22/01/2018 07:17 GMT+7

Philippines tuyên bố không tham gia chuyện Mỹ - Trung ở Biển Đông

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Trong một tuyên bố mới đây, Philippines khẳng định sẽ không bị cuốn theo tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh việc tàu Mỹ lởn vởn ở bãi cạn Scarborough.

Philippines tuyên bố không tham gia chuyện Mỹ - Trung ở Biển Đông - Ảnh 1.

Tàu khu trục Mỹ USS Hopper - Ảnh: Reuters

Hôm 20-1, Chính phủ Trung Quốc cáo buộc Mỹ "xâm phạm lãnh hải" vì một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Lầu Năm Góc di chuyển gần bãi cạn Scarborough.

Philippines xem Scarborough là lãnh thổ của mình nhưng địa điểm này đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012.

Trong khi đó, Mỹ không nhìn nhận sự chiếm đóng của Trung Quốc và việc điều tàu di chuyển quanh đó là những hành động thể hiện quyền tự do hàng hải trong mắt Washington.

Người phát ngôn phủ tổng thống Philippines Harry Roque Jr. ngày 21-1 tuyên bố "Mỹ có thể quan tâm tới lợi ích riêng", và thêm rằng "chúng tôi không muốn trở thành một phần trong một câu chuyện nội bộ" ở Biển Đông.

Phát biểu của ông Roque phản ánh phần nào chính sách ngoại giao, đặc biệt về Biển Đông, của Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.

Từ khi nhậm chức giữa năm 2016, ông Duterte đã đi ngược lại quan điểm của người tiền nhiệm Benigno Aquino III bằng việc xây dựng quan hệ êm ấm với Trung Quốc và chỉ trích chính sách an ninh của Mỹ - vốn trước đây là đồng minh thân cận của Manila.

Ông Duterte đã từ chối các đợt tuần tra chung giữa Philippines và Mỹ trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, cũng như không thực hiện các bài tập trận bị cho là khiêu khích Trung Quốc, theo AP.

Một cách rõ ràng nhất, trong khi ông Aquino kiện các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế, thì ông Duterte có biểu hiện ngó lơ vụ việc, bất kể phán quyết của một tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) tuyên bố có lợi cho phía Philippines.

Liên quan tới mâu thuẫn mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 20-1 khẳng định Bắc Kinh sẽ có "các biện pháp cần thiết" để "bảo vệ lãnh thổ của mình".

Trước đó tàu khu trục USS Hopper của Mỹ đã tuần tra trong cái gọi là "phạm vi 12 hải lý" đối với bãi cạn Scarborough.

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 quy định các quốc gia ven biển có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải không quá 12 hải lý. Sự phản ứng của Trung Quốc với Mỹ vì thế có thể hiểu là động thái nhằm "xác lập chủ quyền" của Bắc Kinh.

Về điều này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng có ý trách Mỹ không tôn trọng Manila khi hành động không thông qua sự chấp thuận của chính quyền nước này.

"Chúng tôi không có gì để bàn đối với việc Mỹ làm ở Biển Đông. Họ không thông báo với chúng tôi trước về các hoạt động ở đây", ông Lorenzana nói.

Khi được hỏi về việc Philippines có quan ngại với chuyện tàu chiến Mỹ đi qua khu vực có tranh chấp của nước này hay không, ông Lorenzana nói thêm: "Không, vì miễn là họ vẫn tuân thủ quyền đi lại không gây hại. Luật pháp quốc tế cho phép quyền đi lại không gây hại, kể cả trong các vùng lãnh hải".

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên