy nhanh hơn nữa quá trình phát triển các nhà cung ứng tại Việt Nam. Xây dựng các dự án kết nối và hỗ trợ cụ thể; dành thời gian khảo sát, làm việc, tư vấn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu mà hãng đưa ra.
Ông cũng đề nghị Boeing cử chuyên gia đến để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân sự, chuyển giao công nghệ khi đã đáp ứng đủ điều kiện.
Đáp lại Tập đoàn Boeing đã nhận lời mời của bộ trưởng và cử nhân sự cấp cao tham gia sự kiện kết nối các nhà cung ứng quốc tế - Viet Nam Sourcing 2023 do Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 9 tới tại TP.HCM, giới thiệu và tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu của Boeing.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận