Một nhà máy gây ô nhiễm không khí ở Pháp - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, hai mẹ con nguyên đơn cho rằng chính quyền đã không có các biện pháp hữu hiệu để chống ô nhiễm không khí, đặc biệt khi Paris rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng nề hồi tháng 12-2016.
Tình hình ô nhiễm tồi tệ cộng với việc hai mẹ con sống ở Saint-Ouen - vùng ngoại ô phía bắc thủ đô Paris, ngay rìa của con đường vành đai có 1,1 triệu xe đi qua mỗi ngày - khiến cả hai đều gặp các vấn đề hô hấp nghiêm trọng.
Đường vành đai mở cửa từ năm 1973 này là ác mộng của khoảng 100.000 người dân sống gần đó vì ô nhiễm khói bụi xe cộ.
Luật sư Francois Laforgue - đại diện cho hai mẹ con, cho biết hai thân chủ của ông buộc phải chuyển nhà sang thành phố Orleans theo lời khuyên của bác sĩ vì không chịu nổi cảnh ô nhiễm.
Nhóm tư vấn pháp lý cho hai nguyên đơn biện luận rằng chính quyền Pháp đã không thiết lập các quy định, cũng như không áp dụng hết cả biện pháp trong khả năng của họ để có thể bảo vệ tốt hơn cho các cư dân sống trong vùng ô nhiễm.
Hai mẹ con nguyên đơn yêu cầu tòa buộc nhà nước bồi thường 160.000 euro (gần 4,2 tỉ đồng) cho những tổn hại về sức khỏe của mình, cụ thể là người mẹ 52 tuổi phải nghỉ việc, còn cô con gái 16 tuổi bị suyễn.
Theo Respire - tổ chức phi chính phủ đang hỗ trợ hai mẹ con trong vụ kiện, có khoảng 50 người khác cũng đang chuẩn bị đâm đơn kiện chính phủ vì lý do tương tự.
Sebastien Vray - nhà sáng lập Respire, cho biết tòa đồng ý xét xử vụ kiện của hai mẹ con nói trên đã là thắng lợi, chưa cần biết họ có đòi được bồi thường hay không.
Cả ông Vray và luật sư Lafforgue đều cho rằng phiên tòa ngày 28-5 là phiên tòa đầu tiên tại Pháp mà một cá nhân kiện chính phủ vì vấn đề ô nhiễm liên quan đến sức khỏe của mình.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra khoảng 48.000 ca chết trước tuổi trung bình ở Pháp mỗi năm, theo AFP.
Vào tháng 12-2016, thủ đô Paris chứng kiến mức độ ô nhiễm vào mùa đông đạt mức cao nhất trong vòng một thập niên trở lại, buộc chính quyền phải tạm thời quy định xe hơi phải chia nhau di chuyển theo ngày chẵn - lẻ tương ứng với biển số để giảm lượng khí thải xe cộ. Biện pháp này trước đó chỉ mới được áp dụng 3 lần vào các năm 1997, 2014 và 2015.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận