Trong phát biểu ngày 20-7, ông Srettha Thavisin, ứng viên tiềm năng của Pheu Thai, nói rằng đảng này sẽ phản đối việc sửa luật chống khi quân, tức điều 112 trong Bộ luật Hình sự Thái Lan.
"Nếu chúng tôi dẫn dắt, việc này sẽ dừng lại. Nếu không chúng tôi sẽ không được sự ủng hộ của các đảng và Thượng viện", báo Bangkok Post dẫn lời ông Srettha nói.
Kế hoạch thúc đẩy sửa đổi điều 112 là chính sách tranh cử của Đảng Tiến bước (MFP), đảng dẫn đầu trong cuộc bầu cử 500 thành viên Hạ viện vào tháng 5-2023, nhưng cũng là nguyên nhân chính khiến đảng này không giành được ghế thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu trước đó.
Cũng trong ngày 20-7, Quốc hội Thái Lan cũng tước tư cách ứng viên thủ tướng của lãnh đạo MFP, ông Pita Limjaroenrat. Điều này đồng nghĩa với việc ông Pita sẽ không còn cơ hội cho các vòng bỏ phiếu tiếp theo.
"Một ứng viên chỉ được đề cử một lần trong mỗi phiên quốc hội", phó chủ tịch Hạ viện Thái Lan, ông Pichet Chuamuangphan, giải thích với Hãng tin Reuters. Trước đó một ngày, ông Pita cũng bị đình chỉ tư cách nghị sĩ do cáo buộc sở hữu cổ phần của một công ty truyền thông trong thời gian tranh cử.
Ở đợt bỏ phiếu ngày 13-7, ông Pita không đạt số phiếu tối thiểu do thiếu sự ủng hộ của Thượng viện, cơ quan gồm 249 thành viên được phía quân đội chỉ định.
Đợt bỏ phiếu tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 27-7. Nhiều khả năng ông Srettha sẽ được đề cử cho vị trí thủ tướng thay ông Pita.
Liên minh 8 đảng do MFP dẫn đầu sau cuộc bỏ phiếu vào tháng 5-2023 cũng đang đứng trước nguy cơ tan rã. Nhiều thượng nghị sĩ đã khẳng định họ sẽ không bỏ phiếu cho bất cứ ứng viên của liên minh nào có MFP, trừ khi từ bỏ kế hoạch sửa đổi điều 112.
Khi được hỏi liệu liên minh mới do Pheu Thai dẫn đầu có bao gồm MFP hay không, ông Srettha cho biết vấn đề vẫn đang được thảo luận. Liên minh 8 đảng dự kiến sẽ họp bàn vấn đề này trong 2 ngày 20 và 21-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận