23/06/2013 10:18 GMT+7

Phía sau những bài báo - Kỳ cuối: Đi tìm lẽ công bằng

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TT - Sáng 29-4, nông dân Dương Văn Tùng ở Long Xuyên (An Giang) đã ký vào phía sau hai mảnh của tờ vé số rách đôi để nhận 100 triệu đồng tiền trúng giải từ Công ty xổ số kiến thiết Kiên Giang, sau gần ba tháng miệt mài khiếu nại.

Cũng tờ vé số rách, với góc nhìn ban đầu của Công ty xổ số Kiên Giang là hai mảnh giấy lộn. Nhưng đối với nhiều nhà báo và số đông bạn đọc, tờ vé số rách ấy lại là cơ hội đổi đời của một gia đình nông dân nghèo khó. Họ đã vào cuộc.

Kỳ 1: Phía sau những bài báo Kỳ 2: Báo chí “chạy tiếp sức” cùng ngư dân trong vụ bạch tuộc Kỳ 3: 10 năm cùng Phụng

fO5fo0DF.jpgPhóng to
Các phóng viên và luật sư tư vấn của báo Pháp Luật TP.HCM đội mưa tìm đến người dân bị thiệt hại do Nhà máy Vedan xả thải. Đây là vụ việc mà giới báo chí đã lên tiếng và bênh vực quyền lợi thành công cho người dân - Ảnh: PHONG ĐIỀN

Những tiếng nói phía sau mặt báo

Phía sau mặt báo có đến ba phóng viên Tuổi Trẻ ở văn phòng Kiên Giang và Cần Thơ làm những việc “hậu trường” để tìm cách “dán” lại tờ vé số. Anh Nguyễn Triều, phóng viên phụ trách văn phòng đại diện Tuổi Trẻ tại Kiên Giang, nói anh và các đồng nghiệp cứ như con thoi, hết gặp lãnh đạo Công ty xổ số Kiên Giang, lại đến Sở Tài chính, rồi cả lãnh đạo tỉnh Kiên Giang… Rồi như bao lần, bạn đọc vẫn là những người đã giúp Tuổi Trẻ vững tin hơn trong quyết định của mình. Bạn đọc Nguyễn Quang Sơn, với kinh nghiệm nhiều năm làm đại lý vé số ở Đà Nẵng, chính là người đã chỉ ra những lý lẽ thuyết phục với bài viết “Phải xét trả thưởng cho ông Dương Văn Tùng”, giúp Tuổi Trẻ có những bài viết mạnh mẽ hơn trong việc đòi lại quyền lợi cho ông Tùng.

Hành trình “dán” lại tờ vé số cho nông dân Dương Văn Tùng khép lại vào buổi sáng 29-4 khi ông chính thức được nhận tiền trúng số. Nhưng hành trình cùng bạn đọc đi đến cùng, bảo vệ đến cùng lẽ phải vẫn được nối tiếp. Bởi nói như bạn đọc đại lý vé số Nguyễn Quang Sơn: “Không có sự thật nào là nhỏ, mà đã là sự thật thì đều phải tìm cách để được nói lên”.

Cũng với tâm niệm ấy, phóng viên Nguyễn Thanh Tùng của báo Pháp Luật TP.HCM đã giúp anh Nguyễn Huy Thuận ở Tây Ninh từ việc phải nhận mức án từ 8 năm tù thành trắng án. Trong một phiên xử tại tòa phúc thẩm ở TP.HCM đầu năm 2009, Thanh Tùng phát hiện bị cáo Thuận bị Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh tuyên 8 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em, với tình tiết tăng nặng là hiếp dâm nhiều lần. Oái oăm, nạn nhân là... vợ Thuận, dù đã cưới hỏi đàng hoàng và có hai đứa con, đứa lớn đã 14 tuổi. Thuận bị bắt khi vợ chồng lục đục, vợ Thuận bỏ đi Đài Loan và ở nhà các cơ quan tố tụng tiến hành khởi tố vụ án, bắt giam Thuận vì phát hiện khi cưới nhau vợ Thuận chưa đầy 13 tuổi.

Nhiều điều đã không được lưu tâm trước khi đưa ra bản án. Và báo Pháp Luật TP.HCM đã lật lại toàn bộ bi kịch về cuộc hôn nhân của Thuận. Báo này khẳng định Nguyễn Huy Thuận phải được áp dụng điều khoản dành cho “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Những bài báo đã tác động đến một trong những người có chức vụ cao nhất ở Tóa án nhân dân tối cao - phó chánh án thường trực Đặng Quang Phương. Không đợi phóng viên tìm đến, ông Phương đã xin số điện thoại phóng viên và tranh thủ trả lời ngay tại sảnh chờ sân bay Tân Sơn Nhất trong chuyến công tác vào TP.HCM. Ông khẳng định Nguyễn Huy Thuận không đáng bị xử lý hình sự. Và ở phiên xử sau đó tòa đã trả tự do cho Thuận.

GL1ZtJB4.jpgPhóng to
Các phóng viên hỏi chuyện bà Hoàng Thị Học, ở Lạng Sơn (ngồi giữa), người suốt 15 năm qua đã tự mò mẫm đi kiện đòi lại căn nhà của mình - Ảnh: VIỄN SỰ

Bình đẳng trong tiếp cận báo chí

Cái kết có hậu trong vụ việc của ông Dương Văn Tùng, của anh Nguyễn Huy Thuận không phải hiếm gặp khi báo chí nhập cuộc và lên tiếng. Nhưng còn bao nhiêu nỗi oan trái nữa của người dân mà báo chí chưa tìm đến thì khó ai trả lời được cái kết thế nào.

Tại hội thảo “Truyền thông và hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người dân”, do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) diễn ra ngày 17 - 6 vừa qua ở Hà Nội, nhà báo Trần Tâm - báo Bảo Vệ Pháp Luật - đã đưa bà Hoàng Thị Học, người dân tộc Tày ở Lạng Sơn, đến để dẫn chứng cụ thể về một trường hợp người dân gặp vướng mắc về pháp lý nhưng không có cơ hội tìm đến báo chí. Nhà báo Trần Tâm cho biết suốt 15 năm qua bà Học đã đi gõ cửa nhiều cơ quan để đòi lại quyền sở hữu ngôi nhà và mảnh đất mà bà đã tích cóp cả đời để xây dựng, đang bị người thân tranh giành.

Câu chuyện của bà Học sẽ còn phải tiếp tục đợi các cơ quan pháp luật phân định. Nhưng theo nhà báo Trần Tâm, nếu ngay từ đầu vụ việc của bà được một cơ quan hỗ trợ pháp lý hoặc báo chí vào cuộc thì có lẽ bà đã không phải mất đến 15 năm tuổi già vác đơn đi kiện, còn bị lừa mất gần 100 triệu đồng khi gặp những kẻ mạo danh người có vai vế nhận giúp đỡ. “Ở một địa phương xa xôi, rất ít phóng viên thường trú như Lạng Sơn thì câu chuyện của bà Học đã minh chứng về sự thiếu công bằng trong cơ hội được báo chí tiếp cận để giúp đỡ. Cùng một tư cách công dân nhưng còn rất nhiều số phận đã không gặp may mắn như ông Tùng, như anh Thuận” - nhà báo Trần Tâm nói.

Cùng suy nghĩ này, nhà báo Đỗ Văn Khanh, chủ nhiệm văn phòng tư vấn pháp luật - bạn đọc, báo Lao Động, nói những số phận báo chí không tìm đến được và bản thân cũng không thể tiếp cận được báo chí còn rất nhiều. “Chẳng phải báo chí chúng ta vẫn hay nói đến những người 15 năm, 20 năm đi kiện, thậm chí một đời, hai đời đi kiện mà không tìm được công lý?” - nhà báo Đỗ Văn Khanh nói.

Mở rộng cơ hội cho người dân

Đây là quan điểm của luật sư Nguyễn Tiến Lập (văn phòng luật sư NH Quang và cộng sự) về việc được nhận sự hỗ trợ từ báo chí. Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng người dân phải được quyền tiếp cận báo chí như một phương tiện để họ lên tiếng khi gặp vướng mắc. Hiện nay báo chí phát hiện sự việc chủ yếu từ các kênh thông tin khác nhau của tòa soạn và phóng viên. Nhưng các kênh thông tin này không thể nào bao quát được tất cả các số phận, các vấn đề vướng mắc của người dân. “Cần phải làm sao để bất cứ người dân nào cũng có thể nghĩ đến việc nhờ báo chí lên tiếng và có cơ hội tiếp cận báo chí để giải quyết các vấn đề của họ” - luật sư Nguyễn Tiến Lập đề nghị.

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên